Cuộc 'hội ngộ' kỳ lạ của hai phần ngẫu tượng Linga - Yoni bằng thạch anh

Cuối năm 2022, trong lúc tổng kiểm kê hiện vật, các cán bộ của Bảo tàng Lâm Đồng phát hiện một phần của ngẫu tượng Linga – Yoni được khai quật năm 1996 và phần vừa được phát hiện vào năm 2021 có nhiều điểm tương đồng nên đã tiến hành lắp ghép. Hóa ra, hai phần sinh thực khí bằng chất liệu thạch anh trong suốt này chính là một thực thể hoàn chỉnh nhưng được phát hiện cách nhau tới 25 năm.

Thánh địa Cát Tiên

Từ lâu, người dân hai bên bờ sông Đồng Nai, thuộc vùng đất Cát Tiên (Lâm Đồng) vẫn thường nhặt được những di vật cổ như tượng đá, bộ sinh khí linga - yoni, đồ gốm, kim khí… Cư dân nơi đây dần nhận ra, trong lòng đất nơi họ sinh sống có điều gì đó rất huyền bí và họ bắt đầu mường tượng về một bộ tộc trong quá khứ rất xưa. Dù vậy, với kiến thức hạn hẹp của mình, không một ai hay rằng, họ đang sinh sống trên một thánh địa cổ đã hình thành từ cách đây hàng chục thế kỷ. Mãi tới năm 1985, tình cờ trong chuyến đi điền dã điều tra về dân tộc học của hai cán bộ công tác tại Bảo tàng Lâm Đồng, khu di chỉ mới chính thức được phát hiện. Điều này đã thôi thúc các nhà khoa học vào cuộc. Liên tiếp sau đó, với những phát hiện cực kỳ bất ngờ, các nhà khảo cổ đã đủ căn cứ, đặt cho vùng đất trên là “Thánh địa Cát Tiên”. Từ đó, miền đất này mới có tên gọi về mặt học thuật và xuất hiện trên bản đồ khảo cổ học Việt Nam.

Phần ngẫu tượng Linga - Yoni được phát hiện năm 2021.

Phần ngẫu tượng Linga - Yoni được phát hiện năm 2021.

Sau nhiều đợt khai quật kéo dài từ năm 1994 đến nay, những bí ẩn sâu thẳm trong lòng đất chôn giấu qua hàng chục thế kỷ mới dần hé lộ. Ban đầu, các nhà khoa học xác định đây là một đô thị tôn giáo cổ mang ý nghĩa một thánh địa Bà la môn giáo và Hindu, được kiến tạo trong giai đoạn từ thế kỷ VII đến thế kỷ XI. Tuy nhiên, trong 4 đợt khai quật tiếp theo kéo dài từ 2001 đến 2006, khi nghiên cứu những kiến trúc ở Thánh địa Cát Tiên, các nhà khoa học lại nhận thấy những đền tháp có kết cấu hoành tráng nhưng giản dị, không cầu kỳ phức tạp như kiến trúc Chămpa.

Về tổng thể nó vẫn chưa hoàn thiện, không đồng trục, có kiến trúc trong quần thể phải nối thêm độ dài và độ dài của tường khá mỏng. Sự hạn chế nhất định trong những kỹ thuật xây dựng nói trên đã đem đến cho các nhà khoa học một thông tin mới: sự xuất hiện của Thánh địa Cát Tiên có thể sớm hơn, khoảng từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII. Hiện vẫn chưa đủ cơ sở để xác định chủ nhân thực sự của Thánh địa Cát Tiên.

Hai phần ngẫu tượng Linga - Yoni được tìm thấy cách nhau 25 năm.

Đến nay, đã có khoảng 1.140 hiện vật các loại được phát hiện với nhiều chất liệu khác nhau như kim loại vàng (các mảnh phù điêu, nhẫn, linga nhỏ), thiếc và bạc (bình, vò), đồng (gương, đĩa, chân đèn…), sắt (giáo, dao, đinh), đá màu, đá quý và đá bán quý (các tượng thờ Ganesa, linga, linga - yoni, mi cửa, cột tiện tròn, bậc thềm, thanh ốp, rìu, mảnh khắc chữ Phạn), đồ gốm… Trong những lần khai quật gần đây ở Thánh địa Cát Tiên, các nhà khảo cổ liên tục phát hiện những di vật có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, góp phần dần làm sáng tỏ những giả thuyết còn nhiều tranh cãi về di chỉ này.

Trong đợt khai quật năm 2021, đoàn khảo cổ của Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ đã tiến hành khai quật tại Gò IV với diện tích 1.922m2, Gò V là 891m2, Gò II là 1.157m2 và Gò I là 785m2. Tại khu vực Gò IV, ở hố khai quật H1, đoàn khảo cổ đã phát hiện được một số hiện vật, đặc biệt là tượng bò thần Nandin (trọng lượng 9 kg, dài 34cm, ngang 11,5cm, cao 16cm) chất liệu đá. Ngoài ra, khối đá hình trụ và khối đá hình bầu dục có dạng giống Linga (đường kính 10,5cm, cao 13,5cm) và một số mảnh vàng dát mỏng nằm lẫn trong đất cũng đã được phát hiện tại điểm khai quật này.

Tại khu vực Gò V, qua khai quật đã phát lộ lại toàn bộ kiến trúc, đồng thời làm rõ một số kết cấu kiến trúc phụ, như hệ thống tường bao, sàn gạch và đường dẫn. Tại đây, đoàn khảo cổ cũng tìm thấy một số mảnh vàng nhỏ lẫn trong đất. Tại khu vực Gò II, trong quá trình khai quật đã xuất lộ bờ tường bao bên ngoài ở các mặt Nam, Tây và Bắc cùng với tường bao bó chân tháp 2A và 2B. Tại khu vực Gò I, qua khai quật cũng xuất lộ tường bao ngoài phía Đông, Nam và Bắc cùng với 2 kiến trúc phụ dạng nhà dài và đai bó nền kiến trúc chính cùng hệ thống sàn gạch.

Hai phần ngẫu tượng được tái hợp thành bộ Linga - Yoni hoàn chỉnh.

Tái hợp hai phần Linga - Yoni sau 26 năm

Trong hàng ngàn di vật đã được các nhà khảo cổ học tìm thấy ở Thánh địa Cát Tiên, sinh thực khí người đàn ông (Linga) mang biểu trưng cho quyền lực tối thượng, sinh thực khí người phụ nữ (Yoni) lại biểu tượng cho sự sáng tạo, sinh sôi nảy nở là những di vật chiếm tỉ lệ cao. Điều này cho thấy, trong quá khứ, Thánh địa Cát Tiên chịu sự ảnh hưởng rõ nét của Ấn Độ giáo. Cư dân theo Ấn Độ giáo thờ Linga - Yoni chính là để mong cầu mùa màng tươi tốt, vạn vật phát triển, gần giống như tín ngưỡng phồn thực của những cư dân nông nghiệp xưa.

Liên quan đến sinh thực khí Linga - Yoni ở Thánh địa Cát Tiên, mới đây, trong lúc tổng kiểm kê hiện vật cuối năm 2022, các cán bộ của Bảo tàng Lâm Đồng đã phát hiện một điều khá thú vị. Sự việc bắt đầu từ năm 1996, trong lúc khai quật tại gò 2A của Di chỉ Cát Tiên, các nhà khảo cổ đã phát hiện và thu thập được một phần nhỏ của ngẫu tượng Linga - Yoni. Mẫu vật này được làm bằng chất liệu thạch anh trong suốt, đường nét chế tác cực kỳ tinh xảo. Đây là ngẫu tượng Linga - Yoni duy nhất có chất liệu từ thạch anh trong suốt ở Thánh địa Cát Tiên được tìm thấy cho tới thời điểm này. Trước đó, loại ngẫu tượng trên được phát hiện đều làm từ đá hoặc đồng.

Thời điểm đó, nhận định đây là một hiện vật rất có giá trị, các nhà khoa học đã mở rộng quy mô tìm kiếm nhưng không đem lại kết quả khả quan. Phần còn lại của ngẫu tượng Linga - Yoni bằng thạch anh vẫn còn là một bí ẩn chôn sâu dưới lòng đất. Trước tình trạng “mò kim đáy bể”, các nhà khảo cổ không đặt nhiều hi vọng vào việc tìm thấy phần còn lại của bộ ngẫu tượng Linga - Yoni có giá trị cao trên. Sau đó, phần sinh thực khí Linga - Yoni này đã được các nhà khảo cổ đem về lưu giữ tại Bảo tàng Lâm Đồng.

Thánh địa Cát Tiên đang tiếp tục được khai quật, nghiên cứu.

25 năm sau (năm 2021), Thánh địa Cát Tiên tiếp tục được khai quật. Các nhà khảo cổ đã tiến hành mở rộng khai quật và nghiên cứu lần IX tại gò 2A. Thật bất ngờ, trong lần khai quật này, giới khoa học đã tìm thấy phần hiện vật còn thiếu của ngẫu tượng Linga - Yoni đã phát hiện từ năm 1996. Tuy nhiên, theo Bảo tàng Lâm Đồng, vì thời điểm tìm thấy phần còn lại của ngẫu tượng Linga - Yoni quá xa so với thời điểm phát hiện phần hiện vật trước đó nên chẳng ai còn nhớ tới việc có một phần ngẫu tượng Linga - Yoni đang được cất giữ tại Bảo tàng Lâm Đồng. Phần còn lại của bộ sinh thực khí Linga - Yoni vừa được tìm thấy cũng đã được các nhà khảo cổ bàn giao cho Bảo tàng Lâm Đồng lưu giữ.

Thế rồi, trong lúc tổng kiểm kê cuối năm 2022, các cán bộ của Bảo tàng Lâm Đồng nhận thấy phần ngẫu tượng Linga - Yoni mà các nhà khảo cổ mới phát hiện năm 2021 và phần ngẫu tượng Linga - Yoni được phát hiện năm 1996 có những điểm tương đồng về kích thước và chất liệu nên thử ghép chúng với nhau. Thì ra, 2 phần hiện vật bằng chất liệu thạch anh ấy chính là 2 phần của bộ ngẫu tượng Linga - Yoni. Vậy là sau 26 năm, kể từ ngày phát hiện một phần của bộ ngẫu tượng Linga - Yoni, 2 phần của bộ ngẫu tượng này đã tìm thấy nhau để trở thành một bộ ngẫu tượng Linga - Yoni hoàn chỉnh đến hoàn hảo.

Tượng bò thần Nandin được phát hiện tại Thánh địa Cát tiên năm 2021.

Theo kết quả đo đạc của Bảo tàng Lâm Đồng, ngẫu tượng Linga - Yoni bằng chất liệu thạch anh cao 3,5cm, rộng (tính cả vòi Yoni) 4,5cm, bệ Yoni dày 2cm. Ngẫu tượng Linga - Yoni được chế tác bằng chất liệu thạch anh nguyên khối, trong suốt, độ thấu quang rất cao. Bệ Yoni có hình chóp cụt 4 cạnh. Ngoài ra, Yoni còn có vòi và rãnh. Xung quanh bệ Yoni được mài nhẵn bóng, bề mặt có độ sần đều đặn. Linga có hình trụ tròn, nhô lên ở giữa Yoni và được đánh bóng rất tinh xảo.

Về tổng thể, bộ sinh thực khí Linga - Yoni bằng thạch anh này tương đối nhỏ. Là một loại ngẫu tượng được dùng trong thờ cúng, tín ngưỡng và sùng bái, khả năng bị vỡ thành hai mảnh, văng ra hai vị trí xa nhau, hẳn phải do tác động rất mạnh từ ngoại lực. Cùng với nhiều di vật, tài liệu thu thập được trong quá trình khai quật, giới nghiên cứu đặt ra giả thiết: khi tới thời suy yếu, chủ nhân của Thánh địa Cát Tiên đã bị đập phá, hủy hoại tất cả.

Khắc Lịch

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/cuoc-hoi-ngo-ky-la-cua-hai-phan-ngau-tuong-linga-yoni-bang-thach-anh-i680090/