Cuộc họp 3 bên Nga-Trung-Ấn bàn vấn đề gì?

Truyền thông quốc tế đưa tin về một cuộc họp trực tuyến ba bên giữa Nga - Trung và Ấn dự kiến sẽ diễn ra vào thứ ba (ngày 23/6).

Một số nguồn tin nói rằng, cuộc họp thể hiện sự nỗ lực của Nga - một đối tác thân thiết của cả Ấn Độ và Trung Quốc trong vai trò hậu trường nhằm làm dịu căng thẳng quân sự tại biên giới hai nước này.

Đụng đổ xảy ra sau khi binh sĩ Ấn Độ được cho là tìm cách ngăn Trung Quốc thay đổi hiện trạng ở khu vực tranh chấp. Hai bên đều đã huy động hàng loạt xe cơ giới, khí tài đến đây trước đụng độ. (Ảnh minh họa: ANI)

Đụng đổ xảy ra sau khi binh sĩ Ấn Độ được cho là tìm cách ngăn Trung Quốc thay đổi hiện trạng ở khu vực tranh chấp. Hai bên đều đã huy động hàng loạt xe cơ giới, khí tài đến đây trước đụng độ. (Ảnh minh họa: ANI)

Cuộc họp dự kiến có sự tham gia của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người đóng vai trò chủ trì với Ngoại trưởng Ấn Độ Subramanyam Jaishankar và Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Các động thái ngoại giao của Nga bắt đầu hôm 17/6, khi Thứ trưởng Ngoại giao Igor Morgulov có cuộc thảo luận với đại sứ Ấn Độ tại Nga Bala Venkatesh Varma về tình hình an ninh khu vực.

Nhiều thông tin cho biết, Moscow muốn "đặt cược" vào một nghị quyết giúp hạ nhiệt tình hình hiện tại giữa hai quốc gia có chung lãnh thổ trên dãy Himalaya này.

Giới ngoại giao Nga nhìn nhận, động lực để Nga giúp cải thiện quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc là bởi “mối quan hệ giữa 2 cường quốc châu Á này là trung tâm của sự trỗi dậy của khu vực Á – Âu; cũng như sự nổi lên của trật tự thế giới đa cực, nơi không quốc gia nào có thể thống trị”.

Nga cũng muốn đề cao vai trò trung tâm của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) mà Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Nga cùng hầu hết các nước Trung Á là thành viên; coi đây là nền tảng cho hệ thống toàn cầu “hậu phương Tây”. Nga cũng lo ngại, căng thẳng kéo dài giữa Ấn Độ và Trung Quốc không chỉ có tác dụng tiêu cực với SCO mà còn cả với nhóm các cường quốc mới nổi BRICS mà 3 nước này cùng tham gia.

Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia nhận định, trọng tâm cuộc gặp ba bên sắp tới sẽ là dịch bệnh Covid-19, thay vì những tranh chấp gần đây tại biên giới Trung Quốc-Ấn Độ. Dĩ nhiên, Nga vẫn sẽ coi cuộc họp là cơ hội để quốc gia này đóng vai trò gìn giữ hòa bình trong khu vực.

Liên quan tới diễn biến của vụ việc, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố quân đội Ấn Độ đã được trao quyền có thể tự do phản ứng trước bất cứ hành động bạo lực mới nào xảy ra tại khu vực biên giới với Trung Quốc.

Ông Modi nói "toàn đất nước cảm thấy tổn thương và giận dữ trước những hành động của Trung Quốc". Thủ tướng Ấn Độ bác bỏ chuyện có bất cứ sự hiện diện nào của quân đội Trung Quốc "bên trong lãnh thổ của chúng ta" và khẳng định "việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là điều tối thượng" với chính phủ của ông.

"Các lực lượng vũ trang đã được trao toàn quyền thực hiện tất cả những hành động cần thiết", ông Modi nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava khẳng định thêm, tuyên bố của Trung Quốc về Thung lũng Galwan không phù hợp với lập trường của chính Bắc Kinh trong quá khứ, nhấn mạnh rằng ý định xâm phạm của phía Trung Quốc luôn được binh sĩ Ấn Độ đáp trả tương xứng.

Ông Srivastava nêu rõ: "Lập trường liên quan tới khu vực Thung lũng Galwan luôn rõ ràng theo lịch sử. Ý định của phía Trung Quốc tới nay khi gia tăng những tuyên bố cường điệu và vô căn cứ liên quan tới Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) là không thể chấp nhận được. Chúng không phù hợp với lập trường của chính Trung Quốc trong quá khứ".

Thung lũng Galwan là khu vực xảy ra vụ đụng độ bạo lực giữa quân đội hai nước vào tối 15/6, trong đó một đại tá và 19 binh sĩ lục quân Ấn Độ thiệt mạng. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vẫn không đề cập tới con số thương vong trong vụ đụng độ này.

Người phát ngôn Srivastava cho hay phía Trung Quốc có ý định xâm phạm LAC ở những khu vực khác ở khu phía Tây biên giới Ấn-Trung kể từ giữa tháng 5. Theo ông, Ấn Độ trông đợi Trung Quốc sẽ tuân thủ thỏa thuận mà ngoại trưởng hai nước mới đạt được nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định tại khu vực biên giới.

Thái An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/su-kien/cuoc-hop-3-ben-nga-trung-an-ban-van-de-gi-3409153/