Cuộc hội ngộ của những bộ phim tài liệu xuất sắc

Đến hẹn lại lên, Liên hoan phim (LHP) Tài liệu châu Âu - Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 31- 5 đến ngày 9 - 6 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là cơ hội cho khán giả Việt được thưởng thức những tác phẩm điện ảnh tài liệu xuất sắc của thế giới mà còn là dịp cho các nhà làm phim tài liệu Việt Nam giao lưu, học hỏi với bạn bè quốc tế, từ đó tiếp tục mang đến cho khán giả những tác phẩm điện ảnh có giá trị.

Năm nay, hành trình của LHP Tài liệu châu Âu - Việt Nam bước vào dấu mốc 10 năm. Mười năm qua, Ban tổ chức LHP đã mang tới cho khán giả Việt Nam những bộ phim tài liệu hay nhất của châu Âu. Cùng với đó, cũng là 10 năm các nhà làm phim quốc tế có sự gặp gỡ điện ảnh tài liệu Việt Nam với rất nhiều khám phám bất ngờ, thú vị và những phút giây thư giãn.

LHP tài liệu quốc tế năm nay quy tụ 10 quốc gia châu Âu bên cạnh nước chủ nhà Việt Nam, đó là Áo, Pháp, Đan Mạch, Đức, Israel, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Cộng hòa Séc, Bỉ... Có tất cả 10 bộ phim của châu Âu và 14 bộ phim Việt Nam tham gia LHP.

Trong số 14 phim tài liệu của Việt Nam có 4 phim của các nhà làm phim độc lập. Tại mỗi buổi chiếu, khán giả sẽ được thưởng thức 1 bộ phim của Việt Nam và 1 bộ phim của châu Âu. Bên cạnh đó, các bộ phim của các nhà làm phim trẻ sẽ được trình chiếu vào một số buổi chiều.

Poster LHP tài liệu Châu Âu - Việt Nam lần thứ 10.

Poster LHP tài liệu Châu Âu - Việt Nam lần thứ 10.

Tại các buổi chiếu, khán giả có thể giao lưu cùng các đạo diễn Việt Nam. Khán giả tại Hà Nội có thể xem phim tại Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương. Khán giả tại TP Hồ Chí Minh xem phim tại trường Đại học Hoa Sen.

Những bộ phim tài liệu châu Âu góp mặt tại LHP năm nay đều là những bộ phim đặc sắc. Một số phim đã giành được giải thưởng cao tại các LHP danh giá như LHP Ce'sar (giải thưởng của điện ảnh Pháp), giải Sư tử Séc hay phim nước ngoài hay nhất tại LHP Munich. Đề tài của phim cũng khá phong phú, đa dạng. Nếu như "Nữ thẩm phán" (Bỉ), được chiếu mở màn tại LHP là phim dài đầu tiên trong chương trình Strip Tease đình đám của truyền hình Bỉ.

Được biết, trong suốt 3 năm, các đạo diễn đã theo sát nữ thẩm phán Anne Gruwez tại Thủ đô Bruxelles của Bỉ, trong các cuộc điều tra tội ác, thẩm vấn, khám nghiệm hiện trường... Thông qua việc khắc họa chân dung của nữ thẩm phán, phim cũng phản ánh chân thực những vấn đề nóng trong đời sống. Phim từng đạt giải Ce'sar (giải thưởng của điện ảnh Pháp) cho phim tài liệu xuất sắc nhất.

Giải thưởng của điện ảnh Vương quốc Bỉ dành cho phim tài liệu xuất sắc nhất và đến tháng 6 - 2018 đã có gần 300.000 lượt người xem tại rạp. Bộ phim tài liệu của Đức "Angela Mekel - hơn cả bất ngờ" là bộ phim về sự trỗi dậy bất ngờ của Thủ tướng Angela Mekel, từ một nhà vật lý Đông Đức trở thành người phụ nữ quyền lực bậc nhất thế giới. Bộ phim nhìn lại tiểu sử của bà từ giai đoạn bắt đầu vào con đường chính trị cho đến nay. Những bước đi đầu tiên, sự nỗ lực vươn lên vị trí hàng đầu, sự nghiệp thủ tướng đầy biến cố cũng như tình hình chính trị hiện nay mà bà phải đối mặt... tất cả làm nên một chân dung nữ thủ tướng thú vị và đáng ngưỡng mộ.

Điện ảnh tài liệu Tây Ban Nha lại mang đến bộ phim về điệu nhảy Flamenco trứ danh qua bộ phim "Flamenco, flamenco". Tác phẩm là ví dụ tiêu biểu nhất cho phong cách làm phim âm nhạc rất riêng của đạo diễn tài ba Carlos Saura. Từ sự thú vị của một điệu nhảy, khán giả có thể thưởng thức điện ảnh và nghệ thuật của Tây Ban Nha thông qua âm nhạc, vũ đạo và ca từ với những vẻ đẹp rất riêng.

Các bộ phim của Việt Nam tham dự LHP là những phim giành giải cao do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất và một số bộ phim đến từ VTV8 Đài Truyền hình Việt Nam, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Trung tâm TPD và các tác giả làm phim độc lập.

Thông qua các bộ phim, khán giả có dịp tìm hiểu về văn hóa, con người, xã hội Việt Nam cũng như các nước khác, là cơ hội để hiểu hơn về xã hội chúng ta đang sống, mối quan hệ giữa con người với con người và để khám phá các vùng đất cũng như các vấn đề đương đại.

Mặc dù không phản ánh hết gương mặt của điện ảnh tài liệu Việt Nam hiện nay nhưng nhưng LHP Tài liệu châu Âu - Việt Nam đã cho thấy sự phong phú, đa dạng trong góc nhìn, cách thể hiện của các nhà làm phim trong nước.

"Hãy nhớ, bạn đang sống" (đạo diễn Đoàn Hồng Lê) là câu chuyện về cuộc đời một cô gái nông thôn bình dị nhưng đã có cách lựa chọn thái độ đúng đắn đối diện với bi kịch của cuộc đời mình: bệnh ung thư. Câu chuyện đẹp về tình yêu, cuộc sống và cái chết này đã chinh phục được ban giám khảo Cánh diều để nhận giải thưởng cao nhất và giải đạo diễn xuất sắc nhất Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2018.

Các đạo diễn trẻ cũng không ngại dấn thân vào những đề tài lịch sử như Nguyễn Sỹ Bằng với "Chí sĩ yêu nước - Phan Bội Châu", Đào Đức Thanh với "Sông Gianh thương nhớ". Những đề tài văn hóa cũng được phản ánh rất sắc sảo, thú vị thông qua "Nghìn năm sơn ta, trăm năm sơn mài" (đạo diễn Đặng Linh), "Đàn bầu kể chuyện" (Nguyễn Đức Phương). Đặc biệt, những vấn đề nóng bỏng của thời đại luôn được các nhà làm phim phản ánh như "Trầm cảm sau sinh", "Ông Hai Lúa", "Chuyện bản ngòi"...

Một cảnh trong phim “Ông Hai lúa”.

Phản ánh một cách sâu sắc, đa chiều các đề tài mang tính cấp thiết của xã hội đó là giá trị đặc biệt mà phim tài liệu mang lại. Những vấn đề mà con người ngày càng quan tâm như sức khỏe, số phận, văn hóa, môi trường... Không chỉ phản ánh, phim tài liệu đã phân tích, mổ xẻ những vấn đề sâu kỹ, phân tích những góc khuất phía sau, từ đó đưa ra những thông điệp cụ thể, phù hợp.

Theo ông Ngô Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương, những phim tài liệu của Việt Nam tham dự LHP năm nay là những phim có chất lượng được chọn lọc từ một vài năm gần đây.

Điều đáng nói là có tới 95% đạo diễn có phim tham gia LHP là đạo diễn trẻ. Người trẻ nhất sinh năm 1991, cũng là đạo diễn vừa được vinh danh tại giải thưởng Cánh diều vàng. Điều này phản ánh thực trạng đáng tiếc của điện ảnh tài liệu Việt Nam là sự hụt hẫng thế hệ trong vòng 15 năm qua. Việc thiếu hụt những đạo diễn kinh nghiệm từ tuổi trung niên trở nên là có thật. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho các bạn trẻ được thể hiện tài năng của mình. Họ là những người thông minh, xông xáo, dám thể hiện góc nhìn, quan điểm mới mẻ.

Cũng theo ông Ngô Quang Tùng, cùng với các kỳ LHP, khán giả đến với phim tài liệu nhiều hơn. Đây cũng là niềm vui mà LHP Tài liệu châu Âu - Việt Nam mang lại. Từ thể loại phim kén khán giả, phim tài liệu dần dần có vị trí, có chỗ đứng trong đời sống văn học nghệ thuật.

Có thể nói, khi cuộc sống đầy ắp thông tin, con người lại có nhu cầu tìm hiểu những vấn đề nổi cộm được phản ánh một cách sâu sắc, muốn khám phá những giá trị mang tính nghệ thuật ở nhiều khía cạnh, nhiều quốc gia. Và đó chính là điều mà phim tài liệu đáp ứng cho khán giả. Các kỳ LHP là cơ hội để giới thiệu, giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Có thể nói, LHP tài liệu châu Âu - Việt Nam là sự kiện duy nhất được tổ chức quy mô nhất hiện nay trong lĩnh vực phim tài liệu. Ở đó, khán giả được tiếp xúc với nhiều tác phẩm điện ảnh tài liệu trong nước và quốc tế. Ông Ngô Quang Tùng cũng cho biết, gần đây có tín hiệu mừng là đã có thêm những quốc gia ngoài châu Âu mong muốn tham gia LHP này.

Tuy nhiên, điều này chưa thực hiện được. "Chúng tôi thấy mừng vì rõ ràng là họ thấy hiệu quả của LHP khá tốt nên muốn giới thiệu những tác phẩm điện ảnh, giới thiệu văn hóa đến với đến. Chúng tôi đang tìm cách để tương lai có thể mời những quốc gia có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Úc, Nhật... mang phim tài liệu tới Việt Nam.

Đó cũng là cơ hội để khán giả Việt có điều kiện thưởng thức những tác phẩm điện ảnh tài liệu xuất sắc thế giới. Và các nhà làm phim như chúng tôi được học hỏi về công nghệ, kỹ thuật cũng như xu hướng làm phim đang thịnh hành".

Thảo Duyên

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/cuoc-hoi-ngo-cua-nhung-bo-phim-tai-lieu-xuat-sac-548530/