Cuộc 'so tài' ảnh hưởng của các nước lớn tài trợ cho chủ nhà Papua New Guinea tổ chức APEC 2018

Đại lộ 6 làn xe tại Thủ đô Papua New Guinea đang được gấp rút hoàn thiện để đón các nhà lãnh đạo thế giới tới dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong tháng 11 này. Tuy nhiên, người ta cho rằng con đường do Trung Quốc tài trợ này là điển hình cho 'trò chơi' quyền lực nơi các quốc gia tranh giành ảnh hưởng bằng những món quà tài trợ.

Nếu các quốc đảo ở Thái Bình Dương được ví như một “kho báu” chiến lược trong Chiến tranh thế giới thứ hai thì Papua New Guinea là một trong những “món đồ trang sức” có giá nhất. Nơi này kiểm soát một vùng biển rộng lớn, giàu tài nguyên khoáng sản và gần căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam và Australia. Khi Papua New Guinea đăng cai Hội nghị Cấp cao tại Thủ đô Port Moresby, sự đóng góp của các nhà tài trợ là hiển nhiên. “Thủ tướng PNG Peter O’Neill coi Hội nghị Cấp cao APEC là cơ hội để đưa Papua New Guinea lên “sân khấu” thế giới. Nếu một nhà tài trợ muốn lấy lòng ông O’Neill, thì việc hỗ trợ APEC là một cách thức”, một quan chức Anh nhận định.

Khẳng định quan hệ đối tác truyền thống

Được biết, Australia tuyên bố hỗ trợ nhân viên an ninh, tàu tuần tra hải quân và tàu đỗ trực thăng, Chính phủ Nhật Bản giúp nâng cấp hệ thống thoát nước còn Trung Quốc đảm nhiệm việc tân trang lại trung tâm hội nghị, xe hội nghị, xe chữa cháy và nâng cấp đường cao tốc chính của thành phố.

Thách thức của chủ nhà APEC 2018

Trong khi đón nhận các nguồn vốn tài trợ nước ngoài, Papua New Guinea vẫn đang vật lộn với công cuộc khắc phục hậu quả trận động đất hồi tháng 2-2018 gây thiệt hại nặng về người và của cho quốc đảo này. Bên cạnh đó, bệnh bại liệt, một căn bệnh do virus có khả năng gây chết người và có khả năng lây nhiễm cao gần như bị loại trừ trên toàn cầu, cũng tái xuất hiện ở PNG trong những tuần gần đây. Đáng chú ý, theo một nguồn ngoại giao, gần như tất cả nguyên thủ tham dự APEC sẽ di chuyển trong xe bọc thép đặc biệt, vậy không hiểu đội xe thể thao hạng sang mà nước chủ nhà vừa đặt mua sẽ sử dụng cho mục đích gì.

Để giữ vị thế láng giềng của mình, Australia đã chi khoảng 86,5 triệu USD vào APEC ở Papua New Guinea, bằng gần 1/3 số tiền mà Canberra đã chi khi tổ chức Hội nghị G20 vào năm 2014. Nguồn viện trợ nước ngoài của Australia dành cho Papua New Guinea trong năm nay đạt mức kỷ lục 572 triệu USD khi Canberra chuyển hướng ưu tiên Thái Bình Dương hơn so với các khu vực khác. Ngày 1-11, Australia còn tuyên bố sẽ giúp tài trợ cho một căn cứ hải quân của PNG mà Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm đến. Trước đó, Australia cho biết họ xây dựng quan hệ đối tác với Papua New Guinea để giới thiệu các cơ hội thương mại, du lịch và đầu tư cho khu vực này.

Trong khi đó, một phân tích của Reuters dựa trên thông báo của Chính phủ Papua New Guinea cho thấy, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Hội nghị APEC khoảng vài chục triệu USD. Thời gian gần đây, Papua New Guinea là quốc gia ở Nam Thái Bình Dương nợ Trung Quốc lớn nhất, với gần 590 triệu USD, chiếm khoảng 1/4 tổng số nợ nước ngoài của họ.

Áp lực ngoại giao sau những món quà tài trợ?

Tuy nhiên, về lợi ích công cộng của đường phố mới cải tạo do Trung Quốc tài trợ, ông Paul Barker - Giám đốc Điều hành của Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc gia, có trụ sở tại Moresby nhận định: “Thật khó tưởng tượng đại lộ này sẽ có bất kỳ lợi ích sử dụng nào khác ngoài việc thỉnh thoảng dùng để tuần hành hay trình diễn lớn”. Tương tự, ông Allan Bird, Nghị sĩ và là Thống đốc của tỉnh lớn thứ hai Papua New Guinea cho rằng, đại lộ bên ngoài nhà Quốc hội không thiết thực. “Dù Chính phủ Trung Quốc có chi vào đó bao nhiêu chăng nữa thì tốt hơn là đầu tư cho những nơi khác, mua thuốc men hoặc xây trường học chẳng hạn”, ông Allan Bird nói.

Theo quan chức này, những món quà như vậy gây áp lực lên các đối tác truyền thống như Australia làm cho họ hạn chế các các khoản quyên góp cho Papua New Guinea. Tuy nhiên, Chính phủ Papua New Guinea lại coi như đó là đòn bẩy khi họ nói với các nhà tài trợ khác rằng “hãy bắt tay với chúng tôi hoặc nếu không, chúng tôi sẽ rất vui khi nhận tiền của Trung Quốc”.

Trước đó, Papua New Guinea đã cảm ơn Trung Quốc về việc tài trợ và hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho quốc gia này đồng thời phủ nhận rằng Bắc Kinh không tạo ra bất kỳ áp lực ngoại giao nào. Phát biểu tại Port Moresby hôm 31-10, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, trong những năm gần đây, nước này đã giúp xây dựng hơn 100 dự án ở Papua New Guinea và các quốc đảo Thái Bình Dương khác, bao gồm trường học và bệnh viện. “Cho dù viện trợ của Trung Quốc có tốt hay không, Chính phủ và nhân dân các nước được hỗ trợ mới có quyền nói nhiều nhất”, ông Vương Nghị nói.

Yến Chi (Theo Reuters)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/cuoc-so-tai-anh-huong-cua-cac-nuoc-lon-tai-tro-cho-chu-nha-papua-new-guinea-to-chuc-apec-2018/789568.antd