Cuộc sống mới của người Dao Ngòi Nung

Những ngày cuối năm, trên khắp các bản làng của người Dao ở Ngòi Nung (xã Bạch Xa, Hàm Yên, Tuyên Quang) người dân đang bận rộn thu hoạch cam, hoàn tất những công việc cuối cùng của năm cũ để bước vào mùa hội Tết.

Người Dao Ngòi Nung thoát nghèo, làm giàu từ trồng cam sành. Ảnh: HH

Người Dao Ngòi Nung thoát nghèo, làm giàu từ trồng cam sành. Ảnh: HH

Mảnh đất “thay da, đổi thịt”…

Trước Tết Nguyên đán, thôn Ngòi Nung vàng suộm cam chín. Ông Triệu Văn Bách, dân tộc Dao, thôn Ngòi Nung phấn khởi nói: “Cây cam sành đã cho mảnh đất này “da thịt” mới”...

Ông Bách năm nay đã 65 tuổi - là người đầu tiên mang cây cam sành về trồng ở đất Ngòi Nung, chia sẻ: Đồi cam này khoảng 4ha có dư. Năm nay, cam nhà bán rẻ vài giá nên chỉ được gần 200 triệu đồng, chứ để sau Tết Nguyên đán phải được thêm dăm bảy mươi triệu đồng nữa.

Cạnh đó, vườn cam của anh Triệu Văn Tôn - Trưởng thôn Ngòi Nung cũng sai trĩu quả, đang được thương lái trả 8 ngàn đồng/kg, với ý định mua cả vườn trên 1.000 gốc để mang về Hà Nội bán dịp Tết.

Anh Tôn cho biết, so với mọi năm cam năm nay rẻ hơn từ 2 đến 3 ngàn đồng/kg, nên cả vườn chắc được độ 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Cây cam có rẻ cũng hơn nhiều cây trồng khác vì chất đất, thổ nhưỡng ở đây hợp, đầu tư chăm sóc không lớn và hơn cả phù hợp với điều kiện của người Dao.

Trưởng thôn Tôn thống kê, thôn Ngòi Nung có 115 hộ người Dao thì có đến 100 hộ trồng cam, diện tích chừng 120ha. Cây cam đã đem lại cơm no, áo ấm, nhà lầu cho mảnh đất khó khăn nhất xã Bạch Xa này. Giờ hộ nào trồng ít cam cũng có vài chục triệu/vụ, hộ nhiều thì từ 200-500 triệu đồng/vụ. Chỉ độ vài năm nữa chắc chắn Ngòi Nung sẽ thành làng triệu phú cam.

Đồng hành với nỗ lực của người dân trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, Nhà nước đã đầu tư cho người dân vùng 135 Ngòi Nung con đường cứng hóa, nhà văn hóa thôn, kênh mương, đường bê tông thôn.

Ông La Văn Hạnh - Chủ tịch UBND xã Bạch Xa khẳng định: Bản người Dao Ngòi Nung đã bứt phá về mọi mặt. Trước đây, đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ có những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đầu tư các công trình hạ tầng, mô hình sản xuất, hỗ trợ đồng bào ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất... đã làm thay đổi cách thức canh tác, mang lại đời sống khấm khá hơn cho người dân.

“Nếu như trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của bản còn ở mức cao thì đến nay đã giảm xuống còn 20%. Trong bản 80% số hộ có phương tiện nghe, nhìn và hơn 50% số hộ có nhà xây kiên cố, ở bản không có tệ nạn xã hội, không còn hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin...”, Chủ tịch xã Bạch Xa vui mừng kể.

Phụ nữ thôn Ngòi Nung thêu trang phục truyền thống chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Ảnh: HH

Tết sum vầy

Người Dao Ngòi Nung quan niệm, Tết là dịp để cả gia đình nghỉ ngơi, sum họp sau 1 năm lao động vất vả, dịp để báo với tổ tiên về những thành quả trong cả năm, cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Mỗi dịp Tết đến, các thầy tạo (thầy cúng), những già làng tổ chức dạy chữ nho đầu xuân cho thế hệ trẻ ngay tại nhà mình.

Với lòng thành hướng về cội nguồn, người Dao rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên trong dịp Tết. Lễ vật gồm có thịt lợn, thịt gà trống, báng chưng gù, bánh dày, rượu...

Ông Bàn Văn Bách, người uy tín trong thôn cho biết, trước Tết cả tháng, các gia đình người Dao trong thôn đã chuẩn bị lợn, gà, gạo nếp ngon và lá dong để gói bánh chưng gù… và một phần không thể thiếu được đó là củi đun.

“Mỗi gia đình đều chuẩn bị 3 đoạn củi to bằng loại gỗ rắn chắc để khi đun đoạn củi có thể cháy suốt 3 ngày Tết mà không tắt lửa. Bếp lửa vừa để giữ ấm trong những ngày giá rét, vừa mang ý nghĩa tượng trưng cho một gia đình hạnh phúc, hòa thuận êm ấm, cuộc sống no đủ, sung túc trong cả năm”, ông Bách chia sẻ.

Người Dao Ngòi Nung cũng có tục cúng ông Công, ông Táo như người Kinh, nhưng không cúng vào ngày 23 tháng Chạp mà làm chung với lễ cúng tất niên. Ngày cúng tất niên không nhất thiết là ngày 30 Tết mà có thể ngày nào đó trong tháng Chạp.

Lễ cúng tất niên phải là thầy cúng cao tay, người có uy tín trong cộng đồng. Trước sự có mặt đông đủ của mọi thành viên, thầy cúng thay mặt gia chủ làm lễ cúng giải hạn, xua đi tất cả những điều rủi ro, không may mắn trong năm cũ và cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vật nuôi khỏe mạnh.

Cùng với cả nước, những ngày này, đồng bào người Dao ở Ngòi Nung đang phấn khởi chào đón một mùa Xuân mới. Có thể nhận thấy niềm vui về một mùa Xuân ấm no, hạnh phúc trong những ánh mắt, nụ cười của mỗi người dân nơi đây.

Hải Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/cuoc-song-moi-cua-nguoi-dao-ngoi-nung_t114c1159n159197