Cuộc 'hồi sinh' của người phụ nữ bị chồng ôm mìn cùng tự sát

Người phụ nữ từng được mệnh danh 'hoa khôi' ở vùng mỏ Cẩm Phả (Quảng Ninh), sau gần 4 năm mang trên mình thương tật do người chồng để lại, chị đã vượt qua bao thống khổ để bước tiếp.

Một cánh tay đã mất, gương mặt chằng chịt vết khâu, cánh tay còn lại bị cháy xém, mỗi khi trở trời vết thương trên người, trên đầu đau nhức, nhưng nghị lực đã giúp chị vượt qua thống khổ để kiên cường nuôi con trưởng thành.

Vụ nổ chấn động phố mỏ

Tới vùng mỏ Quang Hanh, TP Cẩm Phả, hỏi về vụ án “ôm vợ nổ mìn”, người dân vẫn chưa thể nào quên hình ảnh kinh hoàng xảy ra cách đây 4 năm. Người chồng bị nổ tan xác, người vợ bay xa nơi hiện trường, trên người quần áo không còn, gương mặt, cơ thể nhuốm máu, một cánh tay bị mất.

Người chồng trong vụ án là Nguyễn Văn Xuân (SN 1972) và vợ là Trần Thị Mai (40 tuổi), quê ở huyện Phù Cừ (Hưng Yên) ra vùng mỏ Quang Hanh làm ăn và sinh sống. Vụ án xảy ra vào chiều cuối năm (31-12-2014), trước cửa một ngôi nhà thuộc ngõ 35, tổ 3, khu 4, phường Quang Hanh.

Một số nhân chứng cho biết, trước khi án mạng xảy ra, ngày 30-12-2014, chị Mai về quê ở Hưng Yên ăn cưới. Xuân cũng theo về cùng. Những tưởng chồng đổi tính nhưng không ngờ, ngay tại đám cưới, Xuân to tiếng rồi đánh đuổi vợ, nhưng được mọi người can ngăn.

Chị Mai ở lại nhà mẹ đẻ một đêm, sáng hôm sau bắt xe về Quang Hanh. Vừa về đến cổng nhà người em họ, chị thấy Xuân từ đâu xông tới, kéo tay vợ. Trong lúc hai vợ chồng giằng co, Xuân rút chốt mìn đã cài sẵn trong người. Quả mìn phát nổ, khi em họ và hàng xóm chạy tới thì họ được chứng kiến một hiện trường kinh hoàng.

Chị Mai đang bán hàng cho khách.

Vượt lên nỗi thống khổ

Trong cơn mưa tầm tã của cơn bão đổ bộ vào Quảng Ninh, chúng tôi tới quán nước ven đường nằm ở lối vào Công ty Than Khe Sim, cây số 10, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả để gặp người phụ nữ từng bị chồng ôm mìn cùng tự sát.

May mắn trong vụ nổ đó chị Mai đã sống sót, nhưng thương tật chị phải mang theo thì vĩnh viễn không thể chữa lành. Đó là nỗi đau dai dẳng, gặm nhấm cơ thể chị mỗi khi trái gió trở trời. Chị rơi nước mắt kể rằng, điều làm chị đau đớn nhất là anh ấy để lại cho chị nỗi đau bệnh tật. Mỗi khi bệnh tái phát, chị lại nghĩ tới hành động ác độc của chồng. Bởi chị còn phải lao động, phải kiếm sống, phải nuôi con.

Có người nói rằng do chị quá xinh đẹp nên chồng hay ghen. Chị cười mà như mếu: “Tôi cũng không xinh đẹp đến mức như mọi người nói. Chúng tôi mâu thuẫn lâu rồi, đã nhiều lần có ý định ly hôn. Nguyên nhân là do anh ấy rượu chè, bài bạc, đánh đập tôi chứ không phải do ghen. Nếu như sớm ly hôn thì chúng tôi không có hậu quả như vậy”.

Vợ chồng chị Mai kết hôn năm 1994, sáu năm sau họ từ quê ra vùng mỏ Mông Dương (TP Cẩm Phả) làm thuê. Như bao đôi vợ chồng trẻ khác, chị đi lượm ve chai, buôn bán đồng nát, còn anh Xuân thì xin vào làm công nhân mỏ. Nhưng một thời gian ngắn sau họ mâu thuẫn. Mỗi lần cãi vã, anh Xuân lại đánh vợ.

Ba năm sau họ chuyển vào Nam tìm vùng đất mới để làm ăn. Nhưng ở được một năm thì lại quay về quê. Cứ thế, chuyển đi chuyển lại tới 5 lần thì họ mới ổn định tại vùng mỏ. Nhưng những năm tháng đó, anh Xuân sa đà vào nghiện rượu, cờ bạc, nợ nần, cuộc sống hai vợ chồng thường xuyên phát sinh mâu thuẫn, họ đánh cãi nhau như cơm bữa.

“Tôi định ly hôn từ đầu năm 2000 nhưng mọi người khuyên nên đành gắng gượng sống vì con”- chị Mai kể. Anh Xuân thường về nhà nồng nặc mùi rượu, thua cờ bạc là chửi bới, gây sự với vợ con.

Chị Mai không nhớ hết những trận đòn vô cớ của chồng, đã nhiều lần làm đơn ly hôn nhưng cuối cùng vẫn chưa bỏ được. Nửa tháng trước ngày xảy ra án mạng, anh Xuân lại đánh vợ và đòi chia nhà. Chị để lại nhà cho chồng ở, còn mình chuyển ra ở nhờ nhà em họ và một tuần sau thì xảy ra án mạng.

Căn nhà nơi hai vợ chồng chị Mai sinh sống trước ngày xảy ra án mạng.

Lúc mìn nổ, chị không biết gì. Tỉnh lại đã 4 ngày trôi qua. Thấy mình nằm trong bệnh viện, phải thở ôxi, không có cảm giác đau đớn.

Mãi sau chị mới biết, cánh tay trái của mình đã bị mất, một nửa gương mặt bị dập nát, còn phải trải qua nhiều lần phẫu thuật. Gia đình nhà chồng đến thăm nói rằng đã lo đám tang cho anh Xuân chu tất, lúc này chị mới biết là chồng đã chết.

Nhớ lại những ngày đầu cơ cực khi biết mình trở thành tàn phế, trái tim chị co thắt. Đó là những ngày tháng bĩ cực nhất trong cuộc đời người phụ nữ chịu thương chịu khó ấy. Nằm viện đến ngày thứ 4 thì phải xin rút ôxi về vì không còn tiền. Khi có thể đi đứng được thì chị lại đối mặt với cái đói, cái nghèo, với tiền ăn học của con.

Ngày trước, ngoài thu gom đồng nát, chị còn thu dọn cơm cho học sinh, dọn vệ sinh, tối về còn thêu tranh bán. Nhưng bây giờ chỉ còn một cánh tay, nát một bên mặt, trên đùi, cổ, bụng chằng chịt mảnh đá vụn do mìn nổ găm vào đau đớn thì biết làm gì mà nuôi con. “Lúc đó tôi chỉ khóc, oán trách chồng sao ác vậy, tôi tàn tật thế này thì ai nuôi con” – chị nghẹn ngào.

Hai tháng sau vụ nổ, chị vay tiền đi buôn trứng. Khó khăn, ngượng ngập khi chở xe đạp phía sau là 2 sọt trứng đầy. Vấp ngã, trứng vỡ. Hàng xóm thương tình mua trứng vỡ cho chị. Nhà nằm trên đồi, mỗi lần đẩy xe trứng lên dốc là mỗi lần thử thách sự chịu đựng của chị.

Trong lúc khốn quẫn đó thì Quảng Ninh xảy ra trận lụt lịch sử. Cả nhà chạy lụt, tài sản bị ngâm trong nước hỏng hết. “Giai đoạn đó sao mà khổ thế. Đau ốm, không biết làm gì mà sống cứ đeo bám, bủa vây. Nghĩ tới tương lai chỉ thấy mờ mịt” - chị kể.

Chị đi bán trứng, trên đường có giấy vụn, chai lọ vứt đi chị nhặt về bán. Thấy chị như vậy, nhiều gia đình cảm động đã thu gom đồ bỏ đi trong nhà cho chị. Thế là hai sọt trứng phía sau lại buộc thêm chai lọ đồng nát, người ta thấy thế đều vui vẻ mua trứng cho chị. Tấm lòng trân quý của mọi người đã cứu mẹ con chị thoát dần khỏi bĩ cực.

Còn một tay nhưng chị Mai vẫn làm mọi việc.

Tìm lại chính mình

Đã 2 năm nay chị Mai không còn phải một tay đẩy xe trứng đi bán rong nữa. Chị mở một quán nước nhỏ nằm bên đường vào Công ty Than Khe Sim. Chị cảm động cho biết, quán nước này cũng là nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện cho hoàn cảnh của mẹ con chị. Quán nước của chị khá đắt hàng, ngoài khách vãng lai thì đa số là những người chòm xóm, công nhân viên, những người biết đến hoàn cảnh của chị.

Di chứng của vụ nổ ập lên thân thể người phụ nữ này quả là khủng khiếp. Sức ép của mìn làm chị đứt vành tai, rách màng nhĩ tai trái. Chị luôn phải chịu những cơn đau đầu khủng khiếp.

“Năm thứ 3 đau nhức quá tôi phải đi mổ. Mổ xong vẫn đau tê dại hết tai và lan xuống gáy cổ. Vá màng nhĩ rồi nhưng tai không nghe được nữa”- chị buồn bã kể lại. Vùng cổ của chị không những bị cháy còn găm đầy đất đá do mìn nổ bắn vào. Chị phải trải qua 5 lần phẫu thuật cổ họng. Bụng và đùi cũng luôn đau nhức khi còn nhiều đất đá găm vào chưa lấy ra được hết.

Dù bệnh tật như vậy nhưng người phụ nữ này vẫn vượt qua hết thảy khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Chị đã trả hết nợ từ ngày mua nhà lúc chồng còn sống, nuôi con ăn học trưởng thành. Ngoài hưởng hơn 500 nghìn tiền trợ cấp người tàn tật mỗi tháng, mẹ con chị sống nhờ vào quán nước ven đường.

Hằng ngày chị dậy từ 5h sáng mở quán đến nửa đêm mới về. Mọi công việc nặng nhọc đều dồn vào một cánh tay còn lại. Chị cạo mía thoăn thoắt, ép nước cho khách. Để giúp chị thuận tiện bán hàng, một cơ sở sản xuất bánh bao nóng đã tài trợ cho chị lò ủ ngay tại quán.

Tiền kiếm được ngoài trang trải, nuôi con, còn lại chị để dành chữa bệnh vì hàng tháng đều đặn phải tới viện hai lần. “Rất may ông trời thương, tôi được mọi người yêu quý giúp đỡ nên quán đắt hàng”- chị Mai vui vẻ cho biết. Chị đã trở về từ cõi chết, đã vươn lên bằng chính sức lao động của mình.

Trần Hằng

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/hon-nhan-va-nhung-tieng-keu/cuoc-hoi-sinh-cua-nguoi-phu-nu-bi-chong-om-min-cung-tu-sat-512295/