Cuộc sống 'cách địa ngục một bước' của đàn ông tị nạn phải đi bán dâm

Không giấy tờ tùy thân, nhóm đàn ông tị nạn đến từ Afghanistan và Iran sống chui lủi trong rừng, buộc phải bán dâm để kiếm số tiền ít ỏi. Nhiều người trầm cảm, tự hủy hoại cơ thể.

 Công viên Tiergarten nằm ở thủ đô Berlin (Đức) vốn nổi tiếng với khung cảnh rừng rậm rạp, hồ chèo thuyền thơ mộng và là nơi lý tưởng để các gia đình dã ngoại cuối tuần. Song, ẩn sâu trong rừng là trại tị nạn của những người đàn ông đến từ Afghanistan và Iran. Để duy trì cuộc sống bất hợp pháp nơi đất khách quê người, họ buộc phải hành nghề bán dâm, mời chào hàng trăm người đến công viên mỗi ngày. Trong ảnh, Roman nhận trợ cấp 239 euro mỗi tháng. Sau khi chi trả các khoản tiền thuốc, anh còn đúng 40 euro. Mỗi lúc cạn tiền, Roman lại đến công viên bán dâm.

Công viên Tiergarten nằm ở thủ đô Berlin (Đức) vốn nổi tiếng với khung cảnh rừng rậm rạp, hồ chèo thuyền thơ mộng và là nơi lý tưởng để các gia đình dã ngoại cuối tuần. Song, ẩn sâu trong rừng là trại tị nạn của những người đàn ông đến từ Afghanistan và Iran. Để duy trì cuộc sống bất hợp pháp nơi đất khách quê người, họ buộc phải hành nghề bán dâm, mời chào hàng trăm người đến công viên mỗi ngày. Trong ảnh, Roman nhận trợ cấp 239 euro mỗi tháng. Sau khi chi trả các khoản tiền thuốc, anh còn đúng 40 euro. Mỗi lúc cạn tiền, Roman lại đến công viên bán dâm.

Nhiều người trong nhóm tị nạn sinh ra ở Afghanistan, sau đó trốn sang Iran và đặt chân đến châu Âu với hy vọng cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhiếp ảnh gia người Ai Cập Heba Khamis của The Guardian đã mất nhiều thời gian và công sức để tiếp cận được nhóm người tị nạn này. Nhóm những người đàn ông này sống tập thể, ẩn nấp trong công viên rộng lớn. Phần lớn họ là những thanh niên trai tráng, khỏe mạnh, trong độ tuổi từ 15-32.

Mohamed (trái) là một trong số nhiều người nhập cư trái phép giả vờ là người đồng tính hoặc cải đạo sang Thiên chúa giáo để việc xin tị nạn dễ dàng hơn. Obaied, 25 tuổi (phải), làm việc chui cho một cửa hàng thức ăn nhanh Trung Quốc tại thành phố khác.

Khu vực chơi bóng bàn trong công viên được ngầm coi là tụ điểm mại dâm, nơi người bán tụ tập và những người mua tìm đến. Việc đổi chác thân xác diễn ra tại các nhà vệ sinh công cộng gần đó.

Năm 2017, Đức thông qua luật yêu cầu người bán dâm phải đăng ký với chính quyền địa phương để ngăn chặn nạn buôn người. Nhưng với những người nhập cư trái phép như Mohamed, Obaied, họ bị cấm làm việc trong khoảng thời gian làm đơn xin tị nạn. “Khi bạn không có giấy tờ và đến từ một quốc gia coi tình dục đồng giới là xấu hổ, cấm kỵ, mọi việc càng trở nên khó khăn hơn”, Ali, một người đàn ông Afghanistan, cho hay.

“Một khi bạn ở trong công viên, bạn chỉ cách địa ngục một bước. Nhưng tôi vẫn phải kiếm tiền”, Ahmed, một thanh niên đã bán dâm suốt 3 năm tại đây, nói. Phần lớn các chàng trai đều không có lựa chọn nào khác và họ cảm thấy ô nhục, xấu hổ với chính mình. Nhiều người bị trầm cảm đến mức tự làm tổn thương cơ thể. Mujtaba (phải) sinh ra ở Iran. Nếu bị trục xuất khỏi Đức, anh sẽ bị trả về Afghanistan.

“Những vết bỏng thuốc lá trên lưng đều do chính họ tự gây ra. Ai cũng muốn ra khỏi công viên”, nhiếp ảnh gia Khamis cho hay. Ngoài ra, ma túy cũng hủy hoại cuộc đời nhiều chàng trai. Khamis gọi những chàng trai bị buộc phải đi bán dâm là “chim đen”. “Họ sống cả cuộc đời không có giấy tờ, không tìm được nơi nào chấp nhận”, nữ nhiếp ảnh gia nói. Orman (trái) mất tất cả người thân vào năm 6 tuổi khi nhà họ bị phiến quân Taliban đánh bom.

Trong khi một số thanh niên may mắn được chấp thuận đơn tị nạn và rời khỏi công viên, nhiều người vẫn mắc kẹt ở Tiergarten. Chính sách của Đức ưu tiên người tị nạn từ các quốc gia có xung đột khiến những người xin giấy tờ từ những nước không xung đột như Iran càng thêm phần trắc trở, xa vời. Người nộp đơn cũng đối mặt với nguy cơ bị trục xuất về quê nhà.

Trà My
Ảnh: Heba Khamis.

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cuoc-song-cach-dia-nguc-mot-buoc-cua-dan-ong-ti-nan-phai-di-ban-dam-post1050261.html