'Cuộc phiêu lưu' ở Syria hãy còn dài: Kế hoạch B của Nga là 'không để ngã ngựa'?

Cuộc bầu cử ở Syria đã diễn ra và có vẻ như sứ mệnh của Nga tại đây đã hoàn thành. Nhưng lợi ích nào sẽ khiến Moscow tiếp tục ở lại?

Nga vẫn đang "đi trên dây" ở Syria.

Nga vẫn đang "đi trên dây" ở Syria.

Khi cuộc bầu cử ở Syria diễn ra, đã có những câu hỏi đặt ra về việc lợi ích nào sẽ tiếp tục thúc đẩy sự can thiệp quân sự của Nga tại quốc gia Trung Đông.

Ngoài sự hiện diện của Nga kể từ 2015, các thành phần khác tham gia vào Syria còn có Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Hezbollah, Israel, các nhóm thánh chiến Sunni, lực lượng người Kurd ở Syria, Mỹ và chính quyền Damascus.

Theo Russia Matter, cách tiếp cận đối ngoại chính của Tổng thống Vladimir Putin không phải là tìm kiếm chiến thắng giữa bên này so với bên kia, cũng như hóa giải xung đột giữa các bên, mà là đạt được sự cân bằng hài hòa với tất cả người chơi (ngoại trừ các chiến binh thánh chiến), qua đó tạo uy tín cho Moscow ở giữa, ngay cả khi xung đột vẫn tiếp diễn.

Điều này mang lại cho Moscow nhiều cơ hội để nâng cao ảnh hưởng của chính mình. Nga càng thành công trong việc thu hút các bên ở Syria thì nỗ lực của Mỹ nhằm chống lại ảnh hưởng của Moscow ở Trung Đông càng trở nên khó khăn hơn, bởi thực tế là các đồng minh của Mỹ đều đang hợp tác với Nga ở một mức độ nào đó.

Thách thức của Nga ở Syria

Sự hiện diện tiếp tục của Iran ở Syria ngày cầng đặt ra thách thức cho Moscow. Tuy nhiên, Moscow không có khả năng ép buộc hoặc thuyết phục Iran cùng dân quân đồng minh rút khỏi Syria. Thậm chí, bất kỳ nỗ lực nào làm như vậy đều có thể gây tổn hại đến mối quan hệ hợp tác của Nga với Iran và càng khiến sự cạnh tranh giành ảnh hưởng ở Damascus thêm gay gắt.

Moscow cũng thiết lập một mức độ hợp tác mong manh với Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria, nơi Ankara đang hỗ trợ lực lượng đối lập và bản thân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang xung đột với người Kurd ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng đã và đang đứng ở hai bên chiến tuyến ở Libya, Nagorno-Karabakh và bây giờ là Ukraine. Một cách Moscow có thể trừng phạt Ankara vì đã nhúng tay vào vùng ảnh hưởng của mình là là tăng cường hỗ trợ cho chiến dịch của chính quyền Assad chống lại các chiến binh Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn hoặc giúp người Kurd ở Syria chống lại lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, làm như vậy có nguy cơ làm tổn hại đến mục tiêu lớn hơn của Tổng thống Putin là thúc đẩy rạn nứt giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và châu Âu.

Về phần Washington, các quan chức Nga từ lâu đã kêu gọi quân đội Mỹ rời khỏi Syria hoàn toàn, lập luận rằng không giống như Nga và Iran, người Mỹ không nhận được lời mời chính thức. Nhưng một trong những sứ mệnh mà lực lượng Mỹ thực hiện ở Syria là chấm dứt sự kiểm soát của khủng bố IS. Nếu các lực lượng Mỹ thực sự rút khỏi Syria, điều này có thể không chỉ dẫn đến nguy cơ IS quay trở lại mà còn khiến các lực lượng Nga phải bận tâm hơn trong việc ngăn chặn.

Cân bằng và rủi ro

Ngày Nga rời khỏi Syria còn rất xa.

Nga sẽ đối phó với các thách thức trên ở Syria và Trung Đông như thế nào? Dựa trên các bước đi trong quá khứ, Moscow được cho là sẽ cố gắng tránh đưa ra lựa chọn dứt khoát về việc đứng về bất kỳ bên nào.

Thay vào đó, Moscow nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì thế kiểm soát lẫn nhau giữa các bên và tự mình lấn lướt để giữ hoặc làm nghiêng cán cân khi cần thiết trong việc thúc đẩy các mục tiêu riêng.

Moscow có lý do chính đáng để ngăn chặn sự mở rộng ảnh hưởng của Iran ở Syria và thậm chí giảm bớt ảnh hưởng đối với chính quyền Assad Tuy nhiên, không cần thiết Nga phải hành động chống lại Iran và đồng minh bởi đã có Israel ra tay trước.

Mặc dù Iran có thể không hài lòng khi Nga làm ngơ trước các cuộc tấn công của Israel ở Syria, nhưng Moscow có thể lấy lý do rằng vì Tehran vẫn phụ thuộc vào Moscow trong việc cung cấp vũ khí và các hình thức phối hợp quân sự khác ở Syria, nên Tehran không có quyền hạch sách với Moscow.

Nga cũng sẽ duy trì cân bằng cạnh tranh với Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và các nơi khác, đồng thời khuyến khích mâu thuẫn giữa Ankara với Mỹ và EU.

Tuy nhiên, nếu sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya, Nagorno-Karabakh hoặc Ukraine ảnh hưởng quá nhiều đến lợi ích của Nga, nước này luôn có thể gây áp lực lên Ankara ở Syria thông qua việc hỗ trợ nhiều hơn cho các nỗ lực của chính quyền Assad nhằm đẩy lùi các lực lượng đối lập Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Moscow có thể sẽ tiếp tục phàn nàn về việc các lực lượng quân sự Mỹ vẫn ở lại Syria, nhưng sự hiện diện đó thực sự có thể hữu ích đối với Nga. Vì các lực lượng Mỹ chủ yếu tập trung vào việc chống IS, Nga sẽ vơi bớt gánh nặng phần nào.

Cho đến nay, Moscow có thể cân bằng giữa các bên cạnh tranh ở Syria do phần lớn đều có động lực để hợp tác với Moscow. Tuy nhiên, rủi ro đối với Moscow là khi một trong các bên thoát ra khỏi cân bằng, một cuộc xung đột khó lường sẽ nổ ra.

Trương Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cuoc-phieu-luu-o-syria-hay-con-dai-ke-hoach-b-cua-nga-la-khong-de-a515862.html