Cuộc sống mới ở ngã ba biên giới

Đến vùng ngã ba Đông Dương (Kon Tum), nhiều người sẽ ngỡ ngàng trước đổi thay nhanh chóng của một vùng 'đất chết' khi 1 ha đất gánh hàng tấn bom đạn trong chiến tranh ngày nào, đang vươn mình trở thành đô thị nơi biên giới.

Thị trấn Plây Cần, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum hôm nay.

Dọc theo quốc lộ 40 từ thị trấn Plây Cần, huyện Ngọc Hồi lên cửa khẩu Bờ Y là những địa danh nổi tiếng như đường mòn Hồ Chí Minh, Bến Héc, Dốc Muối... vẫn còn những tàn tích chiến tranh. Nhưng những hố bom xưa đã được phủ màu xanh của cánh rừng cà-phê, cao-su ngút mắt.

Xã biên giới Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, nơi có cột mốc biên giới ba nước Việt Nam – Lào - Cam-pu-chia, trước năm 1990 là vùng biên giới dày đặc bom mìn chỉ có đồng bào dân tộc B'râu, đồng bào K'dong với hơn một nghìn người sinh sống, nay đã thành một thị tứ ở vùng biên, có số dân hơn 10 nghìn người. Phó Chủ tịch UBND xã Bờ Y Tống Văn Đồng cho biết, từ năm 2000 đến nay, khi Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, hạ tầng khu vực này đã được đầu tư khá mạnh mẽ. Ngoài quốc lộ 40 nối thị trấn Plây Cần với cửa khẩu Bờ Y- Phu Cưa được nâng cấp, các tuyến đường trên địa bàn xã Bờ Y đã được mở rộng, bê- tông hóa đến tận các thôn làng và khu sản xuất của người dân. Xã Bờ Y đã đạt 17 trong số 19 tiêu chí nông thôn mới, đang phấn đấu được công nhận xã nông thôn mới trong năm 2018. Đói nghèo được đẩy lùi, hàng trăm gia đình nơi đây có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chúng tôi đến làng Đác Mế, dân tộc B'râu ở xã Bờ Y. Năm 1990, dân tộc B'râu có 40 hộ, 218 người, là một trong sáu dân tộc thiểu số ít người nhất ở nước ta, sống du canh du cư dọc theo biên giới nằm trong diện cần được cứu trợ khẩn cấp. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của đồng bào B'râu ở Đác Mế đang hồi sinh mạnh mẽ.

Thôn trưởng Đác Mế Thao Lợi cho biết: Làng Đác Mế hiện có 271 hộ, 923 người, trong đó dân tộc B'râu có 162 hộ 598 người. Từ năm 2005 đến năm 2015 người B'râu được Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng công trình điện, đường, trường, trạm, nhà sinh hoạt cộng đồng, khu thể thao, mỗi gia đình được cấp 20 triệu đồng để xây nhà, năm triệu đồng để mua trâu, bò, 550 cây cà- phê và một số cây, con giống khác. Nhờ vậy, người B'râu đã vươn lên về mọi mặt, nhiều hộ đã biết làm giàu như gia đình vợ chồng A Hạnh trồng được 2 ha cà-phê, 3 ha cao-su; Y S'râu có 2 ha cà-phê, 1 ha cao-su, chín sào ruộng nước; Y Cooc: 1,5 ha cà-phê; 2 ha sắn; 1 ha bời lời, ba sào lúa nước... cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang do Nhà nước hỗ trợ xây dựng, Già làng Y Pan phấn khởi nói, người B'râu bây giờ không còn lo suy giảm số dân do hôn nhân cận huyết thống nữa. Nam, nữ thanh niên trong làng giờ đã định cư, kết hôn với một số dân tộc khác trên địa bàn như K'dong, Mường, Nùng... Nhà ở đều được xây dựng kiên cố, đường làng được đổ bê-tông rộng rãi, sạch sẽ. Toàn bộ trẻ em trong độ tuổi đã được đến trường, được khám chữa bệnh khi đau ốm, đời sống văn hóa từng bước được nâng lên, không còn thất học như trước đây.

Nhà sinh hoạt cộng đồng người B'râu làng Đác Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum).

Năm nay, già Y Pan đã 88 tuổi, già Y Pan luôn tự hào là người dân tộc B'râu 10 năm liền (từ năm 2004-2014) được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Bằng uy tín và sự hiểu biết của mình, già Y Pan đang cùng với chính quyền địa phương vận động người dân chăm lo lao động sản xuất, bỏ dần các tập tục lạc hậu, không trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Già Y Pan xúc động nói: "Nhờ Đảng, Nhà nước mà dân tộc B'râu được hồi sinh. Người B'râu có được như hôm nay là nhờ ơn Đảng".

Vùng ngã ba biên giới Đông Dương không chỉ có Bờ Y mà các xã Đác Xú, Đắc Dục, Đác Nông cũng đang vươn dậy không ngừng. Theo Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi Trần Văn Chí, lợi thế là thị trấn ở ngã ba Đông Dương, điểm kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây từ đông bắc Thái-lan, Cam-pu-chia và các tỉnh nam Lào với các khu kinh tế miền trung, tỉnh Kon Tum xác định Ngọc Hồi - Bờ Y là một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh. Bờ Y- Ngọc Hồi tận dụng lợi thế từ khu kinh tế cửa khẩu quốc tế để đẩy mạnh đầu tư, mở rộng thương mại dịch vụ và lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất đai rộng, màu mỡ để phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn trái và phát triển du lịch. Xây dựng vùng trọng điểm Ngọc Hồi phát triển làm động lực kinh tế cho cả tỉnh.

Đến nay, trên địa bàn Ngọc Hồi đã trồng được gần 8.000 ha cao-su; hơn 1.200 ha cà-phê, hơn 2.200 ha cây bời lời... Một số nhà máy chế biến nông sản như nhà máy tinh bột sắn, chế biến mủ cao-su, sản xuất cà-phê bột đã được thành lập, bảo đảm phần bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân. Đời sống người dân vùng biên giới Ngọc Hồi đang từng ngày khởi sắc. Tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 xây dựng thị trấn Plây Cần trở thành thị xã.

ĐINH SỸ TẠO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37352602-cuoc-song-moi-o-nga-ba-bien-gioi.html