Cuộc sống hỏi, dân cần, cử tri quyết

Đại ý là thực tế đòi hỏi phải thay đổi, người dân đã trải nghiệm và bày tỏ nguyện vọng được thay đổi, còn đại biểu Quốc hội, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân thì sẽ làm vì quyền lợi của cử tri...

Gia đình vui mừng khi có em bé mới sinh, khi có đứa con đứa cháu lập gia đình riêng, tách nhập nhân khẩu, và rồi theo quy luật phải xa cõi tạm, tất cả đều cần sổ hộ khẩu.

Thế nhưng hiện giờ sứ mệnh cuốn sổ liên quan ít nhất 27 thủ tục/nhóm thủ tục hành chính này cơ bản đã hoàn thành. Chính phủ điện tử thì công dân cũng điện tử thông qua mã số định danh. Sau hơn 4 năm triển khai, mới có hơn 18/96 triệu công dân Việt Nam được cấp số định danh cá nhân và dự kiến đến tháng 12/2020 mới hoàn tất.

“Nỗi khổ về sổ hộ khẩu thì nhiều người đã quá thấm thía rồi... Tôi bị ám ảnh bởi… Thế giới thay đổi vũ bão nhưng sổ hộ khẩu thì vẫn “trường tồn… Bỏ sổ hộ khẩu là hơi muộn, nhưng rất cần thiết… Việc gì đúng, dân ủng hộ thì sẽ nhanh thôi”, là ý kiến của đa số bạn đọc.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vấn đề là sự thay đổi này nhanh hay lâu, đi vào cuộc sống thực tế xã hội ra sao, khi mà đâu đó đã có những vụ việc chạy để làm con ai làm cháu nhà ai đó cốt sao học tập “đúng tuyến cộng điểm”, để được hạnh phúc vẹn tròn với đối tác hôn nhân “người thành phố”, cơ quan chức năng bóc gỡ quá nhiều đường dây làm sổ giả, rồi chết thật chết giả, trốn truy nã, trục lợi bảo hiểm… Cầu có thì ắt gặp được cung.

Nói đi phải nói lại. Một số địa phương đã buông lỏng hoặc thiếu trách nhiệm trong nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Nhiều người dân nông thôn, miền núi không muốn gì hơn là có thu nhập đủ sống để ở lại quê hương sống theo văn hóa, phong tục, tập quán của mình.

Cực chẳng đã mới phải tha phương cầu thực, rồi đói ăn vụng, túng làm càn, trăm thứ bà giằn phát sinh lại đến tay chính quyền sở tại. Gia tăng di dân và cư trú tự phát khiến người sở tại không yên mà người nhập cư cũng chẳng ổn.

Không cần bàn cãi nữa, việc dỡ bỏ các "điều kiện riêng" không cần thiết gắn với cuốn sổ quyền năng này là nhu cầu rất chính đáng. Hiệu lực quy định 1, 2 hay 3 năm mới được thường trú sẽ sớm chấm dứt.

Hợp lý trong lịch sử, nhưng nếu cần thì phải đổi, miễn sao đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong các giao dịch liên quan đến nhân thân, thừa kế, mua bán, bảo hiểm….

Đơn cử như ở Hà Nội, thống kê năm 2019 thành phố có hơn 8 triệu dân. Khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, khoảng một triệu người “rộng cửa” chuyển sang thường trú, và bài toán “kép” kinh tế - quản lý hành chính sẽ khó giải hơn!

Trước đây mặt buồn rười rượi như mất sổ gạo thì nay mai thôi thất lạc cuốn sổ đã "đi vào huyền thoại" sẽ chỉ là nhẹ nhàng cánh phượng rơi mà thôi.

Bỏ sổ hộ khẩu từ 2021, kịp không? Kịp quá đi chứ! Đồng lòng, quyết liệt thì lo gì không kịp!

Tác giả mong Luật sớm đi vào cuộc sống vì nó giúp hạn chế tối đa những chuyện bi hài liên quan tới hôn nhân, hạnh phúc lứa đôi, toan tính kinh tế, quan hệ xã hội, thậm chí cả sinh mệnh chính trị của cá nhân, tổ chức chỉ bởi cuốn sổ màu xanh, màu hồng HK08 lấp lánh 20 trang cả bìa kích thước 120mm x 165mm mang tên “HỘ KHẨU”./.

Anh Tuấn

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/noi-hay-dung/cuoc-song-hoi-dan-can-cu-tri-quyet-556801.html