Cuộc phiêu lưu của những ông bố bếp núc

Nhiều người quan niệm rằng, đã là đàn ông phải xông pha 'chuyện lớn' nhưng họ đâu biết, muốn làm chuyện lớn phải bắt đầu từ những điều giản dị nhất. Câu chuyện của 34 ông bố trong cuốn sách 'Đàn ông cầm chảo: Những cuộc phiêu lưu bếp núc của những ông bố nấu ăn cho gia đình' đã cho thấy những góc nhìn khác về việc đàn ông vào bếp.

Sưởi ấm bếp nhà

Người đàn ông biết nấu ăn hiểu rằng điều anh ấy cần chăm lo trước nhất chính là gia đình. Với họ, nấu ăn là thể hiện tình yêu. Điển hình là câu chuyện của ông John Donohue, một biên tập viên ở New York (Mỹ). Khi lần đầu tiên làm bố, ông đã khám phá ra một công việc mới cho chính mình, đó là nấu nướng cho vợ con. Lúc đó ông mới hiểu rằng ngoài ông, còn nhiều người đàn ông khác cũng tình nguyện đảm trách việc bếp núc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ông Donohue đã tập hợp câu chuyện của 34 ông bố chuyên nấu nướng trong gia đình để tập hợp thành cuốn sách “Man With a Pan: Culinary Adventures of Fathers Who Cook for Their Families” (Đàn ông cầm chảo: Những cuộc phiêu lưu bếp núc của những ông bố nấu ăn cho gia đình). Ông Donohue nói rằng, ông hy vọng ngày càng có nhiều ông bố vào bếp hơn vì nhu cầu ngày càng cao và xã hội sẽ ngày càng có nhiều người chấp nhận việc “người đàn ông cầm chảo”.

Trong cuốn sách, tiểu thuyết gia Steven King bắt đầu nấu nướng cho gia đình ông ở Maine sau khi vợ ông bị mất vị giác và không còn hứng thú với việc nấu ăn. Ông ấy muốn gia đình có những bữa ăn ngon hơn nên đã lăn vào bếp. Còn đối với tiểu thuyết gia người gốc Ghana Mohammed Naseehu Ali, việc nấu nướng có vẻ dễ dàng hơn với những ký ức tuổi thơ từ căn bếp của mẹ ông: “Tôi lớn lên trong cộng đồng người Hồi giáo Hausa.

Ông Glenn Nunis nấu ăn cho gia đình

Trong cộng đồng của chúng tôi, nhiều người không bằng lòng khi đàn ông vào bếp nhưng mẹ tôi đã cho phép tôi ở trong bếp khi bà nấu nướng”. Ông Ali là người tin rằng nấu nướng là một sự sáng tạo. Ông so sánh nấu nướng với viết lách: “Khi viết lách bạn bắt đầu với một tờ giấy trắng. Khi nấu nướng bạn có một cái nồi rỗng không. Để bắt đầu sáng tạo, bạn từ tìm hiểu mình muốn bỏ gì vào nồi và trộn lẫn chúng với nhau để tạo thành một món ăn”.

Ông Jack Hitt, một người chuyên viết về lữ hành, cho rằng, kỹ năng nấu nướng của ông đã nhuần nhuyễn hơn sau 16 năm. Trong quá trình đó, ông đã phát hiện ra việc vào bếp là cách để gắn bó hơn với gia đình.

Ông Glenn Nunis (48 tuổi, người Malaysia) là một trong những người đàn ông tin rằng, chính bữa ăn ông trau chuốt từng ngày là bí quyết giữ hạnh phúc gia đình. Ngày ngày, việc của ông là nấu ăn cho vợ, bà Coco (43 tuổi), các con Matthew (22 tuổi), Shane (18 tuổi), Hope (17 tuổi). “Khi nhìn thấy vợ con hào hứng thưởng thức những món ăn mình chế biến, tôi thật sự hạnh phúc. Công việc bếp núc mang đến cho tôi niềm vui, là cách tôi gửi gắm tình yêu thương của mình đến các thành viên trong gia đình và họ cũng sẽ thể hiện tình yêu thương ấy bằng một cách khác”, ông Nunis chia sẻ.

Bìa cuốn sách “Đàn ông cầm chảo: Những cuộc phiêu lưu bếp núc của những ông bố nấu ăn cho gia đình”

Bản lĩnh trui rèn trong bếp

Theo nghiên cứu gần đây của một trường đại học tại bang Florida (Mỹ), chồng giúp vợ làm việc nhà thì sự nghiệp sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn những người còn lại. Kết quả cho thấy những người đàn ông dành toàn tâm toàn ý cho việc nhà đã tự giúp mình tăng độ hứng khởi lên 25% và giảm căng thẳng xuống 27%. Đàn ông làm việc nhà không chỉ toát ra vẻ đẹp vô cùng nam tính, tạo được thiện cảm đối với mọi người xung quanh mà còn tốt cho sự nghiệp. Những ai đã và đang nghĩ rằng đàn ông làm việc nhà, vào bếp là không nên thì hãy nhìn vào những đầu bếp nam giàu nhất thế giới như Jamie Oliver (người Anh), Gordon Ramsay (người Anh), Wolfgang Puck (người Mỹ)…

Theo nghiên cứu gần đây của một trường đại học tại bang Florida (Mỹ), chồng giúp vợ làm việc nhà thì sự nghiệp sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn những người còn lại.

“Bản lĩnh đàn ông được trui rèn trong bếp!”. Đây là tiêu chí mà các đầu bếp nam nổi tiếng thế giới đã đúc kết qua bài viết “Muốn là đàn ông, hãy vào bếp!”. Theo đó, ăn là một trong những nhu cầu cơ bản của con người, là một trong những điều quan trọng nhất khi người ta bàn đến một cơ thể khỏe mạnh. Bởi vậy, nấu ăn chính là kỹ năng cơ bản cần có đối với bất kỳ ai muốn bước vào một cuộc sống tự lập và khỏe mạnh. Nấu ăn nhiều và thường xuyên sẽ rèn luyện kỹ năng tính toán, xử lý tình huống.

“Nấu ăn là sẻ chia, quan tâm, là thể hiện sự chân thành. Ta nấu cho mình bởi ta hiểu bản thân mình nhất nhưng ta nấu cho người khác lại đòi hỏi phải hiểu người khác như thế nào. Sự quan tâm về ăn uống là sự quan tâm rất thực tiễn vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe. Khi là người đứng bếp trong nhà, bạn sẽ phải biết người nào ăn được cái gì, dị ứng cái gì, chế độ ăn uống ra sao để có thể có một menu phù hợp nhất. Khi nấu để người trong gia đình ăn ngon, đó là cái tâm mà một người trưởng thành về nhân cách cần có…”, cuốn sách có đoạn viết.

Những người giàu nhất thế giới vẫn vào bếp nấu cơm, rửa bát, chăm con. Đó là niềm yêu thích của những tỷ phú này. Khi vợ của ông chủ Facebook Mark Zuckerberg sắp sinh, ông đã nói rằng: “Tôi sẽ nghỉ ngay tháng đầu để ở nhà cùng Priscilla và các con”. Bình thường Mark thích dành thời gian vào bếp cùng vợ, tự làm những món ăn vợ thích và thường xuyên chăm sóc con cái. Còn với tỷ phú Bill Gates, chia sẻ việc nhà với vợ là niềm vui, là những giây phút ngọt ngào và thư giãn nhất để cùng nhau vun đắp hạnh phúc gia đình.

Với chủ đề “Tạo nên sự khác biệt cho nam giới và trẻ em trai”, Ngày Quốc tế Nam giới 19/11 năm nay hướng mối quan tâm của mọi người đến nhu cầu cá nhân của nam giới và trẻ em trai trên toàn cầu; giúp họ cải thiện sức khỏe và sống hạnh phúc hơn. Họ cần người bạn gái, bạn đời lắng nghe, chia sẻ và động viên những lúc khó khăn.

Nhu Thụy (Tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hon-nhan-gia-dinh/cuoc-phieu-luu-cua-nhung-ong-bo-bep-nuc-post67107.html