Cuộc khủng hoảng ở Pháp đe dọa tương lai châu Âu

Phong trào 'áo khoác vàng' không chỉ đe dọa tương lai chính trị của ông Macron mà còn ảnh hưởng tới Liên minh Châu Âu khi các nhóm cực hữu có cơ hội kích động sự hoài nghi về EU.

Emmanuel Macron, một tổng thống trẻ tuổi, có mong muốn cải cách và từng hứa hẹn kế hoạch "phục hưng châu Âu" đang gặp khó khăn ngay tại chính nước Pháp. Phong trào phản đối ôn hòa của những người mặc "áo khoác vàng" đã biến thành bạo lực vào cuối tuần trước tại thủ đô Paris. Một khoảnh khắc đáng nhớ diễn ra khi bức tượng Marianne ở Khải Hoàn Môn, một biểu tượng của nền cộng hòa Pháp, bị đập vỡ trong lúc hỗn loạn.

Bức tượng Marianne tại Khải Hoàn Môn ở Paris bị những người biểu tình đập phá. Ảnh: Getty.

Bức tượng Marianne tại Khải Hoàn Môn ở Paris bị những người biểu tình đập phá. Ảnh: Getty.

Cơ hội cho phe cánh hữu

Trong mục ý kiến trên Guardian, nhà báo Pháp Natalie Nougayrede cho rằng sự suy yếu của ông Macron là cơ hội cho thế lực cánh hữu nổi lên tại châu Âu.

Chỉ ba tuần trước đó ở cùng địa điểm, ông Macron và các nhà lãnh đạo thế giới đã đứng cùng nhau để kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến thứ nhất. Trong bài phát biểu ngày hôm ấy, Tổng thống Pháp cảnh báo về những nguy cơ mà châu Âu và thế giới phải đối mặt trong đó có chủ nghĩa dân tộc. Và nếu điều này xuất hiện ở Pháp, không chỉ tương lai chính trị của ông Macron bị đe dọa mà số phận của cả một châu lục cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Những nhà lãnh đạo cánh hữu trên khắp châu Âu đang nhân cơ hội này để thể hiện sự ủng hộ với những người biểu tình và tăng cường chỉ trích ông Macron. Từ những nhân vật bảo thủ ủng hộ Brexit ở Anh cho đến Phó thủ tướng Italy Matteo Salvini, tất cả đều tỏ ra hào hứng trước sự hỗn loạn ở Pháp. Trớ trêu thay, người được hy vọng sẽ lãnh đạo châu Âu chống lại chủ nghĩa dân tộc lại đang là trung tâm của những cuộc biểu tình phản đối gay gắt nhất trên lục địa già vào lúc này.

Những gì các nhóm cực hữu muốn là một chiến thắng chính trị trên toàn bộ châu lục trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu vào tháng 5/2019. Vì vậy, những điều diễn ra tại Pháp không phải là tin tốt cho sự ổn định của Liên minh Châu Âu (EU) và tầm ảnh hưởng của sự kiện này có thể vượt xa biên giới của một quốc gia.

Hồi đầu năm nay, ông Macron đã tuyên bố thẳng thắn rằng ông sẵn sàng làm kẻ thù của các nhà lãnh đạo cực hữu ở châu Âu trong đó có ông Salvini và Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Cả hai chính trị gia đều có tư tưởng chống nhập cư mạnh mẽ, hoài nghi EU và có thể nói ông Macron đang ở thế yếu hơn vào lúc này.

Mặc dù là người chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2017 trước lãnh đạo bảo thủ Marine Le Pen, ông Macron chưa bao giờ có được sự ủng hộ rộng lớn trên nước Pháp. Cơ chế bầu cử của quốc gia này khá đặc biệt, bao gồm hai vòng: Vòng đầu tiên tất cả ứng viên sẽ ra tranh cử và vòng hai là cuộc đua của 2 ứng viên có tỉ lệ ủng hộ cao nhất ở vòng một. Vì vậy trên thực tế, cứ mỗi 4 người đi bầu chỉ có hơn một người ủng hộ ông Macron.

Hầu hết người tham gia phong trào "áo khoác vàng" đều có những nỗi bất bình chính đáng. Họ cho rằng mình trở nên vô hình, bị bỏ quên bởi giới tinh hoa Paris, và bây giờ họ muốn cho tất cả nhìn thấy bằng những chiếc áo khoác phản quang.

Một người biểu tình với dòng chữ ghi sau lưng áo: "Macron trả lại tiền cho người dân!". Ảnh: Getty.

Một trong những câu chuyện lay động được kể bởi Ingrid Levavasseur, một y tá trẻ, bà mẹ đơn thân của 2 con đến từ Normandy. Tuần trước, người phụ nữ này chia sẻ trên truyền hình một cách đầy cảm xúc về sự bất công trong xã hội: "Vài người phàn nàn vì chúng tôi chặn đường của họ, nhưng những người đó sẽ không phàn nàn khi họ bị kẹt xe trên đường đi trượt tuyết ở các khu nghỉ dưỡng".

Song những vấn đề trong xã hội Pháp còn phức tạp hơn rất nhiều và điều này được thể hiện bởi một đại diện khác của phong trào biểu tình. Ông Christophe Chalencon, một thợ rèn ở khu vực miền Nam Vaucluse, công khai bày tỏ sự phản đối đạo Hồi và kêu gọi thành lập một chính phủ quân sự. Những người như ông Chalencon là điều kiện tuyệt vời để các nhóm cực hữu tăng cường hoạt động.

Quyết định muộn màng

Chính phủ Pháp đã quyết định hoãn tăng thuế môi trường, nhưng điều này được đưa ra quá muộn. Những lo lắng của người dân Pháp không chỉ đơn giản nằm ở việc giá xăng dầu tăng, đó là nỗi sợ mất đi danh dự và uy tín, nỗi sợ trước những tác động của toàn cầu hóa và nỗi sợ mất đi một bản sắc dân tộc. Đất nước đang có những vấn đề sâu sắc khó có thể được giải quyết bởi một mình ông Macron chỉ sau 18 tháng nhậm chức.

Rất nhiều nhóm trong xã hội cảm thấy họ đang phải cạnh tranh với những nhóm khác: trẻ so với già, nhóm thất nghiệp và nhóm có việc làm, nông thôn so với thành thị, những người không có kỹ năng và những người được giáo dục đầy đủ.

Những vấn đề này tồn tại ở nhiều quốc gia, nhưng ở Pháp mọi thứ trở nên rõ ràng hơn vì chủ nghĩa bình đẳng là một trong ba nguyên tố cấu thành nên nền cộng hòa. Nhiều người Pháp chỉ đơn giản là không cảm thấy thực tế phản ánh điều đó.

Khi ông Macron ra tranh cử vào năm 2017, nhà lãnh đạo này hứa hẹn một "cuộc cách mạng" (thậm chí đây còn là tiêu đề của cuốn sách chiến dịch) để đáp ứng những nhu cầu ngày càng gia tăng trong nước và tái xây dựng thanh thế của nước Pháp, ít nhất là trên quy mô châu lục.

18 tháng sau khi nhậm chức, ông Macron đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Ảnh: Reuters.

Song bây giờ tổng thống Pháp lại có vẻ bị tê liệt ở nước nhà, và những kế hoạch về châu Âu của ông trở nên xa xôi hơn bao giờ hết.

Hãy nhìn rộng hơn vào bối cảnh châu Âu lúc này. Nước Anh sẽ chính thức rời khỏi EU đầu năm sau. Các lãnh đạo dân túy Italy đang mâu thuẫn sâu sắc với Brussels về chính sách tài khóa của nước này. Bà Merkel cũng đang phải đối mặt với sự sụt giảm ủng hộ ở nước Đức và không thể làm gì nhiều để giúp đỡ ông Macron.

Hình ảnh người bảo vệ giá trị tự do phương Tây của ông Macron đang bị ảnh hưởng nặng nề và đây chắc chắn không phải là tin tốt cho EU.

Bất bình đẳng trong xã hội Pháp là có thật và cần được giải quyết, nhưng một thất bại chính trị của ông Macron sẽ là bài toán khó lường với EU vì chưa có lãnh đạo nào khác đủ tầm để khỏa lấp chỗ trống mà bà Merkel để lại trong tương lai. Không chỉ vậy, thật khó để tưởng tượng một châu Âu với các giá trị hiện tại có thể đứng vững mà những giá trị đó không được thể hiện ở Pháp.

Quốc Thăng (theo Guardian)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cuoc-khung-hoang-o-phap-de-doa-tuong-lai-chau-au-post898138.html