Cuộc mưu sinh bất hợp pháp của lao động Việt tại Đài Loan

Tình trạng lao động Việt Nam (LĐVN) làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc bỏ trốn ra ngoài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác xuất khẩu lao động của Việt Nam. Phóng viên Dân Việt đã có mặt tại Đài Loan để ghi nhận câu chuyện buồn này.

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, cuối năm 2015, kinh tế Đài Loan gặp khó khăn, thiếu việc làm, thu nhập thấp đã khiến số LĐVN tại đây bỏ trốn lên tới 1.100 người/tháng.

Khó vượt qua cám dỗ

Tại khu chợ đêm sầm uất Sỹ Lâm-nổi tiếng ở TP.Đài Bắc, chúng tôi gặp T.T.M, cô gái 21 tuổi quê Sơn Động (Bắc Giang), nhân viên bán hàng tại cửa hàng chuyên các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp. T.T.M cho biết, sang Đài Loan 1 năm, M bỏ công xưởng lắp ráp điện tử ra ngoài và tìm việc làm thêm quán ăn, cửa hàng hoa quả, nhân viên quán kem… giờ bán hàng tại chợ đêm. M bộc bạch: “Từ nhà trọ cách chợ 20km, em đi tàu điện ngầm đến chợ và bán hàng đến 1-2 giờ sáng. Công việc không vất vả lắm. Mỗi giờ chủ trả cho em 130 đài tệ (khoảng 90.000 đồng). Trừ tiền nhà, tiền ăn, chi phí đi lại, mỗi tháng em cũng dành được 15 triệu gửi về nhà”. Tuy nhiên, M lo sợ nhất, đi đêm về hôm dễ bị cảnh sát “hỏi thăm” và bị cướp giật.

Lao động bất hợp pháp tại Đài Loan. Ảnh: Hải Minh

Nhiều LĐVN bỏ trốn ra ngoài với hy vọng sẽ kiếm thêm được nhiều tiền để trang trải nợ nần, nhưng cuộc sống bất hợp pháp nơi xứ người không dễ dàng như những gì người lao động (NLĐ) tưởng. Đầu tháng 3 vừa qua, anh Vũ V.T (37 tuổi), quê Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã bị Cảnh sát Đài Bắc bắn trọng thương. Theo lời một người đồng hương, vì muốn gia đình thoát cái nghèo, năm 2011, anh T lên đường sang Đài Loan. Công việc không như mong muốn, 2 năm làm việc đủ trả cho ngân hàng món nợ hơn 100 triệu đồng, và phải nuôi 2 đứa con nhỏ nên anh T đã bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Thông tin từ cơ quan cảnh sát, khi kiểm tra giấy phép lái xe của lái xe taxi, thấy vẻ mặt của hành khách căng thẳng, cảnh sát yêu cầu anh T trình giấy tờ nhân thân. Lo sợ bị bắt, anh T đã bỏ chạy. Dù được yêu cầu dừng lại, nhưng anh T vẫn chạy, buộc cảnh sát nổ súng và bắn trọng thương. Mặc dù sức khỏe đã dần hồi phục nhưng do cư trú bất hợp pháp, không có bảo hiểm nên hội đồng hương phải kêu gọi bạn bè, anh em quyên góp giúp đỡ.

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, từ tháng 1.2005 đến tháng 7.2015, Đài Loan đã dừng tiếp nhận LĐ thuyền viên tàu cá gần bờ và LĐ gia đình do tình trạng LĐ bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc. Mới đây, Chính phủ Đài Loan cũng tuyên bố sẽ nâng mức phạt lên 150.000 đài tệ đối với công nhân bỏ trốn, đồng thời cấm họ rời đất nước trong vòng 3 năm nếu bị phát hiện. Phía Việt Nam cũng phải trả một khoản tiền hồi hương trong vòng 1 tháng sau khi một công nhân bất kỳ được báo cáo mất tích, mà trước đó do Đài Loan hỗ trợ.

Chị Nông Thị Oanh, quê Chiêm Hóa, Tuyên Quang, có thâm niên hơn 9 năm làm giúp việc gia đình và 1 năm làm tại công ty lắp ráp điện tử Đài Diệu (TP.Đào Viên) chia sẻ: “Làm việc bên ngoài rất phức tạp, có những trường hợp gặp chủ không tốt, khi biết là LĐ bỏ trốn, họ ép lắm, thậm chí còn bị quỵt tiền. Muốn kiện cũng không kiện được, vì mình là LĐ bất hợp pháp. Nhiều trường hợp bị cảnh sát bắt, phạt tiền và trục xuất về nước”.

Ông Nguyễn Xuân Tạo- Trưởng Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan cho hay, nhiều LĐ bị xúi giục, bị cám dỗ ra ngoài làm việc bất hợp pháp. NLĐ bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp mất nhiều quyền lợi. Vừa không được hưởng các chế độ bảo hiểm, NLĐ còn đối mặt với những rủi ro, sống chui, sống lủi, trốn tránh cơ quan pháp luật, công việc thất thường… “Không phải NLĐ nào khi ra ngoài cũng tự kiếm được việc làm. Cũng có trường hợp tự tìm được việc do bạn bè giới thiệu nhưng không nhiều, hầu như là bị môi giới phi pháp giới thiệu và vẫn mất phí môi giới. Nhiều LĐ ốm đau, không có giấy tờ tùy thân, không có chế độ bảo hiểm, không dám đi bệnh viện nên thiệt thòi, ảnh hưởng đến sức khỏe” - ông Tạo nói.

Ngày càng tăng

Theo ông Phan Hồng Lân- Cục trưởng Cục Lao động TP.Đào Viên, hiện có 29.000 LĐ Việt Nam đang làm việc tại Đào Viên (chiếm 30% trong tổng số LĐ nước ngoài). Không chỉ đông nhất về số lượng, LĐVN còn dẫn đầu về tỷ lệ LĐ bỏ trốn tại đây. “Năm 2014, số LĐVN bỏ trốn chiếm ½ trên tổng số LĐ nước ngoài, đến năm 2015 con số này tăng lên 2/3. Muốn giảm thiểu LĐ bỏ trốn, cơ quan chức năng Đài Loan và Việt Nam phải hợp tác mới có thể giải quyết được vấn đề”.

Chúng tôi đến Công ty Đức Sỹ, ở khu Quy Sơn (TP.Đào Viên) nơi có gần 70 LĐVN đang làm việc. Mặc dù khen ngợi LĐVN chăm chỉ nhanh nhẹn, nhưng ông Hoàng phụ trách LĐ nước ngoài tại công ty này cũng bày tỏ sự không hài lòng với các LĐVN bởi trong thời gian ngắn đã có 11 LĐVN bỏ trốn khiến công việc của công ty ít nhiều bị ảnh hưởng. “Vấn đề khiến chúng tôi bận tâm nhất trong thời gian gần đây, là tháng nào cũng có LĐVN bỏ trốn. Tôi đã tìm hiểu, họ bị cám dỗ từ bên ngoài, từ những người đã bỏ trốn lôi kéo ra ngoài làm việc”- ông Hoàng phàn nàn.

Nhằm giảm tình trạng LĐ bỏ trốn, nhiều công ty tại Đài Loan đã đưa ra mức khen thưởng những người cung cấp thông tin LĐVN bỏ trốn. Với những thông tin xác thực sẽ được thưởng 3.000 đài tệ (2,1 triệu đồng) và khi NLĐ bị bắt giữ, trục xuất về nước, người cung cấp thông tin được thưởng thêm 1.000 đài tệ (700.000 đồng).

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Tạo thừa nhận thời gian qua, LĐ bỏ trốn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nguyên nhân trước hết là do nhu cầu LĐ nước ngoài của Đài Loan là tương đối lớn. Đặc biệt, hiện có một số lĩnh vực người Đài Loan không muốn làm và một số lĩnh vực thiếu nguồn nhân lực như: Trồng rau, trồng nấm, nuôi trồng thủy sản, trồng chè, hái chè... Chính sách của Đài Loan chưa cho phép tiếp nhận LĐ nước ngoài vào những lĩnh vực này nên LĐVN bỏ trốn ra ngoài chuyển sang ngành nghề nông nghiệp tương đối nhiều. “Thực tế là NLĐ trốn từ công xưởng hợp pháp ra ngoài, nếu không có chủ phi pháp thì đương nhiên sẽ không có LĐ bất hợp pháp. Hơn nữa, những khu vực LĐVN làm việc thường ở trên núi, nên ít bị các cơ quan chức năng kiểm tra”- ông Tạo nói.

Một nguyên nhân khác được ông Tạo chỉ ra, có khoảng 70-80% NLĐ khi gần hết hạn hợp đồng, muốn ở lại và kiếm thêm thu nhập nên đã bỏ trốn. Cũng có thể do thời gian gần đây, kinh tế Đài Loan kém, việc làm thu nhập không được tốt, NLĐ có tâm lý “đứng núi này, trông núi khác”, bỏ trốn ra ngoài làm xem ra có thu nhập cao hơn trong nhà máy hợp pháp. Một phần nữa là ý thức của NLĐ, do vi phạm nội quy về sử dụng máy, nội quy ký túc xá, nhưng sợ chủ sử dụng phạt, đưa về nước trước hạn nên bỏ trốn ra ngoài”- ông Tạo phân tích./.

(Còn nữa)

Nhiều công ty bị tạm dừng hoạt động vì thu phí cao

Trong năm 2015, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ra quyết định tạm dừng hoạt động XKLĐ đi Đài Loan 1 tháng đối với 5 công ty: Halasuco, Tracimexco, Coma, Traenco, Cefinar. Nguyên nhân do các công ty này đã thu phí của người đi XKLĐ sai quy định. Trước đó, trong năm 2014, 14 công ty XKLĐ đi Đài Loan bị đình chỉ hoạt động vì thu phí, khấu trừ tiền ăn của NLĐ cao hơn quy định và giữ lương của NLĐ. Có 8 trong 14 công ty thu phí cao nhưng không đảm bảo điều kiện ăn, ở và chất lượng tiếng cho NLĐ gồm các công ty: Vinamotor, Petromanning, Vihatico, Letco, Vinatex - LC, Vivaso, Vietcom Human. Ngoài ra 11 công ty môi giới Đài Loan bị tạm dừng hoạt động cung ứng lao động sang Đài Loan vì thu phí của NLĐ sai quy định.

Tháng 2.2016, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã có công văn yêu cầu 44 công ty Việt Nam có LĐ khiếu nại về việc thu phí quá quy định phối hợp với đối tác Đài Loan giải quyết đơn thư của NLĐ.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/cuoc-muu-sinh-bat-hop-phap-cua-lao-dong-viet-tai-dai-loan-673649.html