Cuộc 'so găng' Pháp-Đức trong lĩnh vực năng lượng xanh

Hai nền kinh tế lớn nhất EU có những ý tưởng hoàn toàn đối lập nhau về cách thức tiến hành chuyển đổi năng lượng, nước Pháp chọn đầu tư ồ ạt vào hạt nhân, trong khi Đức lại nhắm vào khí đốt.

Các tháp làm mát tại nhà máy điện hạt nhân Saint-Laurent-des-Eaux ở Saint-Laurent-Nouan, miền Trung Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Các tháp làm mát tại nhà máy điện hạt nhân Saint-Laurent-des-Eaux ở Saint-Laurent-Nouan, miền Trung Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 31/12/2021, Ủy ban châu Âu (EC) tiết lộ kế hoạch phân loại năng lượng xanh có điều kiện, trong đó có cả hạt nhân và khí đốt. Đối với Pháp, đây sẽ là một thắng lợi lớn cho ngành năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, giới quan sát lưu ý, ẩn sau bảng phân loại này là cả một cuộc đọ sức gay gắt trên bình diện kinh tế và chính trị giữa Pháp và Đức, hai quốc gia vốn có những chủ trương phát triển năng lượng sạch hoàn toàn đối lập nhau.

“Taxonomie” - tạm dịch là bảng phân loại năng lượng sạch - được Liên minh châu Âu (EU) đề xướng từ năm 2018. Mục tiêu của bảng phân loại này là nhằm định hướng dòng vốn đầu tư vào những hoạt động sản xuất được cho là bền vững trong toàn khối EU.

Trả lời tờ L’Opinion, chuyên gia địa chính trị Thierry Bros thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, giải thích thêm: “Một khi xác định được những gì là hoạt động xanh và những gì không phải, các ngân hàng sẽ sử dụng khái niệm này để cân nhắc về túi tiền của mình và quyết định xem có nên đầu tư, hỗ trợ các hoạt động xanh hoặc tài trợ ít hơn, cho vay lãi suất cao hơn đối với các hoạt động không xanh”.

Cụ thể, để đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050, nhiều nỗ lực to lớn về chuyển đổi kinh tế, năng lượng và công nghệ là cần thiết. Những nỗ lực này cần phải được tài trợ và do vậy, cần huy động các nguồn vốn cả trên thị trường tài chính.

Chỉ có điều việc phân định các tiêu chí “xanh” và “sạch” cũng như là các quy định về cách quản lý phải đi cùng với việc bảo vệ lợi ích quốc gia của các nước thành viên trong khối Liên minh châu Âu, đi đầu là Pháp và Đức.

Những khác biệt trong hồ sơ phân loại của Pháp và Đức

Hai nền kinh tế lớn nhất EU trên thực tế có những ý tưởng hoàn toàn đối lập nhau về cách thức tiến hành chuyển đổi năng lượng. Nước Pháp của Tổng thống Emmanuel Macron chọn đầu tư ồ ạt vào hạt nhân, trong khi Đức lại nhắm vào khí đốt.

Đương nhiên sự tích cực này của Chính phủ Pháp hiện nay trước hết còn vì một mục tiêu chính trị nội bộ. Nước Pháp sắp bước vào mùa tranh cử Tổng thống, dự trù được tổ chức vào tháng 4/2022.

Hạt nhân là một lĩnh vực quan trọng mà Pháp nằm trong số ít các quốc gia hiếm hoi trên thế giới có một đội ngũ chuyên gia và kỹ thuật viên làm chủ được một nền kỹ nghệ chiến lược. Hơn nữa, lĩnh vực này rất được các đảng cánh hữu và cực hữu Pháp ủng hộ mạnh mẽ, do việc có đến 70% nguồn điện sản xuất ra ở nước này là đến từ hạt nhân. Các thăm dò còn cho thấy vẫn có đến 51% người dân ủng hộ năng lượng hạt nhân.

Chính vì điều này mà Tổng thống Emmanuel Macron sau hai năm do dự, hồi trung tuần tháng 10/2021 đã quyết định đưa hạt nhân vào kế hoạch đầu tư 2030, và dành ra nhiều tỷ euro để nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới cho lĩnh vực trọng điểm này.

Trong bối cảnh đó, việc từ bỏ hoàn toàn nguồn năng lượng hạt nhân từ đây đến năm 2050 theo như mong muốn của Liên minh châu Âu, dưới sự thúc đẩy của Đức, đối với Pháp cũng như là nhiều nước ở phía Đông-Bắc Âu khác là điều khó thể chấp nhận. Bởi vì, hạt nhân còn ảnh hưởng đến nhiều chủ đề nhạy cảm như chủ quyền và chiến lược năng lượng của từng nước.

Paris ý thức được rằng để thực hiện tái công nghiệp hóa đất nước, họ cần có một chiến lược an ninh năng lượng ổn định. Trên báo Le Monde, nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu về Kinh tế và Luật Năng lượng (Creden) Jacques Percebois nhắc lại cuộc khủng hoảng năng lượng vừa qua làm giá nhiên liệu tăng vọt, khiến nhiều nước chợt nhận ra rằng mức cầu về điện tăng cao sẽ là một vấn đề cho tương lai “cả trên phương diện bình ổn giá cả lẫn an ninh năng lượng”.

Trên phương diện chống biến đổi khí hậu, Paris cho rằng hạt nhân phải là một phần trong chiếc “rổ năng lượng sạch” hỗn hợp. Lập trường này của Pháp còn được củng cố trước nhiều ý kiến từ giới chuyên gia về biến đổi khí hậu.

Marc-Antoine Eyl-Mazzega, Giám đốc Trung Tâm Năng Lượng và Khí Hậu, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) chia sẻ với Le Monde rằng: “Để giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính, các nước phải điện khí hóa các mục đích sử dụng và phải tăng cường mọi nguồn sản xuất điện phi carbon, kể cả hạt nhân”.

… nếu bật lên cuộc chiến về mô hình kinh tế-năng lượng

Nhìn từ góc độ phân tích phía trên, có thể thấy việc Berlin chọn khí đốt như một nguồn năng lượng chuyển đổi trong quá trình chuyển sang năng lượng tái tạo hoàn toàn, theo nhiều nhà quan sát ở Pháp, chưa hẳn đã là một giải pháp tốt.

Trạm cung ứng PIG trong hệ thống đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trên đất liền ở Lubmin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Dù biết vậy, nhưng Đức vẫn vận động để đưa khí đốt vào bảng phân loại năng lượng xanh. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là đã có một sự đồng thuận giữa Pháp và Đức trong hồ sơ này. Điều này khiến giới chuyên gia nhận thấy rằng đằng sau những bất đồng chính trị, còn có một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa hai mô hình phát triển kinh tế-năng lượng của hai nước Pháp-Đức.

Nước Đức từ những năm đầu thập niên 2000 đã định hướng chiến lược năng lượng nhắm vào các nguồn năng lượng tái tạo. Tham vọng của Berlin là sẽ trở thành quốc gia đi đầu tại châu Âu trong lĩnh vực này và nhất là khẳng định vị thế thống trị trong ngành điện gió. Theo số liệu công bố ngày 30/6/2020, 64% các thiết bị điện gió được lắp đặt ở Pháp là đến từ các doanh nghiệp Đức.

Cùng lúc này ở Pháp, giới vận động cho hạt nhân nhận thấy rằng tương lai cho điện nguyên tử vẫn sáng lạn bất chấp các rủi ro về bảo quản chất thải, các thảm họa hạt nhân. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính từ đây đến năm 2050, nhu cầu về điện sẽ còn tăng thêm từ 80-130%. Mức cầu này khó thể bảo đảm nếu không có sự hỗ trợ từ hạt nhân dân sự.

Do vậy, đối với Paris, bảng phân loại xanh này là điều thiết yếu cho ngành năng lượng hạt nhân của Pháp. Việc được dán nhãn “xanh” cũng đồng nghĩa với khả năng có được một lãi suất vay hấp dẫn, cho phép hạ thấp giá thành và một nguồn cung điện năng mang tính cạnh tranh hơn ở đầu ra.

Nước Pháp giờ cần vốn để đầu tư và phát triển các thế hệ lò phản ứng hạt nhân mới, nhất là loại lò phản ứng module nhỏ, đang phát triển mạnh trên thế giới. Và giữa lúc sự cạnh tranh trên thị trường điện hạt nhân thế giới mỗi lúc một gay gắt do có thêm nhiều tác nhân mới như Trung Quốc, Hàn Quốc…

Điều khiến Đức lo ngại

Tuy nhiên, kế hoạch của Pháp lại cũng chính là điều khiến Đức lo ngại. Chính quyền Berlin hiểu rằng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của mình chưa thể tranh đua được với hạt nhân. Theo thẩm định, giá một KWh điện của Đức trung bình ở mức 0,32 euro, trong khi tại Pháp là 0,20 euro.

Từ những mục tiêu này mà nguyên thủ Pháp đã có chuyến công du các nước Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech những ngày cuối năm ngoái nhằm tìm nguồn hậu thuẫn để có thể đưa năng lượng hạt nhân vào bảng “xanh” của khối EU.

Tuy nhiên, nhà báo Marina Bertsch của France 24 cảnh báo việc Ủy ban châu Âu quyết định đưa năng lượng hạt nhân vào kế hoạch phân loại năng lượng xanh chỉ là một bước tiến nhỏ cho Pháp, do điều kiện đặt ra là khá ngặt nghèo: “Giấy phép xây dựng các trung tâm khai thác hạt nhân mới phải được cấp trước năm 2045 và triển hạn các công trình hiện có phải được đưa ra trước năm 2040, kèm theo đó là một loạt các bảo đảm về cách quản lý các chất thải phóng xạ.

Trong khi đó đối với khí đốt, các nhà máy điện không được phát thải quá 100g CO2/KWh. Đây là một ngưỡng rất thấp. Tuy nhiên, do đang trong thời kỳ chuyển đổi đến năm 2030, sẽ có một số ngoại lệ, mức khí thải được ấn định là 270g CO2/KWh. Những tiêu chí này sẽ được xem xét lại mỗi 5 năm một lần”.

Có thể thấy, đây là thời hạn quy định quá hạn hẹp không đủ để Pháp có những điều chỉnh, xây dựng mới hay phát triển các công nghệ hạt nhân mới và giới quan sát ở Pháp nghi ngờ trong vụ việc này có sự can thiệp của Đức.

Nhà nghiên cứu Margot de Kerpoisson thuộc trường Ecole de Guerre Economique trong một bài viết đăng trên tạp chí Conflit (Tháng 1-2/2022) tố cáo Berlin và ngành công nghiệp năng lượng tái tạo đã không từ một thủ đoạn nào từ can dự vào chuyện nội bộ nước Pháp, tài trợ các chiến dịch gây ảnh hưởng, thao túng các tổ chức dân sự, ngăn chặn các định chế châu Âu cho đến tăng cường vận động hành lang nhằm bóp nghẹt nền công nghiệp hạt nhân của Pháp./.

TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cuoc-so-gang-phap-duc-trong-linh-vuc-nang-luong-xanh/229037.html