Cuộc sống muôn màu

Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ châu Âu tại Bán cầu Nam (ESO) vừa công bố bức ảnh khác thường chụp tinh vân NGC 1788, nằm trong khu vực tối của chòm sao Lạp Hộ (Orion).

Ảnh khác thường về tinh vân NGC 1788

Bức ảnh được thực hiện thông qua kính thiên văn cực lớn VLT. Đây là hình ảnh rõ nét nhất từ trước tới nay về tinh vân này.

Tinh vân NGC 1788 là một tinh vân phản xạ, trải dài trong không gian 2.000 năm ánh sáng. Tinh vân NGC 1788 dường như bị cô lập đối với các đối tượng khác, tuy nhiên các nhà thiên văn học biết rằng hình dạng của nó là kết quả của tác động gió sao mạnh, tức là dòng plasma phát ra từ những ngôi sao khổng lồ từ phía sau tinh vân.

Đĩa bay có vận tốc siêu thanh

Hai nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Romania vừa quyết định sử dụng những công nghệ mới nhất để chế tạo chiếc đĩa bay đầu tiên (với hình dạng giống các con tàu vũ trụ tưởng tượng của nền văn minh ngoài Trái đất, được biết đến qua các bộ phim viễn tưởng).

Chiếc đĩa bay có tên là ADIFO (viết tắt của cụm từ tiếng Anh All- Directional Flying Object - vật bay theo mọi hướng). Đĩa bay có đường kính 120 cm và cân nặng vài ba kilogam. Nó được trang bị 4 chiếc quạt điện, nhờ đó nó có thể bay lên và hoặc hạ cánh theo chiều thẳng đứng. Hai động cơ phản lực giúp ADIFO bay với vận tốc siêu thanh.

Trung Quốc: Phát hiện nhiều hóa thạch còn nguyên vẹn

Trên bờ sông Đạm Thủy (Trung Quốc), các nhà khảo cổ học đã phát hiện một số lượng lớn các hóa thạch hầu như còn nguyên vẹn. Đây là hóa thạch các sinh vật sống cách đây hơn 500 triệu năm. Trong số đó có 101 loài động vật (trong đó có 53% loài trước đó không được khoa học biết đến).

Địa điểm khảo cổ học nói trên được đặt tên là Qingjiang. Các hóa thạch phát hiện ở Trung Quốc khẳng định thuyết về bùng nổ sự sống kỷ Cambri, xảy ra khoảng 541 triệu năm trước.

Nhật Linh (Theo Interia)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/cuoc-song-muon-mau-3991150-b.html