'Cuộc mặc cả quyền lực' châu Âu

Cuộc bầu cử ngày 26/5 đã kết thúc cục diện phân chia tả - hữu giữa đảng Nhân dân và đảng Xã hội trong nghị viện châu Âu (EP) từng tồn tại suốt nhiều thập niên qua, mở đường cho sự nổi lên của hai khối chính trị mới, gồm Liên minh những người dân chủ và tự do châu Âu và đảng Xanh. Đã không xảy ra một làn sóng dân túy và hoài nghi châu Âu, dù có đảng theo xu hướng này giành thắng lợi ở một số nước lớn.

Ứng viên cho chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu, thành viên Liên minh Tự do và Dân chủ cho châu Âu (ALDE) Margrethe Vestager phát biểu sau khi kết quả bầu cử sơ bộ Nghị viện châu Âu được công bố tại Brussels, Bỉ tối 26/5/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Ứng viên cho chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu, thành viên Liên minh Tự do và Dân chủ cho châu Âu (ALDE) Margrethe Vestager phát biểu sau khi kết quả bầu cử sơ bộ Nghị viện châu Âu được công bố tại Brussels, Bỉ tối 26/5/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Những điểm mới

Cũng có nhiều bất ngờ trong cuộc bầu cử EP, nhưng đó là những bất ngờ tương đối dễ chịu đối với những người ủng hộ Liên minh châu Âu (EU). Sau gần 3 thập niên, lần đầu tiên tỷ lệ cử tri đi bầu vượt quá bán, tăng tới hơn 8 điểm so với cách đây 5 năm.

Tính ra, có đến 20 trong tổng số 28 nước thành viên số người đi bầu tăng, ở một số nước như Tây Ban Nha, Hungary, Ba Lan và Romania, mức tăng lên tới 15%. Đáng chú ý là không có nước nào có tỷ lệ đi bầu dưới 20%.

Việc cử tri kéo đến hòm phiếu đông hơn phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn tới thiết chế quan trọng bậc nhất và duy nhất của EU được bầu ra theo hình thức trực tiếp. Thực tế, Nghị viện châu Âu đóng vai trò quan trọng không kém so với nghị viện của các nước thành viên, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân.

Trung bình, khoảng 20% luật lệ có hiệu lực ở các nước thành viên do EP thông qua, có lĩnh vực như nông nghiệp và đánh bắt cá, tỷ lệ này lên đến 40%. Tỷ lệ đi bầu vượt qua ngưỡng biểu tượng 50% đã củng cố thêm tính chính đáng của EP trong bối cảnh các thiết chế cầm quyền, nhất là của EU, đang bị nhiều thế lực chỉ trích mạnh mẽ, cho rằng nó không đại diện cho ý chí của nhân dân.

Kết quả này cũng phần nào cho thấy người dân châu Âu ngày càng tin rằng các vấn đề được quan tâm cao như an ninh, người tị nạn, kinh tế-xã hội hay biến đổi khí hậu chỉ có thể tìm ra được giải pháp hiệu quả thông qua sự phối hợp của nhiều nước thành viên.

Đúng như dự báo của giới phân tích, một trong những kết quả rõ rệt nhất của cuộc bầu cử lần này là sự kết thúc của cục diện lưỡng cực đã tồn tại từ khi EP bầu trực tiếp lần đầu tiên năm 1979. Hai nhóm nghị sỹ chính - đảng Nhân dân (EPP) và đảng Xã hội-Dân chủ (S&D) - tiếp tục giữ nhiều ghế nhất, tương ứng 180 và 145 nghị sỹ, nhưng cả hai đã bị giảm mạnh so với nhiệm kỳ trước (EPP mất 37 ghế còn S&D 42 ghế).

Dù nhiều đảng tham gia EPP về đầu tại Đức, Ireland, Áo hay Cyprus - những nước mà họ là đảng cầm quyền, hoặc tại Romania, Hy Lạp, nơi họ giữ vị thế đối lập, thì nhiều đảng thành viên khác đã chứng kiến kết quả tồi tệ, nhất là Những người cộng hòa (Pháp, mất 8 ghế), Forrza Italia (mất 5 ghế). Phía cánh tả đáng chú ý chỉ có đảng Công nhân XHCN Tây Ban Nha, đảng Xã hội Bồ Đào Nha và PvdA tại Hà Lan về đầu. Ở các nước khác, cánh tả thiệt hại nặng và mất nhiều ghế.

Sự đi xuống của các các đảng cánh tả và cánh hữu truyền thống phản ánh xu hướng đã hình thành tại nhiều nước và thể hiện qua các cuộc bầu cử trên quy mô quốc gia từ 2 năm trở lại đây. Đây là lần đầu tiên kể từ khi EP được bầu trực tiếp, hai đảng lớn dù kết hợp lại không còn đủ đa số tuyệt đối. EPP và S&D vẫn thiếu 51 ghế so với yêu cầu 376 ghế để lập đa số.

Một điều đáng khích lệ là các đảng ủng hộ hội nhập châu Âu vẫn là lực lượng áp đảo trong EP, chiếm 67% số ghế. Ngoài hai đảng chủ chốt trên, EP còn có hai nhóm lớn khác là Liên minh tự do và dân chủ (ALDE) theo đường lối trung dung và đảng Xanh. Cục diện mới tạo điều kiện để đảng Xanh và ALDE có thể tham gia lãnh đạo và quyết định các vấn đề lớn của EU.

Sự bứt phá mạnh mẽ của nhóm các đảng Xanh châu Âu là một điểm sáng của cuộc bầu cử. Tính chung, đảng Xanh đã tăng tới 40% số ghế, bứt phá mạnh và vượt xa ngưỡng 69 ghế. Môi trường-khí hậu đã trở thành chủ đề được quan tâm tới mức hầu hết các đảng đều phải đề cập tới trong cương lĩnh tranh cử, bất kể thuộc cánh tả, cánh hữu hay cực hữu, do cử tri ngày càng coi đây là nguy cơ cấp bách cần phải giải quyết. Tại Pháp, đảng Xanh vươn lên vị trí thứ ba, đẩy hai đảng lớn cánh tả và cánh hữu tụt xuống vị thế thấp hơn.

Tại Đức, đảng Xanh thậm chí còn có thành tích tốt hơn, đứng thứ hai, vượt cả đảng Dân chủ - Xã hội (SPD). Ngay cả người Anh, bất chấp ám ảnh về Brexit, cũng đưa vào nghị viện khóa mới tới 7 nghị sỹ Xanh. Có thể nói tại Tây và Bắc Âu, một bộ phận lớn cử tri quay lưng lại với các đảng truyền thống và sẵn sàng chấp nhận mô hình phát triển mới, trong đó đặt môi trường - khí hậu vào vị thế trung tâm.

Xu thế này chưa rõ lắm ở Đông và Trung Âu, ít nhất cho tới thời điểm hiện nay, do các nước thành viên hoặc là đi theo chiều hướng chính trị khác biệt với phần còn lại, như ở Hungary, Ba Lan, hoặc là có trình độ phát triển thấp hơn. Đối với bộ phận cử tri ủng hộ đảng Xanh, giới trẻ chiếm tỷ lệ khá lớn.

Tại Pháp, đảng Xanh nhận được sự ủng hộ cao nhất của lớp người trẻ từ 18-34 tuổi. Một trong những nguyên nhân chính là hiệu ứng Greta Thunberg, cô học sinh trung học 16 tuổi người Thụy Điển đã huy động được hàng triệu người trên khắp hành tinh tham gia cuộc đấu tranh bảo vệ hành tinh, chống biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Làn sóng dân túy đã không diễn ra như hy vọng của một bộ phận chính trị gia theo tư tưởng bài châu Âu. Tất nhiên, lực lượng dân tộc chủ nghĩa, dân túy hoặc cực hữu vẫn giành thắng lợi đáng kể, nhưng sự mở rộng của họ không mang tính chất đột phá, ngược lại nó tương đối phân tán và chủ yếu dựa vào tâm lý muốn phá vỡ hệ thống, chứ không phải trên nền tảng một dự án chính trị cụ thể.

Tính chung, khối dân tộc chủ nghĩa và hoài nghi châu Âu giành được hơn 170 ghế trong EP mới. Khá nhiều, nhưng chưa tới một phần tư số nghị sỹ châu Âu, do đó họ không đủ sức phong tỏa tiến trình lập pháp cũng như bầu chọn các vị trí lãnh đạo của khối. Đó là chưa kể các đảng phái này rất khác biệt và chia rẽ, khó làm việc chung với nhau. Hiện nay, trong EP có tới 3 nhóm nghị sỹ dân túy cánh hữu.

Hai đảng dân túy tạo được sự đột phá ở cấp độ quốc gia là Liên đoàn tại Italy (Lega, tăng từ 6 ghế năm 2014 lên 28 ghế) và đảng Brexit ở Anh, giành được 29 ghế. Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini được coi là người giành chiến thắng lớn nhất trong hàng ngũ dân túy.

Vị thế của chính trị gia cực hữu này càng gia tăng khi đảng Lega đã nhận được sự hậu thuẫn từ một số phong trào ở vài nước khác, trong đó có Tập hợp quốc gia của bà Marine Le Pen, về thứ nhất tại Pháp, vượt cả đảng cầm quyền Nền Cộng hòa tiến bước.

Ông Matteo Salvini đang cố gắng để giành được một ghế Ủy viên châu Âu, nhưng hy vọng này tương đối xa vời do chắc chắn vấp phải sự chống đối của Pháp và Đức. Còn đảng Brexit của thủ lĩnh Nigel Paul Farage nhiều khả năng sẽ phải ra đi, một khi Anh không còn là thành viên EU.

Khởi động cuộc mặc cả

Tương quan lực lượng trong EP sẽ được xác định trong những ngày tới và không loại trừ sẽ có bất ngờ mới, với việc một số đảng sẽ đổi phe để thành lập một nhóm mới. Có khả năng sẽ chỉ còn hai nhóm nghị sỹ hoài nghi châu Âu, thay vì ba nhóm như hiện nay nếu như các nhà lãnh đạo chủ chốt xếp ”cái tôi” của họ lại và từ bỏ ham muốn “độc chiếm” một không gian chính trị cho riêng mình. Ngay cả các nhóm lớn cũng có thể sẽ có điều chỉnh, vì nhiều lực lượng muốn từ bỏ hình thức liên minh tả-hữu truyền thống để chuyển sang các khuôn khổ phù hợp hơn.

Cử tri CH Séc bỏ phiếu bầu Nghị viện châu Âu (EP) tại điểm bầu cử ở Prague ngày 24/5/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy vậy, một điều dễ thấy là khác với quốc hội của các nước, EP có vai trò không lớn so với một thiết chế khác là Hội đồng châu Âu, cơ quan tập hợp nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ các thành viên. Từ vài năm nay, EP đã đấu tranh quyết liệt để phát huy vai trò, tìm cách gây ảnh hưởng lớn hơn tới các chính sách của EU, bắt đầu bằng việc áp đặt thể thức bầu chủ tịch Ủy ban châu Âu và chỉ định các ủy viên châu Âu.

Là cơ chế duy nhất của EU được bầu trực tiếp, việc khẳng định vị thế của nghị viện chính là cách thức để lấy lại niềm tin của công dân trong bối cảnh các thiết chế của EU bị đe dọa và chỉ trích nặng nề do thiếu tính đại diện và bộ máy quan liêu. Tuy nhiên, mục tiêu này có lẽ còn khá xa vời do sự phân tán của các lực lượng chính trị trong EP, cũng như ảnh hưởng từ cuộc đấu tranh lợi ích giữa các nước, nhất là các thành viên chủ chốt như Pháp và Đức.

Các cuộc tham vấn và đàm phán để quyết định bộ máy lãnh đạo EU, gồm các chức danh đứng đầu EP, Ủy ban châu Âu (EC), Hội đồng châu Âu và Ngân hàng trung ương châu Âu, ngoài ra còn phải kể tới chức Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại, đã được khởi động từ ngày 28/5.

Tiến trình này sẽ phải vừa tính đến sự quan tâm của cử tri thể hiện qua lá phiếu trong cuộc bầu cử vừa qua, vừa phải xem xét nguồn gốc chính trị cũng như sự cân đối lợi ích của các nước thành viên và tương quan nam và nữ, phù hợp với các chuẩn mực châu Âu. Việc bổ nhiệm các chức vụ chủ chốt của EU sẽ ảnh hưởng lớn tới chính sách của khối trong thời kỳ tới.

Chưa tính đến các vị trí quan trọng khác, cuộc thương lượng để đề cử ứng cử viên thay thế Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker chắc chắn sẽ rất phức tạp do tính toán của mỗi nước. Theo truyền thống, các nước đều cố gắng thúc đẩy “các quân bài” của mình.

Bất chấp sự phản đối của ít nhất 12 nước thành viên, trong đó có Pháp, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố vẫn ủng hộ ông Manfred Weber, một người Đức ra ứng cử cho đảng Nhân dân châu Âu. Trong khi đó, Tổng thống Pháp tuyên bố sẽ chỉ nhất trí giới thiệu một chính trị gia “có cá tính mạnh và hấp dẫn”, đủ sức đại diện cho EU trong “cuộc đấu” với hai nhà lãnh đạo cũng rất cứng rắn khác là Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong số những cái tên được ông Emmanuel Macron đưa ra có Ủy viên châu Âu phụ trách về cạnh tranh, bà Margrethe Vestager, và Phó chủ tịch thứ nhất EC, Frans Timmermans, một người Hà Lan. Hiện nay, “Trò chơi vương quyền” châu Âu mới chỉ bắt đầu và chưa thể dự báo ai sẽ được chọn vào các ghế lãnh đạo của châu Âu trong 5 năm tới.

Tiến Nhất (Phóng viên TTXVN tại châu Âu)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cuoc-mac-ca-quyen-luc-chau-au-20190529120100384.htm