Cuộc hội ngộ thú vị giữa tranh lụa Mai Long và Trương Văn Ý

Họa sỹ Trương Văn Ý là một tác giả vẽ tranh lụa nổi tiếng của TP.HCM. Lối vẽ của ông bình dị, chất phác nhưng lan tỏa nhiều cung bậc cảm xúc ấm áp ngọt ngào, đặc trưng của đồng bằng Nam Bộ. Lần đầu tiên công chúng yêu mỹ thuật Thủ đô sẽ có cơ hội thưởng lãm tác phẩm tranh lụa của Trương Văn Ý tại Tuần lễ trưng bày 'Tranh lụa hội ngộ Bắc – Nam' của nhà đấu giá Chọn.

Bức tranh “Trường xưa” của họa sỹ Trương Văn Ý sẽ góp mặt tại Tuần lễ trưng bày và tham gia phiên đấu giá do nhà đấu giá Chọn tổ chức. Bức tranh miêu tả lớp học của cụ đồ xưa được thể hiện bằng chất liệu màu nước trên lụa. Màu sắc của tác phẩm được đánh giá có sự tương đồng với các bức tranh dân gian Đông Hồ và mang nhiều nét ngộ nghĩnh, đáng yêu. Ông đồ ngồi giữa, các học trò ngồi xung quanh. Các trò đều cúi rạp người tập viết và lắng nghe lời thầy dạy. Ở góc khác, bức tranh còn miêu tả cảnh học trò hư bị phạt đánh nhưng không bạo lực. Toàn bộ bức tranh toát lên tinh thần tôn sư trọng đạo, hiếu học của người Việt.

Thông tin từ nhà đấu giá Chọn cho biết, tác phẩm “Trường xưa” có giá khởi điểm là 3.000 USD. Cùng với các bức tranh lụa của Trương Văn Ý, ở tuần trưng bày lần này còn có các bức tranh lụa của họa sỹ Mai Long. Đây quả là cuộc tao phùng thú vị về thể loại tranh lụa để đông đảo khán giả yêu nghệ thuật có dịp thưởng thức.

Họa sĩ Trương Văn Ý sinh năm 1935 tại Chợ Lớn - Sài Gòn. Ông tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn khóa (1956-1959), tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước và đạt nhiều giải thưởng cao quý. Trước năm 1975 ông từng làm Giám đốc Trường Quốc gia Trang trí Mỹ thuật Gia Định, nay là Trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Ông là người thầy của những người thầy khi tham gia đào tạo nhiều thế hệ họa sỹ phía Nam.

Bức tranh lụa "Trường xưa" của họa sỹ Trương Văn Ý

Bức tranh lụa "Trường xưa" của họa sỹ Trương Văn Ý

Với những ai yêu hội họa ở giai đoạn thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước đều không thể quên các tác phẩm tranh lụa của họa sỹ Trương Văn Ý. Đó là các bức tranh mang đậm hình ảnh làng quê. Trong khi các họa sĩ đồng nghiệp ở Mỹ thuật Gia định còn đang lúng túng trong xử lý kỹ thuật vẽ tranh lụa trên lớp vóc mềm khổ nhỏ, ít bắt màu, đường nét mỏng, bố cục tranh khó thể hiện theo ý đồ, thì Trương Văn Ý đã chinh phục lối vẽ trên tranh lụa có bồi biểu phẳng phiu, với từng nét bút phóng túng nhẹ nhàng, hòa sắc đậm nhạt với ảnh hưởng của lối vẽ thủy mặc phương Đông.

Ông Trương Nhuận, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, một nhà sưu tập tranh lý giải, sở dĩ có được những thành công trên tranh lụa như vậy, Trương Văn Ý đã có những trải nghiệm cực kỳ lý thú từ việc giảng dạy bộ môn In ấn thạch bản tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định. Nhờ pha trộn màu, dầu, nước để in các độc bản trên lụa hay giấy ở giai đoạn này, họa sỹ đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm trừu tượng tham dự Triển lãm quốc tế về hội họa tổ chức tại Sài gòn năm 1962. Thành công ấy đã thôi thúc chàng họa sĩ trẻ Trương Văn Ý ấp ủ thêm những khát vọng, tìm tòi sáng tạo thể hiện phong cách riêng trên chất liệu lụa để vươn tới những đỉnh cao về nghệ thuật.

Cũng giống với các họa sỹ vẽ tranh lụa nổi tiếng của miền Bắc, Trương Văn Ý chuyên tâm cho mảng đề tài thiếu nữ và khung cảnh làng quê yên bình, đậm hồn Việt. Ở cả 2 mảng đề tài này, ông đã tạo nên không ít các tác phẩm đẹp mắt.

Họa sỹ Trương Văn Ý

Bên cạnh những bức tranh lụa vẽ thiếu nữ hay làng quê, Trương Văn Ý còn tập trung tái hiện lại những cảnh ông đồ dạy chữ hơi hóm hỉnh, cảnh vinh quy báo tổ ... và bức “Trường xưa” là một tác phẩm như thế khi có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật bút pháp phương Tây và chất lãng mạn, bay bổng theo dòng cảm xúc của một họa sỹ Á Đông.

60 năm gắn bó với tranh lụa, họa sỹ Trương Văn Ý đã giành được nhiều giải thưởng lớn ở trong nước và quốc tế và đó là sự ghi nhận cho những tìm tòi sáng tạo của người họa sỹ cả đời gắn bó với hội họa. Trong vai trò Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, ông đã có đóng góp đáng kể trong việc đào tạo và truyền dạy các thế hệ họa sỹ trẻ về kỹ thuật bồi biểu giấy hay lụa, phục vụ việc lưu giữ lâu dài các tác phẩm.

Tuần lễ trưng bày “Tranh lụa hội ngộ Bắc-Nam” diễn ra từ ngày 2 đến ngày 9-8 tại Nhà đấu giá Chọn, 63 Hàm Long, Hà Nội

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/cuoc-hoi-ngo-thu-vi-giua-tranh-lua-mai-long-va-truong-van-y/819394.antd