Cuộc sống '8 không': 'Đẻ nhiều, đẻ vô tội vạ!'

'Đẻ nhiều, đẻ vô tội vạ' là những gì mà Giàng Seo Sình nói với chúng tôi về những người dân ở 4 cụm dân cư 8, 9, 10, 12 thuộc thôn 7, xã Đắk R'măng (huyện Đắk G'Long, tỉnh Đắk Nông). Có cả ngàn đứa trẻ được sinh ra ở đây với tương lai vô cùng mờ mịt, khi ngay cả mảnh giấy khai sinh cũng không có.

“Ở nhà đi làm kiếm tiền, sau này học sau cũng được!”

Dẫn chúng tôi đến một trong những căn nhà "khang trang" nhất nằm giữa cụm dân cư số 9, ông Đoàn Văn Phương - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk G'Long - tự hào giới thiệu đây là nhà của Giàng Seo Chính, học trò cũ của mình.

Trong 4 cụm dân cư này, có lẽ Giàng Seo Chính (SN 1977) là một trong người có trình độ học vấn cao nhất. Anh Chính vào học lớp 1 khi đã bước sang tuổi... 21. Sau khi học xong lớp 9, người đàn ông này nghỉ học để ở nhà lấy vợ.

Hàng trăm đứa trẻ tại 4 cụm dân cư thuộc xã Đắk R'măng thất học, mù chữ

Hàng trăm đứa trẻ tại 4 cụm dân cư thuộc xã Đắk R'măng thất học, mù chữ

Anh Chính kết hôn với một người phụ nữ cùng thôn, vợ anh đẻ liền tù tì 7 đứa con, mỗi đứa cách nhau chỉ hơn 1 năm. Được thầy giáo cũ động viên, anh Chính tham gia lớp Y tế thôn bản, trở về làm công tác y tế cho cụm dân cư này.

7 đứa con của anh Chính, có đứa được đi học, có đứa bỏ học ở nhà theo bố mẹ đi rẫy, đi rừng. Trăn trở về việc học của con em bao nhiêu năm nay, anh Chính tự mình đi vận động người dân góp hơn 1,3ha đất để làm chỗ dựng trường. Thế nhưng, đất chưa được cấp sổ, giáo viên không có, kinh phí xây trường cũng không nên ba năm nay, khu đất ấy vẫn để không.

"Đẻ nhiều, đẻ vô tội vạ" khiến cuộc sống càng đói nghèo, bế tắc

Dọc con đường từ cụm 8 dẫn về cuối cụm 9, chúng tôi bắt gặp hàng chục đứa trẻ nô đùa dưới trời mưa. Anh Chính cho biết, ở đây người dân đẻ nhiều lắm, thành ra mỗi nhà ít cũng có 4-5 đứa con; nhiều thì 9-10 đứa. Có những đứa được đi học, có những đứa chưa một lần đến trường. Cả 4 cụm dân cư có gần 1.000 đứa trẻ trong độ tuổi đến trường (từ 3 tuổi trở lên) song chỉ có khoảng 400 đứa đi học, còn lại là thất học, mù chữ.

Gần nhà anh Chính, cháu Giàng A Trống (SN 2004) bỏ học khi những cơn mưa đầu tiên của năm 2019 xuất hiện. Trống nghỉ học khi chỉ cách ngày thi học kỳ II mấy ngày. Kể từ đó, Trống trở thành lao động chính trong nhà, thay bố đi rẫy, kiếm tiền nuôi gia đình.

“Muốn đi học lắm nhưng đường xa. Hôm nào bố chở xe máy thì chỉ chở được 4 em, còn em phải đi bộ. Ở nhà đi làm kiếm tiền, sau này có điều kiện thì học sau cũng được”, Trống tâm sự trên đường dẫn chúng tôi vào cụm dân cư số 12.

Cuộc sống khó khăn, không được trợ cấp nên nhiều đứa trẻ không được đến trường

Khác với Trống, Giàng A Chính (SN 2002, trú cụm 12) chưa một lần được đến trường. Không biết chữ nên cuộc sống của Chính chỉ gắn liền với đồng ruộng, nương rẫy. Chính biết lái xe nhưng không có bằng lái, chiếc xe máy chỉ sử dụng đi trong vùng chứ không dám đi ra xã vì sợ… công an bắt. Nhiều lần Chính đánh liều đi xe ra gần đến xã, giấu tạm chiếc xe vào trong bụi rồi đi bộ.

Chính bảo nhiều lần cũng muốn đi học xóa mù chữ nhưng phần vì gánh nặng kinh tế, phần vì đường sá xa xôi nên nhiều năm nay vẫn chưa thực hiện được. Nhờ mấy đứa trẻ trong vùng dạy, Chính chỉ biết viết duy nhất một chữ tên mình. Thế nhưng lúc nhớ lúc quên, thành ra “Chính”, “Chinh” lẫn lộn.

“Em muốn đi xin làm công nhân nhưng đến đâu họ cũng không dám nhận. Nhiều người muốn rời địa phương vài ba ngày nhưng cũng không dễ vì có chứng minh nhân dân, giấy khai sinh hay hộ khẩu… gì đâu”, Chính cho hay.

4h30 đi bộ đến trường, 19h30 lọ mọ về nhà

Em trai Trống là Giàng Min Sỹ năm nay lên lớp 2, học Trường tiểu học Vừ A Dính (xã Đắk Som). Năm học vừa rồi, cứ 4h30 sáng, Sỹ cùng ba anh chị khác trong nhà đi bộ hơn 12km để ra đến trường. 19h30 tối, bốn chị em mới lọ mọ trở về đến nhà.

Sỹ (áo đỏ) thức dậy và đi bộ đến trường từ lúc 4h30 sáng, 19h30 lọ mọ về nhà.

“Nếu hôm nào mưa thì bố chở 4 chị em đi. Hôm nào không mưa thì đi bộ. Sáng bố cho 5 ngàn để ăn sáng, ăn trưa. Nếu không có tiền thì mang cơm đi ăn. Nhiều hôm mệt quá, không về nhà đúng giờ thì bố mẹ mang đèn pin đi tìm”, Sỹ nói.

Giàng A Tỉnh (SN 1997, trú cụm 9) là người đầu tiên và cũng là người duy nhất tính tới thời điểm này của 4 cụm dân cư “thoát” khỏi làng. Tỉnh rời nhà ra xã ở trọ từ năm bước vào lớp 1. Hoàn thành bậc trung học, Tỉnh thi đậu vào trường Đại học Nông Lâm TPHCM, với ước mơ trở thành một kỹ sư nông nghiệp, sau trở về giúp bà con trong bản.

Ngồi lần giở những tấm giấy khen của con trai, bà Cháu Thị Chày (53 tuổi, mẹ Tỉnh) gọi đây là “tài sản quý giá nhất” đối với gia đình và dân bản. Trước Tỉnh, chưa từng có đứa trẻ nào trong 4 cụm dân cư này học đến đại học, cũng chưa đứa trẻ nào rời “rừng” để đến thành phố. Những ngày đầu, bà mất ăn mất ngủ vì con, thế nhưng 3 năm trôi qua, Tỉnh học tốt, biết tự kiếm tiền nên bà “sướng” và tự hào lắm.

Bà Chày tự hào về đứa con trai đang là sinh viên đại học

“Nó đi học cao vậy mừng lắm nhưng mỗi tháng cũng phải gửi cho nó 1 triệu. Ba tháng rồi nó chưa về nhà vì sợ tốn tiền”, bà Chày kể về đứa con trai của mình.

Ông Đoàn Văn Phương, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk G’Long cho biết, tại 4 cụm dân cư trên có khoảng 1.000 trẻ trong độ tuổi đến trường. Tuy nhiên, hiện nay có khoảng 200 trẻ từ 3- 5 tuổi, 100 trẻ trong độ tuổi tiểu học, 200 em độ tuổi THCS chưa đến trường. Ngoài ra còn có khoảng 100 trẻ thất học, mù chữ.

“Các em chưa có hộ khẩu, đi học xa nhà, lại không được hưởng bất cứ một trợ cấp nào. Đường xa, những gia đình có điều kiện chở con em đi học, còn lại thì phải để ở nhà”, ông Phương cho hay.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk G’Long thừa nhận tình trạng hàng trăm trẻ tại khu vực "8 không" này thất học, mù chữ.

Số lượng trẻ thất học, mù chữ gần gấp đôi số trẻ biết chữ

“Chỉ có một số ít cháu có hộ khẩu tại địa phương còn lại phần lớn vẫn ở ngoài Bắc nên khi đi học không được hỗ trợ gì theo quy định của nhà nước. Người dân đã có nguyện vọng hiến đất dựng trường cho các cháu. Tuy nhiên, việc bóc tách đất còn nhiều khó khăn. Hiện huyện đã cử cán bộ vào kiểm tra thực tế để xác định vị trí tọa độ để lập tờ trình xin UBND tỉnh bố trí khu đất đó để xây dựng điểm trường. Trước mắt chúng tôi chỉ hy vọng giải quyết được vấn đề học tập cho các cháu, các vấn đề khác sẽ tính toán sau”, ông Thuần nói.

Nguồn Dantri

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/cuoc-song-8-khong-de-nhieu-de-vo-toi-va-4969/