Cuộc so tài kịch tính tại 'Liên hoan sân khấu Thủ đô' lần thứ IV

13 vở diễn đến từ 13 đoàn nghệ thuật Thủ đô và các tỉnh, thành mang tới 'Liên hoan sân khấu Thủ đô' lần IV - 2020 nhiều sắc màu kịch tính và mới lạ.

Khởi động từ ngày 26-9, "Liên hoan sân khấu Thủ đô" lần thứ IV đã mang tới làn gió mới cho những khán giả yêu sân khấu truyền thống. Các vở diễn từ nhiều loại hình kịch nói, chèo, cải lương được dàn dựng mới tạo hiệu ứng tốt trong giới làm nghề và khán giả.

Đầu tiên phải kể đến vở kịch “Trương Chi – Mị Nương” (đạo diễn Phùng Tiến Minh) là tác phẩm mở màn cho kỳ Liên hoan sân khấu Thủ đô năm 2020. Điều bất ngờ đây là tác phẩm vừa được Nhà hát Kịch Hà Nội dựng mới và công diễn từ ngày 23-9. Dựa trên tích truyện dân gian Việt Nam về chàng Trương Chi và quận chúa Mị Nương, đạo diễn Phùng Tiến Minh đã lồng ghép nhiều yếu tố kịch thử nghiệm với sự kết hợp ca múa nhạc hiện đại trong một câu chuyện cổ tích.

Ngoài thể hiện phong cách dàn dựng mới mẻ, tại sân khấu quay hiện đại nhất miền Bắc thời điểm này, dàn diễn viên thực lực Ngọc Quỳnh, Thùy Dương, NSƯT Quang Thắng, Thiện Tùng… tác phẩm đưa khán giả tới nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Trong đó, vai Đoàn gia của nam diễn viên Thiện Tùng là mảng màu diễn xuất hiếm thấy trên sân khấu kịch. Đây cũng là vai diễn “lột xác” của kép chính Thiện Tùng.

Vở kịch “Trương Chi – Mị Nương” nhận được đánh giá cao về phong cách dàn dựng mới lạ, hấp dẫn. (Ảnh: NHKHN)

Vở kịch “Trương Chi – Mị Nương” nhận được đánh giá cao về phong cách dàn dựng mới lạ, hấp dẫn. (Ảnh: NHKHN)

Sau tác phẩm mở màn, khán giả Thủ đô tiếp tục được thưởng thức vở kịch “Những người ở lại” (đơn vị trường ĐH Sân khấu và điện ảnh Hà Nội). Vở kịch có đề tài về những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, nhà tri thức cách mạng trong ngày đầu kháng chiến. “Những người ở lại” từng được Đoàn kịch Bắc T.Ư dàn dựng, biểu diễn và gây hiệu ứng chính trị trước ngày giải phóng.

Ngày nay, sinh viên trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội nối tiếp việc hoàn thành “sứ mệnh” của tác phẩm trong dòng chảy nghệ thuật hiện đại. Hóa thân trọn vẹn vào vai diễn, diễn viên Hoàng Tùng, Lương Đức Thịnh,Thu Thảo, Tạ Thị Ngọ mang tới cảm xúc cho người xem và nhận được đánh giá cao từ hội đồng giám khảo kỳ liên hoan.

Dù chưa chính thức được trình làng khán giả tại Liên hoan, nhưng hai vở diễn “Chuyện thành Cổ Loa” (đơn vị Hội sân khấu TP HCM) và “Tình sử Thăng Long” (đơn vị Nhà hát Chèo Hà Nội) được khán giả trông đợi. Đây cũng là 2 trong số 13 tác phẩm có chủ đề về Hà Nội, một năm đầy ý nghĩa với Thủ đô khi Thăng Long - Hà Nội tròn 1010 năm tuổi, dấu mốc thiêng liêng thôi thúc sáng tạo cho các văn nghệ sĩ Thủ đô.

Hai tác phẩm đều khai thác câu chuyện đời về những vị vua lịch sử. Nếu vở chèo “Tình sử Thăng Long” là mối tình của Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh - hai vị vua cuối thời Lý và đầu thời Trần thì “Chuyện thành Cổ Loa” là câu chuyện tái hiện lịch sử. Đối với vở chèo “Tình sử Thăng Long”, dù đã tái hiện một mối tình đã trải qua vài trăm năm nhưng với tâm huyết của ê-kíp thực hiện, khi được tái hiện trên sân khấu chèo vẫn khiến người đương thời thổn thức.

Một tác phẩm được coi là “ẩn số” của Liên hoan sân khấu Thủ đô 2020 đến từ vở diễn “Hà Nội những mảnh vỡ” của sân khấu Lệ Ngọc. Những năm gần đây, sân khấu Lệ Ngọc - sân khấu xã hội hóa đầu tiên Hà Nội là nơi có nhiều “đặc sản” về kịch bản, phong cách dàn dựng mới. Các tác phẩm không chỉ chinh phục khán giả phía Bắc mà còn thành công khi Nam tiến và trình diễn hội thi quốc tế.

Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV – 2020 đã được khai mạc 26-9 tại rạp Công Nhân – Hà Nội, dự kiến bế mạc ngày 3-10. Dù cơ bản dịch bệnh đã được khống chế, song các đơn vị tổ chức vở diễn phải nghiêm chỉnh chấp hành đúng các nội quy, quy định của công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó, các đoàn nghệ thuật và các diễn viên luôn ở trong tâm thế vừa mừng, vừa lo, mừng vì sắp được trở lại sân khấu, lo vì có thể sẽ phải tạm dừng chương trình sau tháng ngày mướt mải mồ hôi trên sàn tập. May mắn là kỳ liên hoan vẫn được tổ chức theo đúng kế hoạch, các nghệ sĩ xúng xính quần áo, trở thành ông hoàng, bà chúa trên sân khấu, mang đến các vai diễn cảm xúc cho khán giả.

Thông qua 13 vở diễn từ các đoàn nghệ thuật Thủ đô và một số tỉnh, thành có thể thấy sự phong phú đề tài, thể loại. Nhận định về chất lượng vở diễn, NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết, các đơn vị nghệ thuật tham gia với các vở diễn được đầu tư dàn dựng công phu, mang đậm hơi thở của thời đại. Có tác phẩm chỉ vừa trình làng, tác phẩm dựng mới tạo hiệu ứng tốt trong giới làm nghề và khán giả.

Kỳ liên hoan còn là sự ghi nhận nỗ lực “xoay chuyển tình thế hậu Covid-19” của nhiều đơn vị nghệ thuật Thủ đô. Trong đó, Nhà hát Kịch Hà Nội tập trung hiện đại hóa bằng sân khấu quay, mở sân khấu Quảng Lạc ở khu vực phố cổ để thu hút khán giả. Còn Nhà hát Chèo Hà Nội đã tập trung bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cho nghệ sĩ trẻ, nhằm đem đến sức sống mới cho các vở công diễn dịp này, giữ “lửa nghề” cho các diễn viên trẻ.

Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV-2020 có 13 đơn vị nghệ thuật ở Thủ đô và một số tỉnh, thành tham gia với 13 vở diễn gồm: “Trương Chi – Mị Nương (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Những người ở lại” (trường ĐH Sân khấu và điện ảnh Hà Nội, “Huyền thoại Hà Nội” (trường ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội), “Trinh nguyên” (Nhà hát Chèo Việt Nam), “Hoàng thúc Lý Long Tường” (Nhà hát Chèo Bắc Giang), “Người đi tìm minh chủ” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), “Bạch đàn liễu” (sân khấu Lucteam), “Huyền thoại Thánh Mẫu” (Nhà hát Cải lương Hà Nội), “Cánh chim trắng trong đêm” (Hội sân khấu tỉnh Bạc Liêu), “Người tốt nhà số 5” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Chuyện thành Cổ Loa” (Hội sân khấu TP HCM), ”Đợi đến mùa xuân” (Nhà hát Tuổi trẻ); “Tình sử Thăng Long” (Nhà hát Chèo Hà Nội).

Đây là hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và hướng về ngày Giỗ Tổ ngành sân khấu.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cuoc-so-tai-kich-tinh-tai-lien-hoan-san-khau-thu-do-lan-thu-iv-211648.html