Cuộc sống mới của chàng trai được bạn 10 năm cõng tới trường...

Gần 2 tháng qua, các bạn sinh viên ở Đại học Bách khoa đã quen thuộc với hình ảnh của một người cha hàng ngày cõng con đến giảng đường. Bỏ công việc ở quê người cha ấy đã trở thành người đồng hành cùng con trai trên bước đường đại học.

Trong lúc chờ bố nấu cơm, Minh tranh thủ ngồi ôn bài cũ.

Trong lúc chờ bố nấu cơm, Minh tranh thủ ngồi ôn bài cũ.

Từ nay, cha sẽ là đôi chân của con...

Tôi bất ngờ đến thăm hai cha con trong một buổi chiều muộn. Trong căn phòng rộng chừng 25m2 ở tòa nhà B1, kí túc xá Đại học Bách Khoa, ông Nguyễn Tất Mây (46 tuổi, quê Thanh Hóa) và con trai là Nguyễn Tất Minh đang ngồi nghỉ ngơi sau 1 buổi học. Đón chúng tôi, ông Mây nở một nụ cười hiền hậu lộ những nếp nhăn trên gương mặt đen sạm.

Vừa nói chuyện với tôi, ông tranh thủ lấy mớ rau muống ra ngồi nhặt nhạnh để chuẩn bị bữa ăn tối. Tôi ngồi xuống, giúp ông một tay và nghe ông tâm sự về câu chuyện của mình. Vợ chồng ông sinh được 2 người con trai, Minh là con trai cả. Em bị khuyết tật 2 chân và 1 tay, 10 năm qua Minh đến trường đều có bạn Nguyễn Văn Hiếu giúp đỡ. Câu chuyện cảm động ấy đã được rất nhiều người biết đến và ngưỡng mộ. Kì thi đại học vừa qua, Minh đỗ đại học Bách Khoa, Hiếu lại nhập học Đại học Y Thái Bình, đôi bạn tạm thời “xa nhau”. Ông Mây thay thế Hiếu, bỏ việc ở quê lên Hà Nội để cõng con đi học.

Chỉ vào chân phải của mình, ông Mây nói nhỏ: “Tôi bị gãy chân từ hồi tháng 3 do tai nạn khi làm thợ khai thác đá, đến giờ vẫn chưa được rút đinh nên leo cao không vững. Có lần cháu học ở tầng 5, tôi cõng từng tầng lại ngồi nghỉ.” Đau nhức là có nhưng nghĩ đến việc đang cùng con đồng hành trên quãng đường tri thức, được gần gũi con hơn, ông Minh lại lấy đó làm niềm vui cuộc sống.

Nhắc về thành tích học tập của Minh, đôi mắt người cha bỗng sáng rực, miệng cười mãn nguyện. Ông kể: “Nghe tin con đỗ ngành Khoa học Máy tính của Đại học Bách Khoa, tôi sung sướng lắm. Ai hỏi thăm tôi cũng khoe. May mà con có chí học hành, cháu lại chăm ngoan, lúc nào tôi cũng thấy tự hào về cháu”. Đối với người cha ấy, đau đớn bao nhiêu, hi sinh thế nào nhưng chỉ cần con khỏe mạnh, giỏi giang là ông quên ngay lập tức.

Từ Thanh Hóa lên Hà Nội, xa vợ con, xa ruộng vườn, người đàn ông ấy phải cố làm quen với cuộc sống bộn bề của thành thị. Điều ông Minh trăn trở đó chính là việc cả gia đình phải phụ thuộc vào đồng lương của người vợ đang làm cho công ty giày da ở quê. “Mớ rau ở đây cũng đắt gấp 2-3 lần ở quê. Nhà trường tạo điều kiện hỗ trợ tiền học, tiền ở cho con nhưng chi phí sinh hoạt khác tôi cũng phải tính toán chi tiêu cho phù hợp”, ông kể. Ông có dự định kiếm một công việc nào đó để có thêm thu nhập. Tuy nhiên hiện giờ lịch học của Minh chưa ổn định nên rất khó để vừa đưa đón con kịp giờ lại đáp ứng được yêu cầu công việc.

Hàng ngày cứ 5 giờ sáng, ông Mây và con trai bắt đầu một ngày mới. Ông đi bộ đến một ngôi chợ cóc gần đó mua thức ăn, nấu cơm, giặt giũ, dọn nhà... rồi ngày hai lần theo bánh xe lăn con đến trường, cõng con lên từng bậc cầu thang đến với giảng đường, hết giờ học lại đến đón con về. Người cha ấy cũng đóng vai một người mẹ, chăm lo cho con từng chút một. Ông đùa bảo: “Chăm cháu nhàn lắm, cứ xong việc là tôi lại về phòng ngồi nghỉ, cuộc sống trôi qua nhẹ nhàng như thế đó. Vợ tôi ở quê mới là vất vả…”.

Từ nay, bố sẽ đồng hành cùng Minh trên con đường đến giảng đường.

“Em mong sắp tới mình sẽ được học ở tầng 1...”

Trong lúc tôi và ông Mây trò chuyện, Minh đã lôi sách vở ra học bài từ lúc nào. Ấn tượng với tôi đó là một cậu bé hay cười và rất lễ phép. Khi nói chuyện với tôi, đôi môi em luôn tủm tỉm cười kèm theo đó là những câu “vâng- dạ” liên tục. Ngồi cạnh em trên chiếc giường sắt, tôi nghe Minh giãi bày về “cuộc sống mới”. Minh cho biết em đã thích ngành Khoa học Máy tính của trường Bách Khoa từ lâu nên quyết tâm thi đỗ. Nhập học được hơn 1 tháng, có nhiều điều còn bỡ ngỡ, khác với thời cấp 3 nhưng em thấy vô cùng háo hức.

Khi được hỏi về người bạn thân cõng mình suốt 10 năm đi học, Minh tâm sự: “Em và Hiếu gắn bó với nhau một thời gian dài, giờ mỗi người học một nơi, không được gặp nhau thường xuyên nên em cũng buồn. Nhưng bọn em vẫn có thể liên lạc với nhau qua Facebook. Hôm vừa rồi em nhập học, Hiếu cũng đến dự và ở lại chơi với em vài hôm. Từ giờ, Hiếu sẽ đồng hành bên em theo một cách khác và bố sẽ là người hàng ngày cùng em đến giảng đường”. Lo cho sức khỏe của bố, Minh cũng bày tỏ với tôi: “Mỗi lần bố cõng em lên tầng đi học, em thương bố lắm. Chân bố còn đau, tuổi bố cũng đã cao. Em mong sắp tới mình sẽ được học ở tầng 1...”.

Được theo đuổi đúng đam mê, được bố ở bên cạnh đồng hành, Minh thấy vô cùng hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Còn về tương lai, đó vẫn là cả một quá trình dài. Em không biết mình sẽ làm được những gì nhưng chắc chắn sẽ cố gắng biến đam mê thành hiện thực và đem lại những niềm vui mới đến cho bố.

Ông Mây đang chuẩn bị bữa tối cho hai bố con.

Những mong ước giản đơn thành sự thật

Biết được hoàn cảnh đặc biệt của gia đình bố con Minh, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã tạo điều kiện thuận tiện nhất giúp Minh sinh hoạt và học tập tốt. Bên cạnh việc hỗ trợ tiền học và tiền ở, nhà trường đã sắp xếp gia đình Minh ở cùng phòng với một bạn khác có hoàn cảnh tương tự và được phép nấu ăn tại phòng. Bốn người đàn ông đã tạo thành một gia đình mới, trò chuyện, tâm sự và chia sẻ với nhau.

Ông Nguyễn Hữu Khôi, Giám đốc Trung tâm Quản lí kí túc xá cho biết: “Với trường hợp đặc biệt, chúng tôi đều tính toán để thuận tiện nhất cho các em và gia đình. Thậm chí như trường hợp em Minh, nhà trường đã tính đến việc bố trí cho bố Minh một công việc trong ký túc xá để có thêm thu nhập”. Được biết, nhà trường đã sắp xếp cho ông Mây việc trông coi vấn đề bơm nước cho khu kí túc xá. Với công việc này, ông vẫn có thể đảm bảo được việc chăm sóc, đưa đón Minh đi học cũng như có thêm nguồn thu nhập để chi tiêu cho sinh hoạt của hai bố con.

Đặc biệt, cô Phạm Thanh Huyền, Trưởng phòng Truyền thông và Quản trị thương hiệu cũng cho biết nhà trường đã thay đổi toàn bộ địa điểm học các môn của Minh xuống tầng 1. Từ đó giảm bớt vất vả cho Minh và bố trong “hành trình” đến với giảng đường.

Cuộc sống của hai bố con đã bước đầu ổn định nhưng hành trình 4 năm Đại học vẫn còn phía trước. Khó khăn sẽ còn nhưng cơ hội cũng không ít. Minh chia sẻ với tôi: “Em sẽ học tập chăm chỉ để giành được học bổng. Em muốn dành số tiền đó để mời bố một bữa ăn thật ngon, tặng bố một chiếc áo thật đẹp... Em biết là khó lắm vì ở đây các bạn rất giỏi nên em phải cố gắng thật nhiều!” Mong rằng với tình yêu của bố, sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè và ý chí mạnh mẽ của bản thân, Minh sẽ sớm hiện thực hóa những ý định đang còn ấp ủ.

Di Linh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/cuoc-song-moi-cua-chang-trai-duoc-ban-10-nam-cong-toi-truong-557547.html