Cuộc giải cứu hang Tham Luang được tái hiện máy móc trên màn ảnh

Bộ phim 'The Cave' kể lại sự kiện giải cứu tại Thái Lan được cả thế giới quan tâm hồi mùa hè 2018. Song, thành phẩm còn nhiều thiếu sót, và mang nặng tính tài liệu.

Trailer bộ phim 'Cuộc giải cứu hang Tham Luang' Bộ phim kể lại cuộc giải cứu khiến cả thế giới phải hồi hộp dõi theo tại hang Tham Luang, Thái Lan hồi 2018.

Thể loại: Hành động, giật gân
Đạo diễn: Tom Waller
Diễn viên: Jim Warny, Ekawat Niratvorapanya, Tan Xiaolong, James Edward Holley, Nirit Sirichanya, Bobby Gerrits, Ross Cane
Zing.vn đánh giá: 6/10

Cuộc giải cứu hang Tham Luang là sự kiện có thật diễn ra cuối tháng 6/2018. Hôm 23/6/2018, một nhóm 12 cậu bé thiếu niên và huấn luyện viên của đội bóng đá có tên Lợn Rừng bị mắc kẹt khi tham quan hang động Tham Luang Nang Non tại tỉnh Chiang Rai, Thái Lan.

Vụ việc nhận được sự quan tâm đặc biệt của truyền thông thế giới với chiến dịch tìm kiếm và giải cứu khổng lồ. Theo ước tính, đã có khoảng 10.000 người tham gia chiến dịch, với hơn 1.800 người hoạt động cùng lúc khi cao điểm.

Thành phần cứu hộ rất đa dạng, bao gồm lực lượng đặc nhiệm SEAL của hải quân Thái Lan, cũng như các biệt đội và tình nguyện viên đến từ nhiều quốc gia như Anh, Trung Quốc, Myanmar, Lào, Australia, Mỹ, Nhật, Nga, Phần Lan…

Đến 10/7/2018, toàn bộ 13 thành viên của đội bóng Thái Lan đã được giải cứu thành công. Sự kiện gây chấn động thế giới trở thành nguồn cảm hứng để nhà làm phim Tom Waller xây dựng nên tác phẩm điện ảnh The Cave.

Bộ phim truyện mang đậm chất tài liệu

Giống các tác phẩm dựa trên sự kiện giải cứu có thật như World Trade Center (2006), Captain Phillips (2013) hay The 33 (2015), The Cave được thực hiện dưới dạng phim truyện, với câu chuyện và kịch bản dựa trên sự kiện diễn ra thực tế trước đó.

Bộ phim được kể theo lối diễn giải với mạch thời gian tuyến tính duy nhất, liệt kê đầy đủ chi tiết chính đã diễn ra liên quan đến sự kiện, từ việc các thành viên của đội bóng đi vào hang rồi bị mắc kẹt, cho đến chuỗi hoạt động giải cứu cả ở bên trong lẫn bên ngoài hang động.

 Bộ phim The Cave lựa chọn phong cách giả tài liệu với thủ thuật shaky-cam và chuyển cảnh liên tục.

Bộ phim The Cave lựa chọn phong cách giả tài liệu với thủ thuật shaky-cam và chuyển cảnh liên tục.

Tuy nhiên, thay vì lựa chọn cách kể chuyện theo hướng truyền thống, The Cave mang phong cách giả tài liệu. Sử dụng thủ thuật shaky-cam (rung lắc máy quay) từ đầu đến cuối với lối dựng phim chuyển cảnh liên tục, tác phẩm dẫn dắt khán giả dưới góc nhìn của một nhân vật trực tiếp chứng kiến và tham gia sự kiện đang xảy ra trên màn ảnh.

Nhờ đó, người xem như có cơ hội theo dõi những thước phim tài liệu được thực hiện theo thời gian thực, dù thực tế tất cả chỉ được tái hiện trên phim trường với các diễn viên.

Thủ thuật làm phim mang nhiều nét tương đồng với cách mà đạo diễn Paul Greengrass áp dụng cho Captain Phillips với sự tham gia của nam diễn viên Tom Hanks. Nếu được tận dụng hiệu quả, nó sẽ giúp tạo ra hiệu ứng chân thực, tăng cường sự tập trung, và dễ đưa đẩy cảm xúc của khán giả.

Chất lượng chưa đạt kỳ vọng do nhiều mặt còn yếu kém

Tuy nhiên, nếu Captain Phillips là tác phẩm chất lượng với kịch bản hấp dẫn, tiết tấu kịch tính, cùng màn trình diễn lôi cuốn của bộ đôi Tom Hanks - Barkhad Abdi, thì The Cave thực tế chỉ là một xuất phẩm có chất lượng ở mức trung bình.

Sở hữu chất liệu hấp dẫn từ một sự kiện phi thường, nhưng biên kịch kiêm đạo diễn Tom Waller tỏ ra lúng túng trong việc lựa chọn điểm nhấn để khai thác. Anh đưa vào trong phim toàn bộ chi tiết nhỏ nhặt, các nhân vật có liên quan đến cuộc giải cứu, và tìm cách diễn giải từ đầu đến cuối theo trình tự thời gian.

Kịch bản của The Cave tỏ ra quá tham lam, ôm đồm nhiều chi tiết.

Hậu quả là kịch bản The Cave trở nên tham lam, ôm đồm quá nhiều chi tiết. Bộ phim giới thiệu các sự kiện, nhân vật một cách vội vàng với thời lượng ngắn ngủi, liên tục phải chuyển cảnh qua lại giữa các tuyến nhân vật để đảm bảo mọi gương mặt đều có thể xuất hiện.

Rốt cuộc, tác phẩm không xác định được đâu là nhân vật và chi tiết cụ thể cần tập trung xây dựng. Các nạn nhân của sự kiện - đội bóng nhí Lợn Rừng - đã vượt qua gần ba tuần trong hang một cách thần kỳ ở điều kiện thiếu thốn đủ đường. Song, trên phim, họ chỉ sắm vai phụ nhạt nhòa, không được xây dựng cụ thể.

Về phía lực lượng tham gia cứu hộ, The Cave cố gắng nhấn mạnh vào vai trò của hai cá nhân ở hai giai đoạn giải cứu: một doanh nhân người Thái giúp tăng cường hiệu quả cho các máy bơm nước trong giai đoạn đầu; và thợ lặn Jim Warny - người góp công lớn trong việc lần lượt đưa từng nạn nhân ra ngoài - ở giai đoạn sau.

Tuy nhiên, do số lượng nhân vật quá đông đảo, vai trò cá nhân trong phim của họ dường như bị xem nhẹ, không được ưu tiên nhấn mạnh. Do đó, dù sắm vai trò quan trọng và góp công lớn, các cá nhân tiêu biểu cũng chưa kịp ghi dấu ấn với khán giả.

Bộ phim có phần lan man và thiếu đi tính điện ảnh rõ rệt.

Việc phải cố gắng trung thành tối đa với sự kiện có thật khiến The Cave thiếu đi sự sáng tạo cần thiết nhằm tạo điểm nhấn kịch tính cho một tác phẩm điện ảnh.

Phim cũng chưa tận dụng tốt thủ thuật shaky-cam để tạo cảm giác bức bối, khẩn trương khi tiết tấu chậm rãi đến mức nhàm chán được duy trì từ đầu đến cuối. Điều đó vô tình khiến người xem khó lòng cảm nhận thấy sự căng thẳng khi đội giải cứu phải chạy đua với thời gian.

Nhìn chung, The Cave là nỗ lực nhằm đem đến cho khán giả cái nhìn tổng thể về cuộc giải cứu đội bóng nhí Thái Lan bị mắc kẹt trong hang Tham Luang hồi mùa hè 2018.

Tuy nhiên, bản thân bộ phim mới chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin cho khán giả một cách máy móc. Đạo diễn Tom Waller dường như đã thất bại trong việc tạo ra một tác phẩm điện ảnh hấp dẫn và cho công chúng thấy rõ sự phi thường của toàn bộ cuộc giải cứu như những gì đã thực sự diễn ra.

Phim đang được trình chiếu trên toàn quốc dưới tựa Cuộc giải cứu hang Tham Luang.

Khánh Hưng

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cuoc-giai-cuu-hang-tham-luang-duoc-tai-hien-may-moc-tren-man-anh-post1035201.html