Cuộc giải cứu những người 'vợ mua' ở Ấn Độ

Tahmina (13 tuổi), bị chính chị gái của mình bán cho một người đàn ông hơn 30 tuổi nhưng may mắn được một tổ chức từ thiện chống buôn người cứu thoát. Tahmina chỉ là một trong hàng trăm nghìn phụ nữ và trẻ em gái ở Ấn Độ bị bán vào những cuộc hôn nhân cưỡng ép hoặc trở thành nô lệ tình dục.

Tahmina và mẹ gặp lại nhau sau thời gian bị bán, buộc kết hôn với người đàn ông hơn 30 tuổi với giá 50.000 rupee.

“Họ đã mua tôi và có toàn quyền sử dụng tôi”

Mẹ của Tahmina, bà Pul đã di chuyển quãng đường dài 2.000km từ nhà ở Assam, phía Đông Bắc Ấn Độ tới trung tâm từ thiện tại một tiểu bang khác - nơi con gái đang chờ đợi. Bà lao đến, ôm chặt lấy Tahmina và khóc. Bà đã nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại con gái mình. 6 tuần trước, Tahmina đã bỏ nhà đi cùng với chị gái và anh rể. Bà Pul nghĩ, các con sẽ đến Delhi. Tuy nhiên, Tahmina bị đưa đến một ngôi làng xa xôi ở Haryana và bán cho một người đàn ông hơn 30 tuổi.

Trong ngôi nhà do Tổ chức từ thiện chống buôn người Empower People điều hành, Tahmina kể lại những gì đã xảy ra. “Chị gái nói rằng, chúng cháu sẽ đến Delhi. Nhưng anh chị lại đưa cháu đến Haryana và để cháu sống trong một căn phòng. Những người đàn ông lạ mặt đến và đưa tiền cho chị gái. Số tiền là 50.000 rupee (khoảng 557 bảng Anh). Khi đó, cháu mới hiểu chuyện gì đang xảy ra”, Tahmina nói.

Tahmina đã được giải cứu nhưng vẫn còn hàng nghìn phụ nữ, trẻ em gái ở Ấn Độ bị mua đi, bán lại và mắc kẹt trong cuộc sống nô lệ thời hiện đại. Sanjida đã sống như một “sinh vật hoang dã” tại Mewat, Haryana trong 15 năm. Cô đã bỏ nhà ở Assam khi còn nhỏ sau khi được hứa hẹn tìm việc làm trông trẻ ở Delhi. Thay vào đó, cô được đưa đến Mewat và bán cho người đàn ông có tên là Mubin với giá 10.000 rupee. “Có những công việc mà phụ nữ địa phương có thể từ chối nhưng những người vợ được mua như chúng tôi thì không thể”, Sanjida nói.

“Lẽ ra những người đàn ông không thể lấy vợ vì tình trạng mất cân bằng giới tính phải tôn trọng vợ nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Những người phụ nữ này được gọi là “paro” hoặc “molki”, có nghĩa là “bị đánh cắp hoặc “mua”, như là một cách để làm nhục họ”.

Chuyên gia Shafiq R Khan (Người sáng lập Tổ chức từ thiện chống buôn người Empower People)

Samsuddil, một người đàn ông 41 tuổi ở Mewat đã trả 10.000 rupee để mua Najida - một phụ nữ 20 tuổi từ Assam vì vợ đầu tiên không thể sinh con. Giờ đây, tất cả cùng chung sống trong một mái nhà. Trong một ngôi làng gần đó, Saeeda kể rằng, cô bị bán đến Haryana cách đây 20 năm khi mới 11 tuổi. Chồng cô là một người góa vợ và đã có 6 người con. “Tôi thường xuyên bị chồng và gia đình chồng đánh đập. Tôi phải tuân theo yêu cầu của họ. Nếu tôi phản đối, họ nói rằng, họ đã mua tôi và có toàn quyền sử dụng tôi”, Saeeda nói.

Cô gái có tên Sujana đã được giải thoát khỏi cuộc sống khổ cực sau khi tìm cách liên lạc tìm sự trợ giúp của gia đình từ Assam. “Tôi đã phải làm việc quần quật suốt ngày nhưng không bao giờ có tiền. Nếu từ chối làm việc, tôi sẽ bị đánh đập thậm tệ”, Sujana nói.

Nạn “buôn bán cô dâu” phát triển mạnh

Trong nhiều thế kỷ, buôn bán cô dâu là một lĩnh vực kinh doanh phát triển mạnh ở Haryana, Punjab và Rajasthan - phía Bắc Ấn Độ. Không có dữ liệu chính thức của Chính phủ về số người đã bị buôn bán nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, hàng trăm nghìn phụ nữ và trẻ em gái, chủ yếu từ Assam, Tây Bengal, Jharkhand và Bihar đã bị bán theo diện hôn nhân.

Theo báo cáo của Cục Thống kê tội phạm quốc gia Ấn Độ năm 2016, 33.855 người đã bị bắt cóc vì mục đích kết hôn. Một nửa trong số đó dưới 18 tuổi. Các nhà hoạt động tin rằng, quy mô của những đường dây buôn bán cô dâu vẫn chưa được xác định chính xác. Một cuộc điều tra của Empower People vào năm 2014 cho thấy, 1.352 nạn nhân bị buôn bán đang sống với người mua tại 85 làng mạc ở miền Bắc Ấn Độ.

Shafiq R Khan, người sáng lập Empower People nói rằng, phụ nữ và trẻ em gái bị bán vào hôn nhân ép buộc thường phải đối mặt với cuộc sống khốn cùng về thể xác và tinh thần. Một báo cáo của Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng, phụ nữ bị buôn bán vì hôn nhân cưỡng bức “bị khai thác, tước bỏ các quyền cơ bản, họ trở thành người giúp việc trong gia đình và cuối cùng bị bỏ rơi”. Thực tế cho thấy, nhiều người trong số những phụ nữ này bị người mua bán lại một lần nữa.

Phạm Tường

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/cuoc-giai-cuu-nhung-nguoi-vo-mua-o-an-do/764284.antd