Cuộc sống của người dân Bình Nghĩa nơi có bệnh nhân 251 mắc COVID-19

Cả xã chỉ còn vài hàng quán mở cửa bán hàng, nhiều hoạt động giao dịch, chợ búa khác ngừng lại.

Từ sau khi kết quả chính thức về trường hợp ông N.V.Đ, thôn 3 Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam mắc Covid-19 được thông báo, không khí vùng quê nơi bệnh nhân sinh sống trở nên trầm lắng hơn. Mặc dù không ít người dân có hoang mang lo lắng một chút, nhưng ai nấy đều tự giác khai báo y tế, thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội. Những chốt bảo vệ các con ngõ ra vào thôn 3 được lập từ chiều tối 7/4 càng làm cho không gian xóm làng trở nên đặc biệt hơn thường ngày.

Đường làng ngõ xóm vắng lặng.

Đường làng ngõ xóm vắng lặng.

Cả xã giờ chỉ còn vài hàng quán mở cửa bán hàng, nhiều hoạt động giao dịch, chợ búa khác ngừng lại. Làng xóm im ắng, thanh bình như không có chuyện gì xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Lào, công an viên thôn 3 Cát Lại đứng giữ chốt ở đầu thôn 3 Ngô Khê cho biết: Bà con không ra đường cả tuần nay rồi chứ không phải hôm nay mới vậy. Tuy nhiên, thông tin về trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên ở Bình Nghĩa đã làm cho mọi người cảm thấy ngại ra đường hơn. Từ hôm qua đến giờ, loa phát thanh của xã liên tục phát đến các thôn, xóm thông báo tình hình, tuyên truyền vận động bà con khai báo y tế trung thực, khẩn trương khi có tiếp xúc, liên quan đến người nhà bệnh nhân để chính quyền xã, các ngành chức năng có biện pháp giải quyết kịp thời, tránh nguy cơ lây lan rộng ra cộng đồng.

"Bà con rất chủ động đến khai báo, ra chốt đo thân nhiệt… Chúng tôi hy vọng mọi chuyện được kiểm soát nhanh”, ông Lào nói.

Chốt cách ly trên đường vào ngõ nhà bệnh nhân 251.

Cả thôn 3 Ngô Khê có 134 hộ dân, 396 nhân khẩu. Từ 18h chiều ngày 7/4, 3 chốt được lập tại khu vực ra vào nhà bệnh nhân với bán kính 300m thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giám sát, kiểm tra y tế, giám sát việc thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do lực lượng công an, quân sự, y tế và đại diện cán bộ xóm đảm nhiệm.

Theo ông Phạm Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, toàn bộ khu vực cắm chốt kiểm soát này có 57 hộ dân, chiều 7/4 đơn vị y tế đã phun khử trùng 15 gia đình dọc tuyến đường ra vào nhà ông N.V.Đ. Cả đêm 7/4, hầu hết các lực lượng được phân công nhiệm vụ đã thức trắng làm việc, rà soát các trường hợp có liên quan đến bệnh nhân, thống nhất khoanh vùng, làm báo cáo với cấp trên các công việc địa phương triển khai, chuẩn bị cho các cuộc họp.

Đặc biệt, ngay trong đêm 7/4, Trung tâm Y tế huyện đã đưa 13 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân về trung tâm thực hiện cách ly. Trong sáng ngày 8/4, các chốt tuyên truyền, giám sát y tế vẫn tiếp tục hoạt động, Thường trực Huyện ủy, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của huyện đã về xã họp, bàn triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời với tình hình.

Ông Phạm Quang Thắng cho biết: “Chúng tôi ngoài việc triển khai những biện pháp cấp bách trong những ngày tới còn làm tốt công tác tư tưởng cho bà con nhân dân trong xã, trong thôn. Thôn 3 là thôn bà con làm ăn buôn bán rất đông, nếu có lệnh phong tỏa khu vực này trong những ngày tới, xã cũng phải lên các phương án đảm bảo cho bà con yên tâm, phối hợp các lực lượng chức năng làm tốt việc cách ly bắt buộc trong vòng 20 đến 25 ngày theo quy định”.

Lực lượng y tế và công an xã chốt.

Những trăn trở này cũng được đề cập đến tại cuộc họp với Thường trực Huyện ủy, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống covid-19 của huyện tại UBND xã Bình Nghĩa sáng 8/4. Ông Trần Xuân Dũng, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 huyện nói: “Đây thực sự là một tình huống phức tạp đối với địa phương mặc dù chúng ta đã có kế hoạch ứng phó với tình hình chung ngay từ đầu. Đánh giá của cơ quan y tế cho thấy, bệnh nhân N.V.Đ có thể sẽ là ca bệnh siêu lây nhiễm trong cộng đồng, phức tạp nhất trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này. Bệnh nhân đã vào viện điều trị trong vòng 18 ngày, tiếp xúc với rất nhiều y, bác sỹ, nhân viên y tế của bệnh viện cùng với các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cùng phòng. Chỉ tính riêng việc rà soát, điều tra dịch tễ đối với các trường hợp liên quan thực sự là một vấn đề khó khăn, những chúng ta phải thực hiện bằng được, khẩn trương và nhanh nhất theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh”.

Ông Trần Xuân Dũng đã chỉ đạo Đảng ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, để người dân hợp tác, tự nguyện, tự giác khai báo y tế, giải quyết nhanh công việc rà soát, điều tra dịch tễ trên địa bàn. Những đề xuất về trang thiết bị, nhân lực phục vụ cho công việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn xã những ngày tới sẽ được chấp nhận giải quyết kịp thời.

Cán bộ y tế đo thân nhiệt người ra vào.

Hiện tại, cuộc sống của người dân thôn 3 Ngô Khê, xã Bình Nghĩa vẫn trong trong trạng thái bình thường như thời gian 1 tuần thực hiện giãn cách xã hội. Dẫu không khí bao trùm lên xóm thôn một chút lo lắng, hồi hộp, nhưng ý thức của người dân đối với việc phòng ngừa dịch bệnh trở nên nghiêm túc hơn. Ngay một người bán hàng đầu làng khi có khách đến mua cũng nhắc nhở khách bỏ tiền lên bàn rồi đứng xa để mang hàng ra, tránh tiếp xúc gần. Họ đã biết rõ một điều, Covid-19 còn nguy hiểm hơn cả những loại dịch bệnh xuất hiện trong cuộc sống của họ trước đó./.

CTV Giang Nam/VOV.VN

.

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cuoc-song-cua-nguoi-dan-binh-nghia-sau-khi-co-ca-mac-covid19-1034650.vov