Cuộc sống mới nơi đảo tiền tiêu

Với diện tích không lớn, trước đây đảo Trần (huyện Cô Tô) chỉ có BĐBP và một số hộ dân sinh sống. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của tỉnh Quảng Ninh, giờ đây hòn đảo này đang có sự đổi thay lớn lao. Chính sách phát triển toàn diện, đặc biệt là việc nỗ lực đưa điện lưới quốc gia vượt biển tới đây đã làm nên những điều kỳ diệu nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc...

Đảo Trần được đầu tư đồng bộ về hạ tầng.

Đảo Trần được đầu tư đồng bộ về hạ tầng.

Đổi thay lớn trên đảo nhỏ

Trở lại đảo Trần vào một ngày trung tuần tháng 12, trong cái rét căm căm của mùa đông nhưng chúng tôi lại cảm nhận được sự ấm áp bởi những tiếng cười nói, nô đùa của các em nhỏ trên những con đường trải bê tông sạch đẹp; tiếng trao đổi, mua bán hàng hóa của những chiến sĩ, người dân và âm thanh náo nhiệt phát ra từ những chiếc tivi, loa đài... So với trước đây, đảo Trần đã thực sự thay da đổi thịt.

Nhớ lại những ngày đầu khi được đặt chân lên hòn đảo tiền tiêu này, tôi không khỏi bồi hồi và càng xúc động, phấn khởi trước sự vươn lên mạnh mẽ của đảo Trần hôm nay. Cách đây 7 năm, đảo Trần chỉ có những người lính kiên trung canh giữ chủ quyền biển đảo, nhưng từ năm 2014, thực hiện Quyết định số 727-QĐ/TU ngày 9/7/2012 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về việc phê duyệt đề án Vận động thanh niên, nhân dân ra đảo Trần sinh sống để thành lập đơn vị hành chính trực thuộc huyện Cô Tô, đến nay đã có 16 hộ gia đình, với 62 nhân khẩu sinh sống lâu dài và xây dựng kinh tế mới trên hòn đảo này.

Từ khi có người dân sinh sống trên đảo, tỉnh Quảng Ninh và huyện Cô Tô đã luôn quan tâm, động viên nhân dân. Tỉnh cũng huy động nguồn lực từ ngân sách của tỉnh, địa phương, cũng như nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, nhằm đảm bảo ổn định đời sống, phát triển kinh tế, giúp người dân yên tâm bám đảo, bám biển xây dựng cuộc sống nơi quê hương mới.

Ông Nguyễn Công Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Lân cho biết: Từ khi thôn đảo Trần được thành lập, nhân dân trong thôn luôn được tỉnh và huyện quan tâm chăm lo, hỗ trợ về nhiều mặt. Đến nay, hệ thống hạ tầng và các điều kiện phát triển KT-XH trong thôn đã được hoàn thiện 100%. Các tiêu chí xây dựng NTM và tiến tới xây dựng NTM nâng cao cũng đang tích cực được triển khai đồng bộ để tạo cho người dân một môi trường sống thuận lợi, tiện nghi.

Cùng với đó, để tạo thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, huyện Cô Tô đã kịp thời có những chính sách hỗ trợ nhân dân theo nguyện vọng để bà con yên tâm bám đảo sản xuất. Các hộ dân trên đảo được vay vốn ngân hàng CSXH đầu tư phương tiện, ngư cụ... để khai thác thủy hải sản ở vùng biển, nhiều hộ gia đình phát triển kinh doanh tạp hóa trên địa bàn phục vụ tại chỗ và tàu thuyền khai thác vùng biển thuộc thôn đảo Trần.

Một số gia đình tại thôn đảo Trần đã mở được cửa hàng tạp hóa và sắm sửa đầy đủ các vật dụng gia đình, từng bước ổn định cuộc sống.

Đặc biệt, từ cuối năm 2019, tỉnh xúc tiến một loạt chương trình đầu tư cho chiến lược phát triển KT-XH tại đảo Trần, trong đó có cầu tàu Vụng Nam có thể tiếp nhận được các tàu có tải trọng 2.000 tấn, đáp ứng nhu cầu neo đậu, sửa chữa của các tàu đánh bắt xa bờ trong vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ. Đồng bộ với bến tàu là hệ thống đê chắn sóng với tổng đầu tư 100 tỷ đồng.

Và một trong những dự án mang tính đột phá, kéo đảo Trần đến gần hơn với đất liền chính là đưa điện lưới từ đất liền ra đảo, với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. Sau thời gian dài thi công và vận hành thử nghiệm, ngày 2/9/2020, Quảng Ninh đã chính thức khánh thành và đưa dự án vào hoạt động.

Ánh điện bừng sáng đảo Trần vùng Đông Bắc là sự kiện trọng đại của Quảng Ninh trong năm 2020, đồng thời cũng mở ra một cuộc sống mới, với chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục được nâng cao, đời sống người dân và chiến sĩ trên đảo được cải thiện. Cô giáo Ngần Thị Minh (Trường Trung học liên cấp đảo Trần) không giấu nổi niềm vui, chia sẻ: Đây là sự kiện ý nghĩa nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của tôi. Có điện, người dân ở đây phát triển hơn rất nhiều và gieo cho họ hy vọng làm giàu. Ánh điện về cũng mang tri thức đến cho học sinh để các em tiếp cận với công nghệ thông tin nhiều hơn, cũng như chương trình học tốt nhất. Có điện lưới ổn định, học sinh có đầy đủ ánh sáng, quạt mát vào mùa hè, giúp các em yên tâm học tập...

Quyết tâm gắn bó với đảo

Nếu so sánh đảo Trần của hiện tại với chỉ một vài năm trước đây thì những người đã có thời gian gắn bó với đảo có thể thấy rõ những thay đổi to lớn. Đảo Trần trước đây như chính tên gọi vậy - trần trụi, hoang vu, khắc nghiệt... thế nhưng bây giờ mọi chuyện đã đổi khác.

Gia đình chị Nguyễn Thị Cảnh, một trong những hộ dân đầu tiên sinh sống ở đảo Trần, là người chứng kiến sự đổi thay rõ nét nơi đảo tiền tiêu, chị Cảnh cho biết: Gia đình tôi quê ở huyện Hải Hà, năm 2006, do cuộc sống khó khăn, chúng tôi quyết định chọn đảo Trần làm nơi lập nghiệp, với hy vọng vùng đất mới sẽ mang đến những cơ hội mới, thay đổi cuộc sống. Ngày đó đảo Trần không có người sinh sống, chỉ có BĐBP, cuộc sống của gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi sống trong căn nhà bằng cót ép do BĐBP dựng giúp, những khi sóng to, gió lớn, lại vào đơn vị bộ đội để tránh trú...

Thế nhưng đó là chuyện của những năm trước, còn hiện tại, giữa trùng khơi, ngoài gia đình chị Cảnh, đảo Trần đã đón thêm những hộ gia đình trẻ đến từ nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đến sinh sống, lập nghiệp. Đặc biệt, uớc mong lớn nhất của người dân trên đảo là có điện lưới quốc gia thì giờ đã thành hiện thực. "Có điện lưới để sử dụng giúp người dân đảo Trần cải thiện đời sống, mở ra tiền đề phát triển kinh tế thủy sản và hậu cần nghề cá. Chúng tôi thấy rất vui mừng, phấn khởi; cảm ơn sự quan tâm của tỉnh, huyện và hứa sẽ quyết tâm bám biển, bám đảo, xây dựng kinh tế vững mạnh" - Chị Cảnh khẳng định.

Lớp học cho con em nhân dân trên đảo Trần được đầu tư khang trang, đầy đủ các thiết bị học tập.

Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP trên Đảo cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để người dân ổn định cuộc sống; tuyên truyền, thông báo để người dân không phạm vi ngư trường đánh bắt; xử lý các vấn đề xảy ra trên biển và làm tốt công tác quân - dân y kết hợp để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân an tâm định cư.

Chính trị viên Đồn Biên phòng đảo Trần Ngô Huy Đông cho biết: Là hòn đảo nhỏ, nhưng đảo Trần giữ vị trí đặc biệt trên vùng biển Đông Bắc. Việc đưa người dân ra đảo Trần và đầu tư hoàn thiện các hệ thống hạ tầng, nhất là đưa điện lưới quốc gia ra đảo không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển đảo, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc. Chúng tôi cùng người dân trên đảo sẽ luôn cố gắng phấn đấu xây dựng và phát triển đảo ngày càng vững mạnh.

Cán bộ, người dân đảo Trần tích cực xây dựng NTM và tiến tới xây dựng NTM nâng cao.

Là một người tình nguyện viết đơn ra đảo Trần sinh sống và phát triển kinh tế, chứng kiến sự đổi thay của nơi đây, anh Phạm Văn Dinh, chia sẻ: Nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ, gia đình tôi đã mở được một cửa hàng tạp hóa và mua được xuồng để chở người, hàng hóa từ đất liền ra đảo phát triển kinh tế. Nhiều hộ dân trong thôn đã sắm được tàu bè đánh cá đảm bảo an toàn và thuận lợi hơn. Trước đây, khi chúng tôi mới ra đảo lập nghiệp, cuộc sống thiếu thốn đủ thứ, bấp bênh và nhiều khó khăn. Nhưng sau hơn 6 năm bám đảo, mọi thứ đều được đầu tư, cuộc sống của chúng tôi được nâng lên rõ rệt. Trẻ em được học hành đầy đủ và chất lượng. Các chính sách vay vốn, hỗ trợ mưu sinh và an sinh xã hội được đảm bảo. Cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Đây là động lực quan trọng để người dân chúng tôi tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế, làm ăn sinh sống ổn định và bám biển, bám đảo.

So với ở đất liền, cuộc sống của những cư dân đảo Trần tuy vẫn còn có nhiều khó khăn nhưng với sức trẻ, sự nhiệt huyết, sự giúp sức của các cấp, các ngành, những công dân nơi đây sẽ tiếp tục chung sức xây dựng biển đảo quê hương. Bởi với họ, việc tự nguyện gắn bó với đảo không chỉ là khát vọng làm giàu nơi miền đất mới đầy tiềm năng, mà còn là trách nhiệm với chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Cùng cán bộ huyện Cô Tô rời đảo Trần xuống tàu về đất liền vào buổi chiều muộn trong cái rét thấu thịt nơi đầu sóng với những cánh tay vẫy chào và gương mặt hân hoan của người dân, chiến sĩ trên đảo, tôi cảm nhận về một đảo Trần sẽ vươn mình trỗi dậy mạnh mẽ giữa biển khơi.

Minh Đức

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202012/cuoc-song-moi-noi-dao-tien-tieu-2513945/