Cuộc khủng hoảng của thế hệ 'gà công nghiệp' đầu tiên ở Trung Quốc

Cách nuôi dạy kiểu 'luyện gà' khiến những đứa trẻ ám ảnh tâm lý. Có người đã trở thành tiến sĩ, đạt thành tích cao vẫn lo sợ rằng mình không phải người giỏi nhất.

Judy, nghiên cứu sinh tiến sĩ, là một trong những người thuộc thế hệ "gà công nghiệp" đầu tiên ở Trung Quốc. Từ nhỏ đến năm 18 tuổi, cô không có khái niệm nghỉ đông, nghỉ hè hay cuối tuần.

Năm 3 tuổi, Judy được bố mẹ đăng ký vào lớp tiếng Anh cho trẻ em, với phí 10.000 nhân dân tệ/năm. Lên 4 tuổi, cô kín lịch khi học các lớp khiêu vũ, vẽ tranh, thư pháp và đàn tranh.

"Cha mẹ tôi vốn sống tiết kiệm nhưng luôn sẵn sàng đầu tư cho việc học của con với bất cứ giá nào. Trong 10 năm, cha mẹ tôi đã chi khoảng 2,56 triệu tệ cho chuyện học của tôi. Số tiền đó ở quê nhà Trú Mã Điếm của tôi có thể mua được cả một dãy phòng", Judy kể với The Paper.

 Nhiều đứa trẻ ở Trung Quốc bị cha mẹ ép học hành căng thẳng để thành người thành công.

Nhiều đứa trẻ ở Trung Quốc bị cha mẹ ép học hành căng thẳng để thành người thành công.

Bắt đầu vào tiểu học, Judy bắt đầu cảm nhận được áp lực của thước đo điểm số trong cuộc đời mình. Lên lớp 3, mẹ cô đăng ký lớp học thêm Toán cho con gái vì cô không đạt 100 điểm bài kiểm tra.

Lên cấp 3, khi đã chọn chuyên khoa, Judy thoát khỏi cơn ác mộng mang tên "Toán - Lý - Hóa". Nhưng đây cũng là thời điểm áp lực thi đại học bắt đầu. Năm cô học lớp 12, cha mẹ cô đã đưa cô từ nhà ở Trú Mã Điếm đến Trịnh Châu bằng tàu hỏa để luyện thi gaokao tại trung tâm của một giáo viên có tiếng.

Judy là một trong những đứa trẻ thế hệ đầu được nuôi dưỡng theo phong cách "luyện gà" ở Trung Quốc. Những "cha mẹ gà" (jiwa) chăm lo cho con cái kỹ lưỡng từng chút với kỳ vọng con sẽ hoàn hảo về mọi mặt.

Thế nhưng, cách nuôi dạy này khiến nhiều đứa trẻ ám ảnh tâm lý đến tuổi trưởng thành. Họ mang tâm lý tự ti, luôn so sánh mình với người khác và bất an khi không giành được hạng nhất. Nhiều người con né tránh kết nối khi bị phụ huynh kiểm soát quá mức.

Khủng hoảng khi trưởng thành

Judy luôn cảm thấy khoảng thời gian từ lúc 3 tuổi đến năm 18 tuổi mình là một chú "gà công nghiệp". Cô nhớ có một lần bạn bè đến nhà chơi và ngồi đọc truyện tranh, mẹ cô đã khiển trách vì cô không tập trung học hành.

"Câu nói của mẹ lúc đó với tôi như một bản luận tội, nó ảnh hưởng đến cả quãng đời sau này. Đến nỗi khi tốt nghiệp một trường danh tiếng, tôi vẫn còn khủng hoảng và luôn tự so sánh mình với người khác".

Còn gần một năm sẽ tốt nghiệp khóa tiến sĩ, nhưng Judy cảm thấy không tự tin khi nghĩ đến việc đi làm. Vấn đề không nằm ở năng lực chuyên môn mà bởi cô có rào cản lớn trong lòng.

"Ở trường có điểm số để đánh giá tôi là tốt hay yếu, nhưng khi ra xã hội họ sẽ lấy gì để đo năng lực làm việc của tôi. Nếu không phải là người giỏi nhất, tôi phải làm sao?", cô bày tỏ.

Tara bị ảnh hưởng tâm lý vì được nuôi dạy theo kiểu "luyện gà".

Tara (sinh năm 1998, quê Bắc Kinh), hiện là nghiên cứu sinh thạc sĩ tại ĐH Harvard (Mỹ), nói rằng đã quen với các lớp luyện thi từ khi mới học mẫu giáo. Đến khi lên tiểu học, cấp 2 rồi cấp 3, cô không biết đến khái niệm "thời gian rảnh rỗi".

"Khi tôi đang là số một và bỗng nhiên có người vượt lên trước, mẹ tôi chắc chắn không vui", Tara giải thích lý do mẹ cô luôn muốn con học nhiều hơn nữa.

Cô nhớ rằng chi phí hàng năm cho các lớp học thêm của mình là khoảng 100.000 nhân dân tệ. Có thời gian, việc kinh doanh của cha cô thất bại và gia đình phải chuyển sang căn nhà nhỏ hơn, nhưng số lớp học thêm của cô vẫn không giảm bớt.

Tara nói rằng điểm số của cô trong lớp không hề tệ, thậm chí thường dẫn đầu nhưng bố mẹ vẫn muốn cô học gia sư. "Có lẽ không phải để cải thiện điểm số, ba mẹ cho tôi học thêm vì sợ bị những đứa trẻ khác bỏ lại phía sau".

Khoảng thời gian chạy đua để giữ vị trí đứng đầu suốt thời gian dài đã ảnh hưởng đến tâm lý của cô gái 24 tuổi. Mỗi khi đứng sau hay ngang hàng với ai đó trong lĩnh vực gì, cô đều cảm thấy bất an.

Suốt thời thơ ấu, Tara cảm thấy thiếu vắng tình thương từ bố mẹ. Bố mẹ luôn đặt ra những nhiệm vụ và yêu cầu với cô như thể họ là ông chủ, vì vậy cô có xu hướng né tránh giao tiếp với phụ huynh khi gặp vấn đề.

"Điều này cũng ảnh hưởng đến cách giao tiếp của tôi trong mối quan hệ tình cảm khi lớn lên, tôi có xu hướng tự mình làm mọi thứ. Thực tế, tôi biết mọi người cần rất nhiều sự hỗ trợ từ bên ngoài".

Dù vậy, Tara không phủ nhận bản thân được hưởng lợi khi được chăm sóc như "gà con". Cô là thành viên đầu tiên trong gia đình được vào đại học. Cô được trao nhiều cơ hội học hành và được bố mẹ tạo điều kiện tốt nhất để theo đuổi nó.

Cô từng là sinh viên ĐH Truyền thông Trung Quốc, nhưng bỏ học từ năm nhất để chuyển sang ĐH Sydney (Australia). Tara đã học xong thạc sĩ tại ĐH New South Wales (Australia) và đang theo đuổi bằng thạc sĩ thứ 2 tại trường Harvard (Mỹ).

Trong tương lai, Tara mong muốn tham gia vào ngành giáo dục để giúp những đứa trẻ phát triển toàn diện, không chỉ theo đuổi điểm số.

Đứa trẻ chạy trốn

Feng Shuqi (sinh năm 2000, Thiên Tân) tốt nghiệp trung học phổ thông ở Canada, lấy bằng đại học và thạc sĩ lần lượt tại Đại học Toronto và Trường Kinh doanh Schulich.

Nhìn lại quá trình bản thân được nuôi dạy, cô nói mình không khác gì một con gà công nghiệp từ khi còn nhỏ đến lúc vào đại học.

Khi còn nhỏ, dù bài kiểm tra được 95/100 điểm, Feng không dám cầm giấy thi về nhà. Cô sợ không được 100 điểm sẽ bị bà đánh vào lòng bàn tay.

Trước năm 15 tuổi, Feng đối mặt áp lực học hành khủng khiếp. Bà của cô là một giáo sư đại học và nghiêm khắc với mọi thành viên trong gia đình. Mẹ cô là cán bộ điều hành trong ngành tài chính, không khắt khe như bà, nhưng cũng tạo nên áp lực vô hình với con.

Feng cảm thấy mình có hai nhân cách chuyển đổi liên tục: một học sinh vui vẻ, sôi nổi khi trong trường và một đứa con im lặng, chăm chỉ trong gia đình.

Nhiều đứa trẻ né tránh giao tiếp với bố mẹ vì lo sợ không thỏa mãn kỳ vọng của phụ huynh.

Sau kỳ thi lên cấp 3, Feng đã lần đầu vượt qua giới hạn. Lúc bàn luận về điểm thi vào cấp 3, cô và mẹ đã xảy ra cãi vã. Đó là lần đầu tiên cãi lại người nhà.

Năm lớp 10, cô gái 22 tuổi nói với gia đình rằng muốn ra nước ngoài. Cô nói rằng đó là cuộc chạy trốn vì bị ép vào thế tuyệt vọng bởi cách nuôi dạy khắc nghiệt.

Sau khi ra nước ngoài du học, Feng đã trở thành một con người hoàn toàn khác trong mắt người thân và bạn bè. Cô độc lập, tự tin hơn, nhiều tình cảm, hay thể hiện mình và thích chia sẻ cảm xúc.

"Mọi người nghĩ môi trường ở nước ngoài đã thay đổi tôi, nhưng họ không biết con người tôi vốn là như vậy", Feng nói.

Là người ảnh hưởng bởi cách nuôi dạy tiêu cực nên dù học về kinh doanh, Feng vẫn duy trì mối quan tâm đến lĩnh vực giáo dục. Cô đã nhiều lần giúp học sinh các cấp, mong muốn sử dụng phương pháp giáo dục phù hợp năng khiếu từng em để khơi gợi hứng thú học hành.

Đợt dịch Covid-19 bùng phát năm 2020, Feng Shuqi trở về Trung Quốc và lần đầu tiên ở lâu cùng gia đình và giao tiếp nhiều với bố mẹ kể từ lúc trưởng thành.

Giờ đây, hai mẹ con đã học cách làm bạn, cùng xem phim, ăn uống và mua sắm online.

"Khi tôi trưởng thành, mẹ cũng học cách để phù hợp với tôi một chút. Chúng tôi đã biết tìm kiếm điểm chung nhưng vẫn giữ lại sự khác biệt, lùi lại một bước khi có mâu thuẫn", Feng bày tỏ.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-khung-hoang-cua-the-he-ga-cong-nghiep-dau-tien-o-trung-quoc-post1334791.html