Cuộc quyết đấu giữa 2 cơ quan tình báo KGB và CIA (Phần 5)

Trong thời gian học tiếng Nga trước khi sang Liên Xô, Howard làm việc chung phòng với Michael Sellers, cũng là một nhân viên CIA mang vỏ bọc ngoại giao sắp sang Moscow, và nhờ vậy tiếp cận được nhiều hồ sơ tuyệt mật.

Màn giả khùng siêu đẳng của Edward Lee Howard

Lần đầu tiên khi nộp đơn xin làm việc ở vị trí điệp viên CIA hoạt động dưới lớp vỏ bọc năm 1980, Edward L. Howard dường như là ứng cử viên lý tưởng, có kinh nghiệm làm việc trong khu vực chính phủ lẫn tư nhân.

Sau khi tham gia khóa ngôn ngữ và chương trình huấn luyện, các chiến dịch trong lòng địch với đầy đủ kỹ năng gián điệp lẫn giết người, đầu năm 1982, Howard chuẩn bị sang Moscow cùng vợ (cũng là nhân viên CIA) mang vỏ bọc một viên chức ngoại giao làm việc tại tòa Đại sứ Mỹ.

Trong thời gian học tiếng Nga trước khi sang Liên Xô, Howard làm việc chung phòng với Michael Sellers, cũng là một nhân viên CIA mang vỏ bọc ngoại giao sắp sang Moscow, và nhờ vậy tiếp cận được nhiều hồ sơ tuyệt mật.

Hầu hết hồ sơ về lực lượng điệp viên Liên Xô làm việc cho Mỹ đều mang mật danh và tên tắt nhưng Howard đã phát hiện hồ sơ gốc với tên thật. Do đó, Howard biết được vụ gián điệp của khoa học gia Adolf Tolkachev.

Tháng 4-1983, Howard trải qua cuộc kiểm tra cuối cùng trước khi lên đường. Tất cả đợt kiểm tra nói dối đều hỏng và lộ ra nhiều chi tiết quá khứ Howard chưa từng khai. Vào ngày Howard chính thức bị sa thải khỏi CIA, người ta phát hiện Howard nhiều lần vào trụ sở CIA, không biết làm gì?

Điệp viên Edward L. Howard

Điệp viên Edward L. Howard

Bị quẳng ra đường, Howard lại trở thành kẻ nát rượu. Khi được thuê làm chuyên gia kinh tế cho bộ máy lập pháp bang New Mexico, Howard dường như vẫn còn hận và liên tục nhắc “sự ngược đãi vô lý” mà CIA đối xử với mình.

Có lẽ Howard quá phẫn chí. Thế rồi ngày kia, xuất hiện vài dấu hiệu lạ: Howard thường xuyên gọi điện cho Tòa Đại sứ Mỹ tại Moscow, với nội dung điện đàm toàn chuyện tầm phào. Tháng 2-1984, Howard bị bắt vì tội cầm súng bắn vãi đạn ngoài phố trong một cuộc cãi vã ở quán bar. Rõ ràng, Howard đã bị khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng và có dấu hiệu tâm thần...

Ngày 9-8-1985, Edward L. Howard đáp máy bay từ Albuquerque (bang New Mexico) đến Zurich (Thụy Sĩ) và sang Vienna vào hai ngày sau. Trước khi đi, Howard nói với ông chủ rằng bà nội - ngoại mình bệnh nặng vừa từ trần. Sau này, người ta mới biết rằng Howard không có bà nội-ngoại nào bị bệnh chết và cũng không có cụ bà thân thích nào sống ở Áo hay Thụy Sĩ.

Hơn nữa, đó cũng không là chuyến đến Vienna lần đầu. Howard từng ghé Vienna vào tháng 9-1984 và lần đầu tiên tiếp xúc trực tiếp nhân viên KGB! Khi hành tung bại lộ, Howard nhanh chân chuồn sang Liên Xô, để lại phía sau loạt cáo thị truy nã khẩn về mình của FBI và sự tức tối lộn ruột của các “đồng nghiệp” CIA!

Điệp viên Vitaly Sergeyevich Yurchenko

Washington DC, tháng 8-1985. Ngồi trước viên chức CIA Burton Gerber, đại tá KGB Vitaly S. Yurchenko bắt đầu tiết lộ về đường dây gián điệp KGB tại Mỹ mà Oleg Danilovich Kalugin xây dựng.

Đại tá KGB Vitaly S. Yurchenko khi còn trẻ

Năm 1958, Kalugin đến Mỹ với tư cách sinh viên có học bổng Fulbright. Tuy nhiên, nhân vật sau này trở thành chánh văn phòng phản gián KGB và được phong trung tướng chính là người điều khiển đường dây John Walker (cài trong hải quân Mỹ). Tại Mỹ, Kalugin học khoa báo chí Đại học Columbia.

Đầu thập niên 1960, Kalugin hoạt động dưới lớp vỏ bọc thông tín viên đài phát thanh Moscow, đặc trách tường thuật các vấn đề liên quan Mỹ và Liên Hiệp Quốc. Năm 1965, Kalugin được bổ nhiệm vị trí phó phòng tình báo chính trị KGB.

Đầu thập niên 1970, Kalugin được phong chánh văn phòng phản gián hải ngoại và mang lon tướng vào năm 1974, khi 40 tuổi (trẻ nhất lịch sử KGB). Ngoài John Walker, Kalugin cũng thiết lập quan hệ với hai điệp viên Anh phục vụ KGB (George Blake và Kim Philby)... Tuy nhiên, tiết lộ của Yurchenko về vụ Nikolai Artamonov mới thật sự gây sốc.

Kẻ cắp gặp bà già

Năm 1959, Nikolai Artamonov là chỉ huy trưởng trẻ nhất một tàu khu trục thuộc Hạm đội Baltic. Khi neo tàu gần cảng Gdansk (Ba Lan), Artamonov gặp một nữ sinh viên nha khoa Ba Lan tên Blanka Ewa Gora. Hai người quyết định trốn sang Mỹ để có thể ăn đời ở kiếp.

Cùng tình nhân, Artamonov đến Thụy Điển, để lại vợ và con trai tại Leningrad. Tiếp đó, Artamonov móc nối CIA và được đặt tên mới Nicholas George Shadrin, phục vụ Cơ quan Quân báo Mỹ (DIA) thuộc Lầu Năm Góc.

Năm 1966, điệp viên KGB phát hiện Shadrin trong một buổi thuyết trình khoa học quân sự tại Washington. Thay vì khử Shadrin, KGB quyết định thuyết phục Shadrin bí mật quay lại làm việc cho Liên Xô. Đại tá KGB Igor Kochnov chịu trách nhiệm đến gặp trực tiếp Shadrin, mang theo hai lá thư của người vợ cũ.

Trước sự bất ngờ của Kochnov, Shadrin đồng ý làm tay trong cho KGB. Tuy nhiên, Kochnov không hề biết rằng Shadrin sau đó đã thuật lại toàn bộ câu chuyện “chiêu hồi”. Sự việc bắt đầu phức tạp khi chính Igor Kochnov bí mật móc nối CIA và trở mặt với KGB.

Vấn đề nan giải đến mức cả CIA, FBI và DIA cùng vào cuộc. Giữa thập niên 1970, KGB bắt đầu hoài nghi lòng trung thực của Shadrin và họ quyết định bắt cóc tay điệp viên nhị trùng. KGB chọn nơi hành động là Vienna, nhằm dễ dàng đưa Shadrin sang Tiệp Khắc.

(Còn tiếp)

Thiên Phú

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cuoc-quyet-dau-giua-2-co-quan-tinh-bao-kgb-va-cia-phan-5-339391.html