'Cuộc sống khắc nghiệt, người Hàn cần sự đẹp đẽ trên phim để cân bằng'

'Phim Hàn được lý tưởng hóa để ai cần ký ức có ký ức, ai cần hy vọng có hy vọng' - chuyên gia lý giải sức hút mạnh mẽ của loạt phim Hàn gần đây.

Phim truyền hình Hàn Quốc gần đây có nhiều dự án gây sốt khắp châu Á như: Hạ cánh nơi anh, Tầng lớp Itaewon, Kingdom… Vì sao những tác phẩm này lại được yêu thích đến vậy, dù kịch bản đôi khi còn những lỗ hổng, những tình tiết phi lý. Zing.vn có cuộc trò chuyện Đặng Thiếu Ngân, chuyên gia văn hóa Hàn Quốc, Tiến sĩ Văn hóa - Giám đốc Đối ngoại công ty Naver Việt Nam.

- Vài năm trở lại đây, truyền hình Hàn có nhiều phim gây sốt ở nhiều nước châu Á, mới nhất là "Hạ cánh nơi anh", "Tầng lớp Itaewon", “Kingdom”… Theo chị, kịch bản, câu chuyện, diễn xuất hay yếu tố nào khiến phim truyền hình Hàn có được sự lan tỏa mạnh mẽ ở châu Á như vậy?

- Theo tôi, phim truyền hình Hàn không phải tất cả đều quá hay và hấp dẫn. Họ cũng có nhiều phim không hay nhưng với những thành công cụ thể như Hạ cánh nơi anh, Tầng lớp Iteawon hay trước đây là Hậu duệ mặt trời, hoặc trước nữa từ cơn sốt Bản tình ca mùa đông, Nấc thang lên thiên đường… thì phải công nhận, phim Hàn Quốc hội tụ đủ những yếu tố để thành công.

Họ có kịch bản tốt - chính là những câu chuyện rất đời thường, nhìn xung quanh đâu cũng có thể thấy nhưng nó lại được lý tưởng hóa, để ai cần ký ức có ký ức, ai cần hy vọng có hy vọng.

Họ có dàn diễn viên xuất sắc, đẹp hoàn hảo, diễn xuất tốt. Và hơn thế, họ có một nền công nghiệp giải trí vô cùng chuyên nghiệp, nên họ đủ lực đầu tư mạnh và chạm tới thành công.

- Với riêng "Hạ cánh nơi anh", bộ phim khiến hàng triệu khán giả châu Á, trong đó có Việt Nam, chao đảo suốt thời gian qua, chị có thể lý giải “mị lực” của phim này?

- 10 năm trước, Hàn Quốc có tỷ lệ ly hôn nhóm đầu khu vực. Hiện nay, tình trạng hôn nhân có vấn đề hoặc từ chối kết hôn của giới trẻ ở Hàn Quốc hay khắp châu Á cũng ngày một tăng.

Cuộc sống, công việc khắc nghiệt, cạnh tranh cao, căng thẳng do áp lực lớn dần nên việc phim ảnh khắc họa nhiều về tình yêu lãng mạn, cũng góp thêm phần cân bằng tâm lý của con người trong xã hội Hàn Quốc.

Bộ phim Hạ cánh nơi anh, thể hiện rõ yếu tố đề cao trách nhiệm với bản thân, với xã hội. Và có lẽ khi xem nhiều “gương người tốt việc tốt”, khán giả dễ có được sự đồng cảm hoặc muốn học hỏi các nhân vật trên phim. Sau những lúc căng thẳng, buồn bã, thất vọng, họ vẫn khát khao cảm giác yên bình, ngọt ngào, lãng mạn. Trước nhiều khó khăn, vất vả nhưng con người vẫn không hoàn toàn đánh mất sự ngọt ngào, hướng thiện.

Mị lực giúp Hạ cánh nơi anh tạo cơn sốt là khơi dậy được chính những lãng mạn, tình cảm của mỗi cá nhân người xem.

- Thực tế, "Hạ cánh nơi anh" là một câu chuyện huyễn tưởng, với hàng loạt chi tiết vô lý, những nhân vật mâu thuẫn. Phải chăng thành công vang dội của phim đến từ cách xây dựng hình ảnh nam chính quá đẹp? Chính cách xây dựng này khiến Hyun Bin trở thành hình ảnh biểu tượng của phim?

- Với những gì tôi biết, thì phim Hàn Quốc phản ánh khá trung thực về tâm lý, tâm tư, tình cảm của người Hàn. Gọi là “sến” có thể đánh giá hơi thấp thế giới tình cảm của một bộ phận người ưa tình cảm nhưng thực tế người Hàn khá lãng mạn. Nếu yêu nhau, họ yêu và thể hiện như trên phim thật chứ không phải tất cả đều cường điệu hóa.

Với người Việt Nam mình, nếu yêu nhau thật sự, được ủng hộ hay không thì cũng có nhiều mối tình màu hồng hay màu xám, cũng ngọt ngào, chua cay không kém phim Hàn.

Nhưng chúng ta ít các phim đưa tình yêu điển hình lên phim mà thật thành công, để ai cũng như thấy mình trong đó. Hình như người Việt Nam ngại bộc lộ công khai, yêu đấy, đau đấy nhưng không phải lúc nào cũng kể thật, khóc ầm ĩ, điên cuồng như Hàn Quốc.

Vì thế có thể nói, phim Hàn không quá tô hồng hay lãng mạn ảo tưởng về tình yêu. Họ chỉ làm tốt việc truyền tải yêu là thế nào, với rất nhiều tình huống để khán giả như tìm thấy bản thân hay tìm thấy khát khao của họ.

Trở lại với Hạ cánh nơi anh, bối cảnh, tình tiết đúng là nhiều phi lý, như bạn nói là “huyễn tưởng”. Nhưng thành công không đơn thuần chỉ nhờ “đồng chí Ri quá hoàn hảo”, mà hơn thế, bộ phim đã khơi lại cảm xúc yêu đương, tình cảm thiêng liêng của bố mẹ dành cho con cái, tình đồng chí...

Có thể nói, đây là tác phẩm tổng hòa sự quen thuộc của tình người, tình yêu nên khán giả dễ dàng đón nhận và giao hòa xúc cảm cùng nhiều vai diễn chứ không phải Hyun Bin là biểu tượng duy nhất của bộ phim.

- Trong vòng 3-4 năm trở lại đây, phim truyền hình Việt cho thấy sự lột xác ngoạn mục, đã có những tác phẩm gây sốt như Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Quỳnh búp bê hay Về nhà đi con... Theo chị, phim Việt đã thay đổi yếu tố kịch bản ra sao để thu hút người xem?

- Với những gì tôi biết, sự thành công gần đây của phim Việt không đơn thuần chỉ bởi có kịch bản hay. Việc nhiều bộ phim được khán giả đón nhận, tất nhiên do nội dung được yêu thích, các tình huống thấy quen thuộc để ai cũng nhìn thấy cuộc sống mà họ biết, hoặc cảm nhận được khắc họa, đưa lên màn ảnh.

Nhưng để có thành công, thì còn nhờ sự thay đổi về quy mô đầu tư cho các bộ phim, đạo diễn được thoải mái sáng tạo nghệ thuật hơn. Và quan trọng, khán giả có sự đánh giá đúng, và dành thiện cảm cho phim Việt.

Riêng phần kịch bản, các biên kịch cũng được thoải mái sáng tạo, không bị o ép hay khiên cưỡng theo quy chuẩn vô lý nào mà ngược lại, các nội dung quen thuộc nhất trong đời sống, càng gần gũi với người xem càng được khích lệ để sáng tác bám sát nhịp đập cuộc sống hiện thời.

Phim ảnh mang tính “cổ động”, “tri ân” thì sẽ khó để tạo ra sự hấp dẫn như các phim phản ánh những vấn đề đang nóng, thiết thực, được quan tâm trong xã hội.

- Sự phát triển mạnh mẽ của phim Hàn không thể không kể đến đội ngũ biên kịch tài năng, với những ý tưởng drama khác biệt, chuyên sâu trong từng lĩnh vực. Họ làm phim về bác sĩ hay luật sư với kiến thức đầu tư sâu, rộng. Theo chị, đây có phải là điểm yếu của biên kịch Việt Nam?

- Tôi có dịp làm việc với một số biên kịch Hàn Quốc, có cả những ngôi sao biên kịch hạng A, B. Tôi thấy điểm khác biệt lớn nhất không phải là trình độ, khả năng mà là tâm thế và điều kiện khi sáng tác.

Họ không giỏi mọi lĩnh vực, để viết về ngành y thì có kiến thức về y khoa. Họ cũng không phải đều khá về ngành Luật, khi làm những phim liên quan Pháp luật, Hiến pháp... Họ cũng không cần lớn lên ở các khu ổ chuột, hay cũng không có quá khứ làm đặc nhiệm hay diễn viên...

Đơn giản, họ được làm nghệ thuật trong môi trường chuyên nghiệp, khi ngành công nghiệp giải trí là một ngành quan trọng, các tác phẩm của họ được đầu tư xứng đáng. Bạn cứ thử nghĩ đi, người viết biết cân đối cảm xúc thế nào, biết cắt gọt ra sao khi trong đầu mình là muôn vàn tình tiết hay, nhưng lại phải cân đong đo đếm xem liệu viết thế thì đoàn phim tìm đâu ra bối cảnh, mượn làm sao được đủ đạo cụ...

Nhiều khi sáng tác theo chủ quan của mình, sở thích của mình nhưng khi kịch bản nằm trong tay đạo diễn, hay có thể ra đến hiện trường thì chính những tưởng tượng hay thực tế là kiến thức sâu rộng của biên kịch lại như “làm khó” cho ê-kíp sản xuất phim.

Chính vì chúng ta chưa có được sự đồng bộ, còn thiếu nhiều yếu tố nên có những thứ biên kịch muốn nhưng không thể đưa hết vào kịch bản.

- Biên kịch Hàn Quốc được trả cát-xê khổng lồ với những dự án phim như "Itaewon Class" hay "Hạ cánh nơi anh". Biên kịch ở Việt Nam được trả cát-xê như thế nào, chị có thể tiết lộ?

- Thù lao dành cho mọi giới, mọi ngành ở Việt Nam chưa thể so sánh với Hàn Quốc chứ không phải chỉ trong phạm vi cát-xê dành cho biên kịch.

Nếu phim được yêu thích, thì đến tác phẩm sau có khi thù lao cho biên kịch tăng từ 5-10 lần. Có những trường hợp đặc biệt, sau một đêm nhận giải thưởng, thù lao của nghệ sĩ hay của biên kịch tăng tới 30 lần. Để tiết lộ “mình đã nhận bao nhiêu tiền”, tôi nghĩ không cần thiết. Vì dù không so sánh được với biên kịch Hàn, tại Việt Nam, mức thu nhập này cũng không phải quá thấp.

Quan trọng hơn tiền, là chúng ta chưa có ngành công nghiệp giải trí lớn mạnh nên cơ hội “một bước lên tiên” dành cho những người làm nghệ thuật vẫn đang khiêm tốn.

- Ở vai trò khán giả, bộ phim truyền hình nào của Hàn Quốc và Việt Nam khiến chị ấn tượng nhất?

- Tôi có hơn 10 năm làm phóng viên chuyên trách về làn sóng Hàn Quốc, và tới nay là sang năm thứ 28 làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, gắn bó với làng giải trí Hàn nên xem rất nhiều phim ảnh Hàn Quốc.

Tôi không quá thích riêng một phim nào, nhưng có một số phim tôi có thể xem 2-3 lần, như Hạ cánh nơi anh chẳng hạn. Lý do tôi xem đi xem lại bộ phim này là để đánh giá về phim truyền hình Hàn. Họ cũng không quá “dư dả” diễn viên như nhiều người nghĩ.

Tôi thích thú khi nghĩ, nếu phim truyền hình Việt Nam được sản xuất liên tục, dày đặc như phim Hàn thì nghệ sĩ Việt cũng có thể chinh phục khán giả nước ngoài lắm chứ.

Riêng phim truyền hình Việt, tôi thích Cuốn sổ ghi đời vì đó là phim do bố tôi - đạo diễn Tất Bình dành nhiều cảm xúc sáng tác. Tôi thấy hay, xúc động và thấy vấn đề chuyển tải đến khán giả không bao giờ mất tính thời sự, vì gia đình nào cũng sẽ trở thành gia đình ba thế hệ, có bố mẹ, con và cháu.

Hiền Hà (thực hiện)
Đồ họa: Minh Hồng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-song-khac-nghiet-nguoi-han-can-su-dep-de-tren-phim-de-can-bang-post1064052.html