Cuộc sống tại những quốc gia Covid-19 chưa đặt chân tới

Dù Covid-19 không tấn công trực tiếp, những tác động, hệ quả gián tiếp mà nó gây ra vẫn tác động mạnh mẽ lên những vùng đất này.

Covid-19 đang lan truyền với tốc độ chóng mặt ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới. Thế nhưng vẫn có những quốc gia mà đại dịch chưa và có thể sẽ không bao giờ đặt chân đến.

Người dân ở những nơi này không phải đeo khẩu trang, không phải chào nhau bằng cách chạm khuỷu tay, cũng không có mã QR để theo dõi y tế hay phải thực hiện giãn cách xã hội.

Một số ít các quốc gia trên toàn cầu - phần lớn trong số đó là các hòn đảo, hầu hết là các hòn đảo xa bờ - đã tìm cách thoát khỏi đại dịch.

Thế nhưng, dù Covid-19 không tấn công trực tiếp, những tác động, hệ quả gián tiếp của nó vẫn hiện diện ở những vùng đất này. Chính vì vậy không có dịch, không có nghĩa người dân ở đây có thể duy trì một cuộc sống hoàn toàn bình thường.

 Thanh niên chơi bóng bầu dục vào lúc hoàng hôn ở Nuku'alofa, Tonga.

Thanh niên chơi bóng bầu dục vào lúc hoàng hôn ở Nuku'alofa, Tonga.

Bong bóng an toàn

Thái Bình Dương là nơi có cụm các quốc gia không có Covid-19 lớn nhất thế giới. Ở những hòn đảo xa xôi của Quần đảo Cook, loại virus có thể gây chết người vẫn chưa bén mảng tới.

Trong những tháng đầu bùng phát dịch bệnh, các trường học trên Rarotonga - hòn đảo đông dân nhất Quần đảo Cook - bị đóng cửa và khuyến khích sự xa cách xã hội ở những nơi công cộng.

Nhưng ở một đất nước chỉ có 22 bác sĩ và hai máy thở cho dân số 17.500 người, nhiều người vẫn sống trong lo sợ về một đợt bùng phát không được kiểm soát.

Glenda Tuaine sống ở Rarotonga cho biết: “Cho dù chúng tôi chuẩn bị như thế nào đi chăng nữa, chúng tôi chỉ đang ở trong một bong bóng an toàn mà không có tác động và sự tàn phá thực sự Covid-19 gây ra cho cộng đồng”.

Du lịch đóng góp hơn 2/3 GDP danh nghĩa của Quần đảo Cook. Vì vậy, khi chính phủ đóng cửa biên giới với khách du lịch quốc tế vào giữa tháng 3, nền kinh tế bị ảnh hưởng rõ rệt.

Kinh tế, du lịch ở Quần đảo Cook bị đình trệ vì ảnh hưởng của đại dịch.

Thủ tướng Mark Brown nói: “Thời điểm chúng tôi đóng cửa biên giới, thu nhập của người dân bị giảm mạnh”.

Chính phủ đã phải đưa ra gói hỗ trợ nhằm giúp cho người lao động có việc làm và một phần hoạt động thương mại tích cực khi thiếu nguồn thu quan trọng từ du lịch.

Bất chấp khó khăn, ông Brown cho rằng một tinh thần cộng đồng mạnh mẽ hơn đã xuất hiện. "Mọi người chăm sóc lẫn nhau, quan tâm đến hàng xóm, người thân, chia sẻ thực phẩm mà họ trồng và nuôi được".

Trên khắp Thái Bình Dương, về cơ bản, để ngăn chặn virus, các nước bắt buộc phải đóng cửa biên giới nghiêm ngặt. Nhờ cấm hầu hết hoạt động di chuyển trong và ngoài nước, Tonga, Kiribati, Niue, Nauru và Tuvalu đều đã tránh được virus.

Nỗi sợ vẫn hiện hữu

Việc cô lập cưỡng bức chắc chắn có ích nếu nhìn vào bài học của French Polynesia. Nhóm đảo này đã tái mở cửa biên giới và bỏ qua kiểm dịch vào tháng 7/2020 để ưu tiên phục hồi kinh tế và du lịch.

Hậu quả là vùng đất, ban đầu chỉ có 62 trường hợp nhiễm Covid-19, hiện có hơn 15.000 người nhiễm virus và 91 trường hợp tử vong.

Thế nhưng, đóng cửa với thế giới bên ngoài cũng có cái giá riêng của nó. Nền kinh tế vốn đã mỏng manh trên Thái Bình Dương, đặc biệt là những nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch, đã bị tàn phá nghiêm trọng.

Nền kinh tế của Fiji giảm hơn 20% vào năm 2020 và hàng nghìn người đã bỏ việc trong lĩnh vực du lịch để trở về làm nông nghiệp trên vùng đất của tổ tiên.

Ở một số vùng của Papua New Guinea, người dân đã quay trở lại sử dụng tiền làm từ vỏ sò và phương thức hàng đổi hàng. Hơn một nửa các gia đình đã cho trẻ em nghỉ học vì không có tiền, theo một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới.

Người dân Papua New Guinea đã quay trở lại sử dụng tiền làm từ vỏ sò.

Ở Quần đảo Solomon lân cận, nơi chỉ có 17 trường hợp nhiễm virus, 57% tổng số gia đình được khảo sát đang ăn ít hơn vì thu nhập giảm.

Tại Koror, thành phố lớn nhất ở quần đảo Palau, phía tây Thái Bình Dương, việc không còn Covid-19 sau một năm được coi là sự kết hợp của may mắn cùng quyết định đóng cửa biên giới sớm.

Semdiu Decherong, một thành viên chính phủ, cho biết cuộc sống về cơ bản vẫn tiếp diễn bình thường. Các cuộc họp mặt gia đình, lễ tốt nghiệp, sự kiện xã hội vẫn diễn ra.

Thế nhưng, Decherong vẫn cảm nhận được sự lo lắng, nỗi sợ hiện hữu giữa nhịp sống thường ngày.

“Sống trên một hòn đảo xinh đẹp có rất nhiều đặc quyền, nhưng chắc chắn tuyệt vời hơn nếu thỉnh thoảng được đi xa một chút. Nhưng, nếu có bất cứ điều gì xảy ra, chúng tôi sẽ lại phải tự cô lập”.

Lê Vy

Ảnh: AP, Guardian

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-song-tai-nhung-quoc-gia-covid-19-chua-dat-chan-toi-post1171129.html