Cuộc sống mới hồi sinh trên tâm lũ quét

Cách đây chưa đầy 2 tháng, nhịp sống của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều tại các thôn như Tà Rùng, Xa Đưng, Cờ Tiếng của xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị diễn ra êm đềm, thanh bình dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ. Vậy mà, chỉ qua một đêm, lũ quét tràn tới đã phá tan mọi thứ. Nhà cửa, hoa màu, gia súc, gia cầm, các công trình như đường sá, trường học trở nên hoang tàn, đổ nát. Cuộc sống của người dân vốn khó khăn nay càng chồng chất khó khăn…

Người dân thất thần khi nhà cửa bị sập do lũ quét. Ảnh: Kim Nhượng

Người dân thất thần khi nhà cửa bị sập do lũ quét. Ảnh: Kim Nhượng

Tan hoang sau mưa lũ

Chúng tôi có dịp theo chân cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị hành quân vào 2 xã Hướng Việt và Hướng Lập - địa bàn Đồn Biên phòng Hướng Lập phụ trách để kiểm tra thiệt hại sau mưa lũ và tặng quà nhân dân nơi đây. Đường từ thành phố Đông Hà lên 2 địa phương này bị chia cắt do sạt lở nhiều đoạn. Vì thế, chúng tôi phải đi đường vòng, bắt đầu từ Cầu Đuồi, huyện Cam Lộ theo đường mòn Hồ Chí Minh nhánh Đông hướng ra Quảng Bình, đến km 1012 rẽ trái sang Quốc lộ 9B, gặp đường Hồ Chí Minh nhánh Tây vào khoảng 45 km mới đến được trung tâm xã Hướng Lập. Sau đó, đi tiếp 7km mới đến trung tâm xã Hướng Việt.

Vào đến nơi, trước mắt chúng tôi là hình ảnh cây cối, vườn tược, nhà cửa của người dân tan hoang. Người dân xã Hướng Việt có lẽ sẽ không bao giờ quên được ngày 17-10 định mệnh. Gần xế chiều, ngày hôm ấy, dãy núi Ka Lóc nằm phía sau thôn Xa Đưng, xã Hướng Việt bỗng dưng “nổi giận”. Sau những tiếng nổ ầm ầm, cả một lượng đất đá khủng khiếp ập xuống. Rồi mưa như trút, nước lũ tràn vào các thôn, tàn phá mọi thứ. Đêm ấy, người dân Hướng Việt thức trắng.

Ông Hồ Văn Vọng, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt nhớ lại: “Trong phút chốc, cả xã ngập chìm trong nước lũ và bùn đất, cây cối. Tiếng la hét của dân làng vang khắp nơi. Chưa bao giờ, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng như vậy. Những ngày hôm sau, mưa vẫn tiếp tục trút xuống. Đất đá từ các ngọn núi đổ ập xuống các con đường dẫn về xã Hướng Việt khiến nơi đây bị cô lập hoàn toàn. Cả 4 thôn của xã Hướng Việt tan hoang, đổ nát, bùn, đất đá, cây cối ngổn ngang khắp mọi nơi, mưa lũ cuốn trôi 3 người dân mất tích chưa được tìm thấy...”.

Vẻ mặt thất thần, ông Hồ Văn Vọng chỉ tay ra cánh đồng trước mặt trụ sở UBND xã Hướng Việt bảo: “Đấy, anh nhìn xem, cánh đồng này từng được coi là vựa lúa của cả huyện Hướng Hóa, bây giờ bùn đất ngập ngụa. Không biết sắp tới chúng tôi phải sống thế nào nữa. Trận lũ quét đi qua đã biến xã Hướng Việt thành vùng đất “6 không”: Không đường, không điện, không nước sạch, không trường học, không trạm y tế, không chợ. Đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã là cán bộ Biên phòng tăng cường xã cùng đồng chí Chủ tịch UBND xã bị thương nặng khi cứu dân bị mất tích do mưa lũ. Giữa bộn bề công việc chúng tôi không biết bắt đầu từ đâu”.

“Không có BĐBP thì gia đình không sống sót nổi…”

Từ khi xảy ra lũ quét cho tới nay, đã có hàng trăm lượt cán cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị căng mình giúp dân. Trong buổi tối xảy ra mưa lũ kinh hoàng, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã nhanh chóng triển khai di dời người dân đến các trụ sở UBND xã và doanh trại đơn vị để đảm bảo an toàn. Khi cơn lũ đi qua, những người lính Biên phòng lại bắt tay ngay vào việc dọn dẹp bùn đất, san sửa đường giao thông. Dường như ai cũng bị quá sức.

Anh Hồ Văn Thụy, ở thôn Xa Đưng nói với chúng tôi: “Bây giờ, tôi chỉ có hai bàn tay trắng thôi, nhà cửa, lợn, gà trôi hết rồi. Hơn 2 tuần nay, tôi và hơn 20 hộ dân với gần 100 người trong thôn ăn ở tại đồn Biên phòng. Không có BĐBP thì gia đình tôi không sống sót nổi qua những ngày này”.

Trầm ngâm hồi lâu anh Thụy xúc động cho biết: "Hơn 2 tuần nay, gần 100 người dân ăn, ở tại đồn. Bộ đội lấy cả lương thực dự trữ trong đơn vị lo cho dân. Tôi thấy thương anh em Biên phòng phải làm việc quá sức vì chúng tôi”.

Cùng với Đồn Biên phòng Hướng Lập và sự nỗ lực hết mình của các cấp, các ngành cùng với chính quyền địa phương, sau 10 ngày bị cô lập, chia cắt, con đường từ nhánh Đông Trường Sơn vào trung tâm xã Hướng Việt đã thông xe. Tuy vậy, các con đường liên thôn vẫn ngập bùn. Hệ thống điện, nước sạch sinh hoạt đã bị hư hỏng hoàn toàn, chưa khắc phục được. Tôi bắt gặp cô giáo Lê Thị Hằng Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hướng Việt, trong bộ quần áo đầy bùn, tất tưởi đi ra từ khu đổ nát của nhà trường. Hỏi chuyện mới hay cô đang cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập san gạt bùn đất bị ngập trong các phòng học cũng như khuôn viên nhà trường. Cô giáo Nga chia sẻ: “Hiện nay, tất cả các phòng học đều bị hư hỏng nặng, bùn đất ngập tới đầu gối. Chúng tôi chưa biết khi nào mới cho học sinh trở lại trường”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập giúp Trường Mầm Non Hướng Việt san gạt bùn đất để sớm đưa học sinh trở lại trường. Ảnh: Kim Nhượng

Có một điều ấm áp là trong những ngày khó khăn nhất, xã Hướng Việt luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đoàn thể. Trước mắt, UBND tỉnh Quảng Trị đã có phương án huy động nhân, vật lực cùng chính quyền xã Hướng Việt khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ. Cũng trong thời gian này, nhiều đoàn từ thiện đang nỗ lực hết mình giúp đỡ bà con dần ổn định cuộc sống. Bên cạnh việc huy động lực lượng tích cực giúp dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ, chỉ huy Đồn Biên phòng Hướng Lập đã chỉ đạo cán bộ quân y của đơn vị tiến hành thăm khám, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân. Đồng thời, tiến hành phun, khử khuẩn môi trường xung quanh, không để dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ.

Có lẽ, sẽ phải mất rất nhiều thời gian nữa người dân xã Hướng Việt mới có thể ổn định lại sinh hoạt hằng ngày. Hiện tại, chính quyền địa phương cũng như người dân rất mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ, chung tay của các cấp, các ngành, các cá nhân, tổ chức thiện nguyện để người dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Kim Nhượng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cuoc-song-moi-hoi-sinh-tren-tam-lu-quet-post435075.html