Cuộc gọi của Văn Lâm và bước ngoặt thay đổi sự nghiệp hậu vệ Việt kiều

Olaha, Walsh và Matias Jadue có điểm chung gì? Họ đều là những chân sút rất hay ở V.League và cũng từng bị khóa chặt bởi Adriano Schmidt.

Mỗi tình huống phá hay tắc bóng, tranh chấp thành công của Adriano Schmidt nhận được những tràng vỗ tay của CĐV Hải Phòng. Sau mỗi trận đấu, CĐV đất Cảng vây quanh bắt tay, vỗ về, chụp ảnh với Schmidt như những gì họ từng làm với Văn Lâm trước đây.

Giờ đây trung vệ có mẹ người Đức, cha người Việt Nam đang là sự lựa chọn hàng đầu của CLB Hải Phòng. Trong làn sóng kêu gọi trao cơ hội cho các cầu thủ Việt kiều tại đội tuyển quốc gia (ĐTQG), Schmidt là cái tên thường được người hâm mộ (NHM) nhắc tới bên cạnh Alexander Đặng hay Filip Nguyễn.

Tuy nhiên, con đường đến với thành công hiện tại không trải đầy hoa hồng. Suýt chút nữa đã không có bất cứ Schmidt nào chơi tại V.League, khi những khó khăn ập đến khiến anh từng nghĩ đến việc từ bỏ cơ hội về Việt Nam.

- Adriano Schmidt từng chơi cho đội bóng Đức Schwabmunchen, nhưng sau đó quyết định trở về Việt Nam. Điều gì thúc đẩy quyết định này của anh?

- Đó là đội bóng tốt, nhưng chỉ là CLB nhỏ tại Bavaria. Đó là quãng thời gian đẹp trong sự nghiệp. Tôi có những người bạn tốt cả trong và ngoài sân bóng.

Dù sao, đây vẫn không phải là CLB chuyên nghiệp. Họ chơi tại giải hạng 5 và đang trong giai đoạn phát triển, nhưng Schwabmunchen lại không có tài chính tốt. Đó là thời điểm tôi quyết định mình phải ra đi và tìm cơ hội ở Việt Nam.

Việt Nam là quê hương của cha, nên tôi muốn được sống trong nền văn hóa, học tiếng của đất nước. Tại Đức, cũng có nhiều người Việt Nam, họ rất vui khi thấy tôi chơi bóng ở Việt Nam và có thể sẽ vui nữa khi thấy tôi được chơi cho ĐT Việt Nam. Họ thấy tôi chơi bóng ở Hải Phòng và nói: Chơi tốt lắm. Cố lên nhé. Đặc biệt là họ không hề biết tôi là ai.

- Hành trình đến với bóng đá Việt Nam của anh diễn ra thế nào?

- Tôi tìm kiếm các đội bóng trên Internet, có nhiều CLB như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Sài Gòn. Tìm được đội bóng là một chuyện, hành trình tới đây lại là câu chuyện khác. Tôi thử việc ở Hải Phòng và rồi phải tới Quảng Ninh. Sau đó, tôi phải tới Quảng Nam để tiếp tục thử việc.

Dù tôi thử việc khá tốt, vẫn không thể chơi bóng ở Việt Nam vì vấn đề hộ chiếu. CLB Hải Phòng đã chờ đợi quá lâu, nhưng tôi mãi vẫn không có hộ chiếu. Đến khi tôi không được Hải Phòng ký, một người bạn ở TP.HCM đã gọi điện và hỏi liệu tôi có muốn tới Quảng Nam thử việc trong thời gian chờ hộ chiếu. Tôi tới đó thử việc trong 6 tuần, và nó hóa ra lại là trải nghiệm tồi tệ nhất ở Việt Nam.

- Tồi tệ nhất sao?

- Tôi dính chấn thương khá nặng. Lúc ấy, bạn biết cơ thể bạn không được 100% như mong muốn, yếu hơn bình thường. Bạn không thể chơi bóng đúng với khả năng. Vấn đề là khi đang thử việc, muốn gia nhập CLB nào đó, thì bạn phải thể hiện tốt nhất. Tuy nhiên, tôi không thể với chấn thương này.

Tôi càng cố, thì lại càng không có kết quả gì. Trước đó, tôi đã trở về Đức, và rồi quay trở lại Việt Nam với hy vọng tìm được CLB nhưng rồi tất cả kết thúc chỉ trong vòng một tuần. Không gì cả. Mọi thứ chấm dứt. Đó là quãng thời gian đáng buồn, nhưng tôi nghĩ điều gì diễn ra cũng có lý do của nó.

Lúc đó, tôi vẫn đang chờ đợi hộ chiếu, và rồi chấn thương ập đến. Tôi không có hộ chiếu, quốc tịch Việt Nam, công việc, kế hoạch gì cả. Tôi trở về Việt Nam và rồi chẳng để làm gì.

Tôi đã ở Tam Kỳ tới 6 tuần và không thể đi đâu làm gì. Điều duy nhất tôi có thể làm là mỗi ngày uống một ly cà phê ở đúng quán quen thuộc, cứ thế lặp lại trong vòng gần 6 tuần. Một ngày diễn ra với tôi chỉ là thức dậy, đi uống cà phê rồi trở về phòng.

- Anh đã bao giờ nghĩ tới việc từ bỏ cơ hội về đây chơi bóng?

- Đã có một lần, nhưng không phải khi tôi dính chấn thương mà là quãng thời gian sau đó. Tháng 10/2017, tôi nghĩ có lẽ nên dừng lại ước mơ tại Việt Nam. Đó là lúc mà họ thêm một lần nữa nói tôi sẽ không thể có hộ chiếu tại Việt Nam đâu.

Bạn phải hiểu lúc đó với tôi, mọi thứ cứ liên tục không mang lại kết quả gì, trong khi tôi vẫn có thể chơi bóng ở Đức. Quãng thời gian chờ đợi ấy đã quá dài, và những thông tin tồi tệ liên tục xuất hiện. Tôi cảm thấy mình không có cơ hội nào để chơi bóng tại Việt Nam nữa, và đó là lần duy nhất tôi nghĩ đến việc từ bỏ.

- Nhưng rồi anh đã quay trở lại Việt Nam?

- Khi ấy có người bạn đã luôn thúc đẩy tôi. Và tình cờ anh bạn này cũng biết Đặng Văn Lâm. Anh ấy gọi điện cho Văn Lâm và bảo: “Lâm này, cậu nên nói chuyện thử với Adriano Schmidt xem. Cậu ấy không cảm thấy ổn lắm”. Thực ra, trước đó tôi có thời gian ở cùng Văn Lâm khoảng 5 tuần khi thử việc tại Hải Phòng.

Văn Lâm đã gọi và nói chuyện, truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Khi có người bạn như vậy, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nhiều. Văn Lâm nói: “Cậu giống tôi mà. Tôi biết cậu có thể làm được và sẽ thành công ở đây. Tôi sẽ nói chuyện với HLV và chủ tịch để cậu có cơ hội tiếp theo ở đây”. Cuối cùng, chủ tịch gật đầu. Văn Lâm đã giúp tôi rất nhiều, và phần nào là cả Fagan nữa.

Đó là lúc tôi quyết định sẽ phải trở lại Việt Nam, và mình sẽ phải chăm chỉ, nỗ lực hơn nữa. Tôi biết Văn Lâm là người không bao giờ ngừng tập luyện, chiến đấu. Fagan cũng vậy. Họ là những người luôn tự tạo động lực cho mình. Sau mỗi buổi tập, họ luôn bảo “nào, đi tập thêm nhé” hoặc “đi massage hồi phục nhé”, “đi bơi nhé”. Chúng tôi giúp đỡ nhau rất nhiều.

- Khi anh gặp khó khăn, cha mẹ muốn anh trở về hay tiếp tục dấn thân tại Việt Nam?

- Mẹ gọi điện và động viên tôi. Mẹ nói rằng luôn ủng hộ mọi quyết định và bảo tôi hãy luôn cố gắng, giữ bản thân ở trạng thái tốt nhất cả về thể chất lẫn tinh thần và phải luôn giữ động lực. Mỗi khi nói chuyện là tôi lại kể cho mẹ mọi thứ. Mẹ muốn tôi không ngừng cố gắng.

Mẹ không muốn tôi phải chịu khổ, nhưng luôn động viên tôi phải nỗ lực. Khi ấy, tôi và mẹ đều hiểu bản thân có 2 lựa chọn: Từ bỏ và tiếp tục sống cuộc đời như trước đây, trở lại chơi cho đội bóng nhỏ tại Đức, và hai là tiếp tục cố gắng để một ngày có thể chơi bóng, trở thành ngôi sao tại Việt Nam. Mẹ nói: “Liệu con có muốn quay trở lại Đức và chấm dứt những nỗ lực từ trước tới nay?”.

Tôi nói: “Con thực sự muốn chơi bóng ở đây”, và mẹ bảo tôi phải cố gắng. Giờ có lẽ bà đã đúng. Bà luôn cảm thấy tự hào về tôi, nhưng cha có lẽ sẽ tự hào hơn. Họ sẽ vui khi một ngày nào đó tôi được triệu tập lên tuyển quốc gia.

- Anh chưa từng đến Việt Nam cũng chưa nói được tiếng Việt trước đó. Anh có thấy quyết định trở về Việt Nam của mình là mạo hiểm?

- Có thể đó là quyết định mang tính mạo hiểm. Tuy nhiên, bạn không thể thành công nếu không mạo hiểm. Bạn có thể chọn đi con đường bằng phẳng hoặc con đường chông gai. Tuy nhiên, con đường dễ dàng thì có rất nhiều người đã đi rồi và bước trên con đường ấy, họ không phải lúc nào cũng hạnh phúc. Bạn nhìn những ngôi sao nhạc rock chẳng hạn, con đường của họ đâu có đơn giản. Nếu muốn làm những gì mình đam mê, bạn phải chọn con đường khó khăn.

- Anh bắt đầu chơi bóng tại V.League giữa mùa giải năm ngoái, nhưng chơi khá tệ và bắt đầu chơi hay hơn từ đầu mùa này. Điều gì mang lại sự khác biệt như vậy?

- Phong độ đã tốt hơn nhiều so với năm trước. Cảm giác tại Hải Phòng cũng khác. Mọi thứ đều tiến bộ. Giờ đây tôi đã biết phong cách chơi bóng của người Việt, và nó giúp tôi tư duy như một người Việt. Trước đây, tôi vẫn thường suy nghĩ ở vị thế một người đến từ châu Âu và luôn phải tư duy xem người Việt họ đang suy nghĩ gì.

Tôi có sự giúp đỡ của rất nhiều đồng đội như Fagan, Lynch, Phúc hay Long. Năm ngoái tôi chơi bóng theo cách của người Đức, và bây giờ tôi đã có thể chơi bóng như một người Việt Nam. Tôi từng gặp khó khăn về văn hóa, cách suy nghĩ, cách chơi bóng tại Việt Nam, nhưng họ đã giúp tôi nhiều trong việc thích nghi. Đặng Văn Lâm cũng giúp tôi rất nhiều.

Tôi giờ đã có có sự tự tin - điều mà tôi không có trước đây. Một phần bởi các đồng đội cho tôi cảm giác như là những thành viên trong gia đình. Khi ra sân, bạn biết xung quanh không chỉ là đồng đội mà còn là những người bạn, những người luôn sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau.

- Về chuyên môn thì sao?

- Tôi phải tập thêm khá nhiều. Sau mỗi buổi tập, các HLV Trương Việt Hoàng, Nguyễn Đức Cảnh yêu cầu tôi phải tập thêm. Hay như các buổi tập sáng, Fagan thường bảo tôi tập thêm các bài của anh ấy. Sau những trận đấu, tôi xem lại chúng và nhận ra những điểm yếu của mình, như việc tôi chuyền chưa tốt hay chưa tranh chấp tốt.

Từ đó, tôi tập luyện thêm để cải thiện những điểm yếu đó. Trong các buổi tập, HLV cũng tới và bảo: “Chúng tôi sẽ giúp cậu tập thêm để cải thiện những kỹ năng như chuyển, nhảy. Nó sẽ giúp ích cho cậu rất nhiều”. Dù gì, lao động nhiều vẫn tốt hơn là lao động ít.

- Chứng kiến phong độ của Adriano Schmidt thời gian qua, nhiều người cho rằng anh xứng đáng một suất trên ĐT Việt Nam. Cá nhân anh nghĩ sao?

- Tôi nghĩ cứ để mọi việc cho HLV Park Hang-seo. Nếu ông Park nghĩ tôi có khả năng và cần đến, tôi luôn trong trạng thái sẵn sàng. Dù không được thi đấu hay vào danh sách chính thức, thì việc được gọi lên tuyển Việt Nam cũng là điều mà tôi khao khát.

Ngay cả việc được tham gia vào các buổi tập của ĐTQG đã giúp tôi có thể học được nhiều thứ. Ở ĐT Việt Nam hiện nay, các cầu thủ phải chơi bóng nhanh, kỹ thuật và chuyền bóng ngắn nhiều hơn. Tôi hy vọng mình sẽ có cơ hội được gia nhập đội tuyển để chứng minh cho mọi người thấy mình có thể làm được gì.

Đó là mục tiêu của tôi, nhưng tôi không muốn vội vã. Tôi không muốn làm quá nhiều thứ một lúc mà phải đi từng bước một thật vững chắc đã. Giờ đây, mục tiêu số một là chơi thật tốt cho Hải Phòng và khi HLV Park nghĩ tôi sẵn sàng, ông ấy có thể sẽ điền tên tôi vào danh sách. Hiện tại tôi phải chơi tốt cho CLB và giữ mình luôn ở trạng thái sức khỏe tốt nhất.

- Trước đó, HLV của anh tại CLB là ông Trương Việt Hoàng từng nói sẽ rất khó cho anh để cạnh tranh một vị trí trên ĐT Việt Nam?

- Tôi nghĩ HLV nói đúng. ĐT Việt Nam có những hậu vệ chắc chắn, chơi với nhau đã lâu và hiểu ý nhau. Điều quan trọng là họ nói chung ngôn ngữ và chia sẻ chung nền văn hóa. Sẽ rất khó khăn, nhưng tôi sẽ cố hết sức. Tôi muốn mình sẽ gặt hái thành công và hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra trong tương lai.

- Vậy anh có bao giờ xem các trận đấu của ĐT Việt Nam không?

- Tôi xem mọi trận đấu. Tất cả bắt đầu từ trận đấu giữa Việt Nam và Jordan tại TP.HCM ở vòng loại Asian Cup 2019, trận đầu tiên mà Đặng Văn Lâm được bắt chính. Từ đó tới nay, tôi xem mọi trận đấu của ĐT Việt Nam. Có những trận đấu tôi đến tận sân, nhưng có khi chỉ xem qua tivi.

Tôi học được rất nhiều từ các trận đấu của ĐT Việt Nam, ví dụ như việc các cầu thủ phòng ngự chơi bóng và di chuyển ra sao. Xem trên tivi thì dễ học hỏi hơn trên sân, tôi thích xem cách ĐT Việt Nam chơi bóng, đặc biệt là việc ĐT chơi với sơ đồ 3 trung vệ.

Trước đây ở Đức, tôi cũng từng chơi và rất thích thi đấu trong sơ đồ 3 trung vệ hoặc 5 hậu vệ. Thế nên, tôi lại càng vui nếu được gọi lên tuyển. Văn Hậu cũng là cầu thủ đáng để theo dõi, từ cách anh ấy chuyền bóng, phòng ngự, hay Đình Trọng chẳng hạn.

Họ chơi bóng theo cách rất khác so với các đội bóng ở V.League. Đây lại là lý do, động lực để cố gắng góp mặt trên tuyển Việt Nam vì khi đó tôi sẽ được trải nghiệm phong cách chơi bóng khác so với ở CLB. Tại V.League, đôi khi bạn chỉ thấy những pha bóng dài.

- Gần đây nở rộ phong trào kêu gọi triệu tập cầu thủ Việt kiều lên ĐT Việt Nam. Theo anh, những cầu thủ Việt kiều như anh và cả những người đang chơi tại châu Âu có thể tỏa sáng ở ĐT Việt Nam?

- Không nói những Việt kiều như Văn Lâm hay Hồng Quân, thì những người chưa từng tới Việt Nam chơi bóng hoặc tiếp xúc văn hóa Việt Nam sẽ rất khó khăn. Thứ nhất, họ không thể nói được tiếng Việt và cũng không hiểu được văn hóa Việt Nam.

Không có chuyện các cầu thủ chỉ cần chơi tại châu Âu là sẽ dễ dàng chơi bóng cho tuyển Việt Nam. Theo tôi, bạn nên chơi bóng tại châu Á hoặc ở Việt Nam một thời gian. Bạn nên nhìn cách chơi bóng của các cầu thủ Việt Nam ví dụ như Quang Hải, Văn Hậu, Văn Lâm, từ đó bạn nhận ra đây có phải là những cầu thủ bạn có thể chơi cùng hay không. Bạn có thể chơi tốt ở châu Âu, nhưng không có gì đảm bảo bạn sẽ chơi bóng hợp với những cầu thủ Việt Nam.

- Cụ thể hơn là gì?

- Lấy ví dụ như Alexander Đặng. Anh ấy đang chơi tốt tại Na Uy, nhưng có biết gì về bóng đá Việt Nam hay không? Anh ấy có biết sân bãi ở Việt Nam ra sao hay không hay cách các cầu thủ Việt Nam chơi thế nào? Anh ấy có biết về thời tiết hay văn hóa ở châu Á, Việt Nam hay không? Bóng đá không phải là Football Manager hay FIFA, khi bạn chỉ cần cho cầu thủ tốt vào đội là được.

Tôi nghĩ các cầu thủ Việt kiều hoàn toàn có thể chơi cho đội tuyển, nhưng sẽ không dễ dàng đâu. Họ ít nhất phải chơi bóng tại V.League để hiểu bóng đá Việt Nam trước khi nghĩ đến việc lên tuyển. Hiện nay tôi cảm thấy mình có chút lợi thế hơn những cầu thủ Việt kiều đang chơi ở châu Âu trong việc được gọi lên tuyển khi đã có thời gian chơi bóng và hiểu bóng đá Việt Nam.

Chưa kể vấn đề quốc tịch cũng là yếu tố cản trở các cầu thủ Việt kiều chơi bóng cho ĐT Việt Nam. Để được đá cho ĐT, chúng tôi cần có quốc tịch Việt Nam. Như Alex Đặng, anh ấy đã 30 rồi. Khi bạn quá 25 tuổi hoặc 20 tuổi gì đó, bạn sẽ khó để lấy quốc tịch Việt Nam.

- Các cầu thủ Việt kiều được ăn tập và thi đấu ở môi trường chuyên nghiệp tại châu Âu. Theo anh, đây có phải là lợi thế của họ so với các cầu thủ Việt Nam?

- Có một chút lợi thế, nhưng tôi nghĩ vẫn sẽ rất khó khăn. Chưa kể việc bạn chơi tốt ở CLB, nhưng chưa chắc đã đá hay ở ĐT quốc gia. Đôi khi bạn tồn tại 2 cá tính khác nhau, một cá tính ở CLB và một cá tính ở ĐQTG. Đó là 2 con người hoàn toàn khác biệt. Anh có thể nhìn vào Messi, anh ấy chơi hay ở Barcelona nhưng không tốt tại Argentina.

Như tôi đã nói, việc chơi bóng tại châu Âu không có nghĩa là bạn sẽ hợp với các cầu thủ ở Việt Nam, từ cách chơi bóng đến văn hóa,

- Nhìn lại quãng thời gian của mình, anh đã không gặp nhiều khó khăn ở đây như những gì Văn Lâm trải qua. Anh có thấy đây là may mắn?

- Tôi đồng ý. Văn Lâm từng kể cho tôi quãng thời gian khó khăn của anh ấy khi mới sang đây, và chuyện phải dội nước vào những chiếc ghế nóng ran khi chơi bóng tại Lào. Văn Lâm, cũng như Michael Nguyễn và Mạc Hồng Quân, họ là những người mở đường, tiên phong.

Họ đã tới đây và vạch ra cho tôi con đường để trở về Việt Nam. Tôi nhìn vào họ và biết phải làm gì. Họ chính là những người đi đầu, mà là người mở đầu bao giờ cũng gặp khó khăn nhất. Chúng tôi như thể là thế hệ thứ 2 hướng tới Việt Nam, có thể gộp tôi cùng với những Alex Đặng hay Filip Nguyễn. Kinh nghiệm của Văn Lâm là lời khuyên, rất có ích và khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn với tôi.

Kiệt Trần
Đồ họa: Hà My

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cuoc-goi-cua-van-lam-va-buoc-ngoat-thay-doi-su-nghiep-hau-ve-viet-kieu-post973135.html