Cuộc kiểm tra nồng độ cồn trở thành án mạng ở Mỹ

Sự việc, vốn có thể diễn ra nhanh chóng, cuối cùng trở thành mất kiểm soát và một người thiệt mạng, gây tranh cãi về quyền hạn của cảnh sát giữa lúc Mỹ đang sôi sục vì biểu tình.

Người da đen lại bị cảnh sát bắn chết, gây biểu tình sục sôi ở Mỹ Sau khi bị bắt giữ vì nồng độ cồn vượt mức cho phép, Rayshard Brooks đã kháng lệnh, giật súng điện bỏ chạy. Cảnh sát Atlanta trong lúc truy đuổi đã nổ súng khiến Brooks tử vong.

Rayshard Brooks trao đổi một cách hợp tác với cảnh sát Atlanta, nói rằng anh đã uống vài ly để chúc mừng sinh nhật con gái và đồng ý kiểm tra nồng độ cồn. Một phút sau đó, họ vật nhau trên mặt đường và cố giành lấy khẩu súng điện trước khi Brooks có được vũ khí và bỏ chạy.

Vài giây sau, ba tiếng súng vang lên và Brooks bị thương nặng.

Video cảnh sát Atlanta công bố hôm 15/6 cho thấy việc kiểm tra, dường như là hoạt động thường ngày của cảnh sát, bên ngoài một nhà hàng đã nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát, kết thúc bằng tiếng súng.

 Video cho thấy Rayshard Brooks trao đổi với sĩ quan Garrett Rolfe. Ảnh: AP.

Video cho thấy Rayshard Brooks trao đổi với sĩ quan Garrett Rolfe. Ảnh: AP.

"Tôi chỉ uống vài ly"

Vụ việc, trong đó người đàn ông da đen 27 tuổi tử vong sau va chạm với hai sĩ quan da trắng vào cuối ngày 12/6, dẫn đến những cuộc biểu tình dữ dội ở Atlanta và khiến cảnh sát trưởng phải từ chức, theo AP.

Cảnh sát hôm 14/6 cho biết sở đã đuổi việc sĩ quan Garrett Rolfe, người có cú nổ súng chí mạng, và sĩ quan Devin Brosnan bị chuyển sang làm công việc hành chính. Rolfe đã làm việc cho sở cảnh sát từ tháng 10/2013 và Brosnan từ tháng 9/2018.

Trong khi đó, giới hữu trách công bố phần thưởng 10.000 USD cho thông tin giúp tìm ra người phóng hỏa nhà hàng Wendy tại hiện trường vụ nổ súng. Ngọn lửa đã bao trùm nhà hàng vào cuối ngày 13/6 sau khi các cuộc biểu tình trở nên hỗn loạn. 36 người đã bị bắt.

Hai camera gắn trên người của hai cảnh sát trên và camera gắn trên xe tuần tra cho thấy họ đã dành hơn 40 phút để tra hỏi Brooks một cách ôn hòa. Xô xát xảy ra khi họ cố còng tay Brooks.

Andy Harvey, Cảnh sát trưởng thị trấn Ennis thuộc bang Texas, người đã viết sách và xây dựng chương trình huấn luyện cho cảnh sát, cho biết những khoảnh khắc như vậy có thể xảy ra chỉ trong tích tắc

"Thời điểm bạn đặt tay lên một ai đó là khi họ sẽ quyết định nên tuân thủ hay chống lại", ông Harvey nói. "Đây là những gì đã xảy ra ở Atlanta".

Cục Điều tra bang Georgia sẽ trình bày kết quả điều tra của họ cho các công tố viên. Chưởng lý Paul Howard của hạt Fulton cho biết trong một tuyên bố hôm 14/6 rằng ông hy vọng quyết định về việc có truy tố các sĩ quan trên hay không sẽ được đưa ra vào giữa tuần tới.

Hai viên cảnh sát có mặt tại hiện trường cuối ngày 12/6 vì có người trình báo một chiếc xe đang chắn ngang đường cho xe không dừng đỗ tại nhà hàng Wendy. Brosnan đến trước và thấy Brooks một mình trong xe, dường như đang ngủ. Brooks đồng ý di chuyển chiếc xe, xuất trình bằng lái và Rolfe đến vài phút sau đó để kiểm tra nồng độ cồn.

Lửa bao trùm nhà hàng Wendy. Ảnh: AP.

"Tôi biết các anh chỉ đang làm công việc của mình", Brooks nói trong đoạn video sau khi đồng ý kiểm tra hơi thở. Anh nhắc đến bữa tiệc sinh nhật con gái mình và nói: "Tôi chỉ uống vài ly thôi, tất cả chỉ có vậy".

Rolfe không nói với Brooks về kết quả dù camera cơ thể của anh cho thấy con số hiển thị là 0,108 - cao hơn mức 0,08 gram, nồng độ cồn trong máu được xem là quá say để lái xe ở bang Georgia.

"Được rồi, tôi nghĩ rằng anh đã uống quá nhiều để có thể lái xe", Rolfe nói với Brooks. "Giơ tay ra sau lưng".

Đoạn video cho thấy mỗi sĩ quan nắm giữ một cổ tay của Brooks, khi Rolfe cố còng tay anh. Brooks cố bỏ chạy và các sĩ quan ghì anh xuống mặt đường.

"Không được chống trả!", một sĩ quan hét lên.

Nổ súng hợp lý hay không?

Một camera đã ghi lại cuộc xô xát. Khi Brooks cố đứng dậy, Brosnan ấn súng điện Taser vào chân anh ta và đe dọa sẽ làm anh bất tỉnh. Brooks giật lấy khẩu Taser. Anh cố dùng chân gượng dậy, Taser trong tay và bắt đầu chạy.

Rolfe bắn khẩu Taser của mình. Rolfe chạy đuổi theo Brooks, và vài giây sau, ba tiếng súng vang lên.

Camera cơ thể của cả hai cảnh sát đều rơi xuống đất trong vụ đụng độ, và không cái nào trong số bốn camera của cảnh sát ghi lại được cảnh nổ súng. Băng hình từ camera an ninh của nhà hàng Wendy cho thấy Brooks quay lại và chĩa một vật trong tay vào một trong hai sĩ quan, người đang đứng cách anh vài bước. Sĩ quan này rút súng và bắn.

"Khi tôi theo đuổi anh ta, anh ta quay lại và bắt đầu bắn Taser về phía tôi", Rolfe nói với một giám sát viên. "Anh ta chắc chắn đã bắn nó ít nhất một lần".

Người phát ngôn của Cục Điều tra Georgia, Nelly Miles, hôm 14/6 cho biết bà không thể xác nhận liệu Brooks có bắn Taser hay không.

Thị trưởng Atlanta Keisha Lance Bottoms hôm 13/6 nói bà không nghĩ rằng việc nổ súng là hợp lý. Cảnh sát trưởng Erika Shields, người gia nhập sở cảnh sát vào năm 1995, đã từ chức.

Cái chết của Brooks đã dẫn đến sự giận dữ ở Atlanta và trên khắp Mỹ sau vụ cảnh sát ở Minneapolis được cho là đã làm tử vong George Floyd, một người da đen không vũ trang.

Một số quan chức đặt câu hỏi rằng liệu việc bắn Brooks có rõ ràng là một lạm quyền như trong vụ Floyd hay không.

Người biểu tình ở Atlanta sau cái chết của Brooks. Ảnh: AP.

"Câu hỏi đặt ra là khi nghi phạm quay sang bắn Taser, cảnh sát phải làm gì?", thượng nghị sĩ Tim Scott của bang Nam Carolina nói trên CBS.

Ông Scott, nghị sĩ da đen duy nhất của đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ, nói rằng vụ việc ở Atlanta "chắc chắn là ít rõ ràng hơn nhiều so với những gì chúng ta đã thấy với George Floyd và một số người khác".

Stacey Abrams, cựu nghị sĩ đảng Dân chủ từng tranh cử thống đốc Georgia vào năm 2018, cho rằng việc dư luận phẫn nộ vì cái chết của Brooks là "chính đáng".

L. Chris Stewart, luật sư của gia đình Brooks, nói rằng viên cảnh sát bắn anh nên bị truy tố tội "sử dụng vũ lực có thể gây chết người một cách vô lý, tương đương giết người".

Bên trong 'khu tự trị' không có cảnh sát trong lòng nước Mỹ Tại khu dân cư ngay trung tâm TP Seattle (Mỹ), đoàn biểu tình đã buộc cảnh sát phải rời đi. Sau đó, họ đặt rào chắn bao quanh và đặt tên nơi đây là "khu tự trị Capitol Hill".

Đông Phong

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-kiem-tra-nong-do-con-tro-thanh-an-mang-o-my-post1095801.html