Cuộc khủng hoảng cà phê toàn cầu đang đến

Biến đổi khí hậu khiến cho nông dân ngày càng khó sống với cây cà phê và điều này đang là một thách thức lớn đối với 25 triệu hộ sản xuất khắp thế giới.

Khủng hoảng dây chuyền

Theo thống kê của hãng Vox, mỗi năm có khoảng gần 500 tỷ tách cà phê được tiêu thụ, khiến loại đồ uống dễ gây nghiện này trở thành một trong những mặt hàng phổ biến nhất trên thế giới. Loại cây lâu năm này hiện được trồng tại hàng chục quốc gia và có tới 25 triệu hộ nông dân sống dựa vào cây cà phê.

 Nhân công thu hái cà phê ở thung lũng Crake thuộc vùng Vumba, Zimbabwe tháng 5/2019. Ảnh: Reuters

Nhân công thu hái cà phê ở thung lũng Crake thuộc vùng Vumba, Zimbabwe tháng 5/2019. Ảnh: Reuters

Các nhà nghiên cứu, cà phê là loại cây nổi tiếng kén chọn đất trồng và nó đòi hỏi những điều kiện rất cụ thể để sinh trưởng. Và đặc biệt là khi biến đổi khí hậu làm Trái đất ấm lên thì những nơi có thể trồng được cà phê đang dần bị thu hẹp lại. Kết quả một nghiên cứu gần đây ước tính rằng, đến năm 2050 thì diện tích đất canh tác trên thế giới có thể trồng được cà phê sẽ giảm tới 50%.

Tuy nhiên một điều đáng báo động hơn cả là trong khi nhân loại còn đang loay hoay tìm cách để cứu vãn cây cà phê, thì một cuộc khủng hoảng khác đã đến với nông dân trồng cà phê. Cụ thể là sự thoái hóa về nguồn giống và đất đai cùng với giá cả cà phê đang sụt giảm mạnh sẽ khiến cho sinh kế của người trồng cà phê ngày càng trở nên khó khăn, chưa kể tới việc đầu tư vào các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ rất tốn kém.

Hiện 80% sản lượng cà phê trên thế giới được làm ra bởi 25 triệu hộ sản xuất quy mô nhỏ và khoảng 125 triệu nhân công kiếm sống dựa vào vòng đời của loại cây có hạt này. Cà phê cũng được coi là sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới có giá trị cao nhất và được buôn bán rộng rãi khắp thế giới.

Cà phê từng nổi tiếng là một ngành kinh tế hàng hóa phát triển nhanh chóng, với sản lượng toàn cầu thay đổi theo từng năm tùy theo điều kiện thời tiết, dịch bệnh và các yếu tố khác, dẫn tới thị trường luôn không ổn định và có đặc điểm là giá biến động lớn. Chính sự biến động giá này gây ra hậu quả đáng kể cho những người phụ thuộc vào cà phê để kiếm sống, khiến cho người trồng khó dự đoán thu nhập của họ trong mùa vụ mới cũng như tính toán được nhu cầu sản xuất.

Biến đổi khí hậu đang khiến diện tích và sản lượng cà phê sụt giảm nghiêm trọng. Ảnh: Vox

Nguyên nhân là do chuỗi cung ứng cà phê rất phức tạp, khi hạt cà phê đi qua tay người trồng, thương nhân, nhà chế biến, xuất khẩu, rang xay, bán lẻ rồi cuối cùng mới đến được người tiêu dùng.

Hầu hết nông dân đều không biết được cà phê của họ đi đến đâu hoặc được bán với giá bao nhiêu do phần lớn sản phẩm làm ra được bán thô với giá thấp hơn nhiều so với cà phê nhân đã được chế biến sẵn do nông dân không có lựa chọn hoặc ít có khả năng thành lập hợp tác xã, mua sắm thiết bị chế biến và tổ chức xuất khẩu hay thuê nhà thầu thực hiện các dịch vụ này .

Thách thức khí hậu

Báo cáo mới nhất của các nhà nghiên cứu cho biết, số giờ đủ ánh sáng mặt trời hiện nay đã giảm tới 19% kể từ giữa thế kỷ trước do các đám mây ngày càng bao phủ và không còn đủ năng lượng để cây cà phê quang hợp duy trì sản lượng ở mức cao.

Nông dân Brazil thu hoạch cà phê ở bang Minas Gerais. Ảnh: AFP

Mặt khác, ở một số quốc gia trồng nhiều cà phê đang chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan như lượng mưa phổ biến hơn, cũng như sự lây lan của các loại bệnh dịch do côn trùng và nấm phát sinh một phần do thời tiết nói chung ấm và ẩm ướt hơn.

Trong khi đó, cây cà phê vốn rất nhạy cảm với những thay đổi nhỏ của thời tiết cho nên quá nhiều nắng hoặc quá ít, quá nhiều mưa hoặc quá ít đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ ra hoa và chín của quả cà phê cũng như chất lượng hạt. Nhiệt độ cũng đóng vai trò quan trọng không kém do loại cây này thường phát triển tốt nhất vào những ngày ấm áp như mùa xuân và những đêm mát mẻ.

Bà Neuschwander nói: “Bất kỳ cú sốc tiêu cực nào như bùng phát dịch bệnh, hạn hán, giá cả thấp cũng sẽ ảnh hưởng bất tương xứng đến những nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Vì vậy trong vòng 50 năm tới, sẽ chỉ những nhà sản xuất hiệu quả nhất mới có thể tiếp tục cuộc chơi”.

Ngoài ra có một lý do quan trọng là loại cây trồng này chỉ ưa phát triển tốt trong một dải độ cao hẹp ở vùng nhiệt đới có điều kiện thích hợp, tuy nhiên khi hiện tượng ấm lên toàn cầu ngày một hiện hữu thì địa hình tối ưu cũng đang dần dần thay đổi lên cao hơn.

Chuyên gia nghiên cứu cây cà phê Colombia, Mauricio Galindo cho biết, vài năm qua nhiều nông dân trồng cà phê ở độ cao thấp đã phải chặt bỏ những cây kém hiệu quả chuyển thành đồng cỏ chăn nuôi gia súc hoặc chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị cao hơn như bơ và lá coca.

Theo bà Hanna Neuschwander, giám đốc truyền thông của mạng lưới World Coffee Research, thương mại cà phê toàn cầu hàng năm có trị giá hơn 100 tỷ USD, nhưng hiện số lượng các nghiên cứu về cà phê trên toàn thế giới “rất nhỏ so với các loại cây trồng khác”.

Theo đó, điều cần kíp nhất hiện nay là cần những nghiên cứu khoa học tốt hơn được tiến hành ở ngay từ cấp địa phương để tìm sự thích ứng mới cho cà phê trong điều kiện biến đổi khí hậu tại từng quốc gia.

Kim Long

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/cuoc-khung-hoang-ca-phe-toan-cau-dang-den-d273026.html