Cuộc khủng hoảng kỳ lạ

Nhà hàng thịt nướng Backroads BBQ ở bang Indiana (Mỹ) vẫn làm ăn phát đạt dù buộc phải chuyển giao hình thức giao hàng tại nhà, không phục vụ tại quán trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tấn công trên toàn nước Mỹ.

Chiêu thức bán hàng đã đánh trúng tâm lý các “thượng đế” trong mùa dịch là tặng kèm một cuộn giấy vệ sinh cho mỗi đơn hàng. Một số nhà hàng khác ở California, Maine, Ohio hay Virginia của Mỹ cũng có sáng kiến tương tự và được thực khách hưởng ứng nhiệt tình.

Giống nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Australia, Singapore, Anh, Pháp, Hà Lan… người Mỹ cũng không thoát khỏi “cơn hoảng loạn” mua giấy vệ sinh tích trữ trước diễn biến phức tạp của đại dịch. Các kệ bày giấy vệ sinh ở siêu thị hay chuỗi cửa hàng bán lẻ ở những quốc gia này trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát hầu như đều trống trơn do người mua vơ vét hết. Ở siêu thị Woolworths tại Sydney (Australia), cảnh sát còn phải vào bên trong phân phát giấy vệ sinh để bảo đảm an ninh cho cả người mua lẫn nhân viên siêu thị trước đám đông đang mất bình tĩnh trong cơn cuồng mua sắm tích trữ đồ mùa dịch. Nhiều người còn tỏ ra thất vọng bởi suy nghĩ “chỉ vì cuộn giấy vệ sinh mà cảnh sát cũng phải ra tay”. Khan hàng, nhiều người bất đắc dĩ phải ăn trộm giấy trong các nhà vệ sinh công cộng. Thực tế, ở một số quốc gia đã xảy ra các vụ cướp, không phải tiền, vàng mà là… giấy vệ sinh. Còn trên mạng xã hội, hashtag với cụm từ bằng tiếng Anh (dịch ra có nghĩa là “khủng hoảng giấy vệ sinh”) trở thành từ khóa được quan tâm nhiều nhất. Nhiều trang bán hàng trực tuyến cũng nhân cơ hội khách hàng không thể mua trực tiếp ở các siêu thị do cháy hàng đã đội giá sản phẩm lên gấp nhiều lần. Trên mạng xã hội thời gian gần đây còn lan truyền những video quay cảnh khách hàng đánh nhau ở siêu thị do tranh giành những bịch giấy vệ sinh cuối cùng trên giá xảy ra ở không ít nơi.

Không biết vì sao giấy vệ sinh lại được coi là biểu tượng cho cơn hoảng loạn mua sắm của đám đông trong những lần xảy ra thảm họa thiên tai hay dịch bệnh trên thế giới? Khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, người ta tìm nhiều cách để lý giải vì sao giấy vệ sinh chứ không phải là những đồ khác cần thiết hơn, như thực phẩm chẳng hạn, lại bị cháy hàng như vậy. Vì rõ ràng, giấy vệ sinh không thể giúp con người tránh khỏi bị lây nhiễm virus gây bệnh. Các loại vật dụng cần thiết như khẩu trang hay dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay… cháy hàng thì còn có thể dễ dàng lý giải.

Các chuyên gia tiêu dùng cho rằng hành vi tích trữ giấy vệ sinh bị ảnh hưởng bởi tâm lý bầy đàn và các tin tức, hình ảnh trên truyền thông. Chứng kiến cảnh mọi người mua sắm điên cuồng, những người còn lại dễ nảy sinh tâm lý "tốt hơn hết là cũng bắt chước theo họ, nếu không sẽ chẳng còn mà mua". Hình ảnh những kệ hàng trống trơn đập ngay vào mắt càng đánh mạnh vào tâm lý hoang mang, lo lắng của mọi người.

Ở Nhật Bản, nơi người dân nổi tiếng có hành vi ứng xử văn minh, văn hóa trong các thảm họa, cũng không tránh khỏi tình trạng khan giấy vệ sinh. Ở Tokyo, những tuần cao điểm, hàng vừa được bày ra buổi sáng đã hết sạch chỉ một giờ sau đó. Các tin tức về tình trạng thiếu giấy vệ sinh ở Hồng Công (Trung Quốc) và Singapore càng khiến người dân đất nước mặt trời mọc lo lắng.

Giáo sư tâm thần học của Đại học British Columbia Steven Taylor, tác giả cuốn “The Psychology of Pandemics”, tạm dịch là “Tâm lý học của các đại dịch”, viết: “Con người ta cảm thấy cần làm gì đó để khiến bản thân và gia đình an toàn, vì họ còn có thể làm gì khác ngoài việc rửa tay và tự cách ly?". Nhà kinh tế của Đại học East Anglia (Anh) Farasat Bokhari cho rằng: “Chúng ta muốn có cảm giác kiểm soát được mọi thứ và hạn chế phải chi tiêu”. Vì thế, lựa chọn sẽ là đi mua những thứ có giá rẻ để tích trữ, giấy vệ sinh là ví dụ, với suy nghĩ trước sau gì cũng sẽ dùng đến.

Trên thực tế, giấy vệ sinh được mua nhiều không phải vì nó được dùng đến nhiều hơn khi có đại dịch. Chính phủ các nước cũng khẳng định không hề thiếu nguồn cung. Việc xảy ra hỗn loạn và các hành vi xấu là khó tránh khỏi trong các đại dịch, nhưng không mấy phổ biến. Đáng mừng là các cộng đồng luôn được củng cố niềm tin trong khủng hoảng bằng các biện pháp khác nhau của chính phủ và xu hướng chung vẫn là trật tự. Trong các cộng đồng luôn có sự hỗ trợ, chia sẻ và đoàn kết lại để cùng ứng phó vượt qua khó khăn. Trong cơn đại dịch, điều này là cần thiết để không có thêm cuộc khủng hoảng nào nữa kiểu như cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh, đứng tốp đầu trong bình chọn những cuộc khủng hoảng kỳ lạ nhất thế giới.

MAI NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cuoc-khung-hoang-ky-la-612948