Cuộc pháo kích giới thiệu với Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lần đầu tiên, các bệ pháo được đưa đến Hà Nội vào mùa hè năm 1966. Trước khi vận chuyển tiếp vào phía Nam, một buổi bắn trình diễn với ban lãnh đạo quân sự của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được tiến hành.

Pháo phản lực bắn loạt BM-21 được quân đội Việt Nam cải tiến nâng cấp

Trong Kháng chiến cứu nước lần thứ hai, các vũ khí tên lửa Liên Xô không chỉ đã được giao cho QĐND Việt Nam mà cả Lực lượng Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tất nhiên, đó không phải là những bệ phóng tên lửa Dvina chống máy bay Mỹ như ở miền Bắc, nhưng cũng là một loại vũ khí đáng gờm.

Quân đội Giải phóng miền Nam đã nhận được thiết bị tên lửa lớp "đất-đối-đất". Đó là một phiên bản thu nhỏ của Kachiusa — bệ phóng phản lực Xô viết lừng danh trong chiến tranh chống Đức quốc xã. Lần này, vũ khí không đặt trên xe tải như trong cuộc chiến chống phát xít, mà bố trí trên các giá ba chân, một phương án vác vai của Kachiusa.

Địa bàn pháo kích có kích thước 400x400 mét. Bên trong miếng đất vuông là các đường hầm, công sự bê tông cốt thép, mô hình trực thăng và xe bọc thép. Một tiểu đoàn gồm 12 thiết bị pháo phản lực có nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách 8 cây số.

Pháo phản lực trong trang bị của quân đội Việt Nam

Đến giờ hẹn, các vị tướng Việt Nam đã có mặt tại vị trí bắn. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp lắng nghe báo cáo của Thiếu tướng Grigory Belov, lãnh đạo nhóm các chuyên gia quân sự Liên Xô và yêu cầu ông chờ một chút. Vài phút sau, một chiếc xe Pobeda chạy lại chỗ mọi người đang tập trung, Chủ tịch Hồ Chí Minh bước xuống từ xe.

Trong vòng 15 phút, 12 bệ pháo phản lực đã thực hiện bắn 144 tên lửa về phía mục tiêu luyện tập. Những viên đạn bay đi không khác gì 20 năm trước từng hướng về phía phát xít: cùng tiếng gầm rú và những đuôi lửa rực sáng. Khi tiếng nổ đã lắng đi, tất cả mọi người có mặt cùng Chủ tịch nước tới kiểm tra vị trí nổ. "Thực tế mà chúng tôi thấy thật là khủng khiếp, — Tướng Belov hồi tưởng lại. — Đất phủ kín các đường hào và công sự, công sự bê tông, mô hình thiết vận và trực thăng bị phá và thiêu cháy."

Tiến về phía Thiếu tướng Belov, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn về buổi biểu dương sức mạnh của vũ khí Liên Xô và đề nghị ông truyền đạt tới các nhà lãnh đạo Liên Xô đề nghị khẩn trương cung cấp vũ khí cho người anh em ở phía Nam. Mong muốn này đã được thực hiện, Moskva chuyển giao bệ pháo phản lực vác vai cho các chiến sĩ Quân đội Giải phóng thông qua Hà Nội cho đến khi họ giành được chiến thắng vào ngày 30 tháng 4.

Khi Tướng Belov kết thúc chuyến công tác Việt Nam và chuẩn bị trở về quê hương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng ông Huân chương Lao động hạng nhất và một khẩu súng lục có khắc tên. Hôm nay, khẩu súng được trưng bày như một hiện vật tại Bảo tàng Trung ương Các lực lượng vũ trang LB Nga.

Nguồn: sputniknews.com/vietnam

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cuoc-phao-kich-gioi-thieu-voi-chu-tich-ho-chi-minh-post196199.info