Cuộc sống ngày và đêm của một nữ vũ công

Tôi tên là Chu Lê Vi Anh, sinh năm 1998. Tôi từng nằm trong top 8 So You Think You Can Dance năm 2014 và tham gia một số phim ngắn. Công việc chính của tôi là vũ công chuyên nghiệp

Tôi tên là Chu Lê Vi Anh, sinh năm 1998. Tôi từng nằm trong top 8 So You Think You Can Dance năm 2014 và tham gia một số phim ngắn. Hiện nay, công việc chính của tôi là một vũ công chuyên nghiệp.

Tôi tên là Chu Lê Vi Anh, sinh năm 1998. Tôi từng nằm trong top 8 So You Think You Can Dance năm 2014 và tham gia một số phim ngắn. Hiện nay, công việc chính của tôi là một vũ công chuyên nghiệp.

Dạy nhảy cho học viên là một trong những công việc chính của tôi. Tôi hướng dẫn nhiều học viên ở các lứa tuổi khác nhau, từ nhảy sexy dance tới dance sport. Các lớp học sẽ diễn ra vào khoảng 19-20h một số ngày trong tuần.

Khoảng thời gian đầu năm có ít show ca nhạc lớn, tôi thường nhận biểu diễn ở các sự kiện nhỏ. Thông thường, các show lớn sẽ diễn ra vào nửa cuối năm, khi ấy, tôi cũng bận rộn hơn và phải di chuyển tới nhiều tỉnh thành.

Tôi tự trang điểm, chuẩn bị phục trang, đầu tóc trước khi lên sân khấu. Đây là việc tôi đã làm quen từ khi còn nhỏ vì phải đi thi đấu, biểu diễn nhiều. Tôi sinh ra ở Nga, học múa từ nhỏ và chuyển sang dance sport chuyên nghiệp vào năm 2008.

Đứng trên sân khấu, dù sự kiện lớn hay nhỏ, tôi cũng dồn toàn bộ tâm sức và nhiệt huyết để biểu diễn. Nhảy múa là đam mê, và là công việc đã gắn bó với tôi 15 năm qua.

Thỉnh thoảng, tôi nhận lời quay hình để làm video giới thiệu vũ đạo trong các chương trình, sự kiện. Nhiều người cho rằng nghề vũ công chỉ cần tập luyện và đi diễn, nhưng thực ra chúng tôi còn làm khá nhiều công việc.

Khi còn nhỏ, gia đình tốn tiền tỷ cho tôi theo học dance sport, từ tiền thuê chuyên gia nước ngoài, tiền học phụ đạo tiếng Anh, tiền may trang phục thi đấu (3-15 triệu đồng/bộ, mỗi năm 2-3 bộ)... Mẹ cũng phải dành toàn bộ thời gian để đưa đón, hỗ trợ tôi.

Lớn lên, tôi tự nhắc bản thân phải biết trân trọng đồng tiền và phải nỗ lực làm việc để kiếm tiền bù lại.

Ngoài việc dạy nhảy và đi biểu diễn, ghi hình, tôi còn làm quản lý nhóm vũ công tại một câu lạc bộ đêm. Mỗi đêm, trước khi các bạn vũ công lên biểu diễn, tôi đều thắp hương xin tổ nghề phù hộ cho tiết mục diễn ra suôn sẻ.

Là quản lý, tôi chịu trách nhiệm kiểm tra trang phục, lớp trang điểm của vũ công trước khi lên sân khấu. Vũ đạo các bạn biểu diễn cũng do tôi biên đạo.

Vừa giúp vũ công chỉnh trang, tôi vừa nhớ lại quá khứ khi bản thân còn nhỏ. Tôi không bao giờ được ngồi nghỉ khi ở trên sàn tập. Và vì phải di chuyển liên tục giữa trường học và lớp luyện nhảy, tôi thường xuyên ngủ gục trên xe của mẹ, hoặc vào giờ ra chơi trên lớp vì mệt.

Khi vũ công trình diễn, tôi đứng phía dưới kiểm tra và nhắc nhở các bạn về động tác, biểu đạt khuôn mặt... Tiền lương từ việc quản lý nhóm vũ công không cao, chỉ chiếm khoảng 1/5 tổng thu nhập của tôi. Nhưng tôi vẫn muốn duy trì công việc như một thử thách về sức bền dành cho bản thân.

Nhiều năm qua, bạn bè thường khuyên tôi nên từ bỏ việc học để tập trung theo đuổi vũ đạo. Nhưng tôi vốn có thành tích học tập ổn nên tự nhắc nhở bản thân rằng không được phép bỏ. Lên bậc đại học, tôi đi làm nhiều hơn khi còn nhỏ, nhưng vẫn cố gắng không vì tham chạy show kiếm tiền mà bỏ dở con đường học hành.

Kết thúc công việc ở hộp đêm là khoảng 23h, tôi mới có thời gian ăn tối. Bữa tối vào khung giờ khuya hoặc ăn uống vội vàng sau cánh gà là chuyện khá quen thuộc với các vũ công, nghệ sĩ biểu diễn.

Tôi ra về khi trời đã quá nửa đêm. Sau khi về nhà, tôi phải chuẩn bị quần áo để đi làm vào ngày hôm sau. Thực ra, công việc vũ công chỉ chiếm một nửa cuộc sống của tôi.

Một nửa cuộc sống hiện nay của tôi dành cho công việc biên tập kịch bản và dẫn chương trình. Tôi bắt đầu theo đuổi công việc MC từ 3 năm trước, vì nhận ra nghề vũ công khó lâu bền. Tuổi càng lớn, có thể vũ công càng gặp nhiều khó khăn.

Hiện tại, tôi đang thực tập và sẽ tốt nghiệp đại học vào cuối năm nay. Tôi luôn mong khán giả nhìn thấy nỗ lực học tập và hoàn thiện bản thân để có cái nhìn thiện cảm, công bằng hơn về mình cũng như nghề vũ công.

Phạm Thắng - Nghiêm Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-song-ngay-va-dem-cua-mot-nu-vu-cong-post1205835.html