Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 liệu có đạt giải pháp cụ thể?

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump chắc chắn sẽ phải đối mặt với các chỉ trích nếu cuộc gặp thượng đỉnh thứ 2 chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận mập mờ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới phân tích hàng đầu nhận định cuộc gặp gần đây nhất giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là bằng chứng xác nhận rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai sắp diễn ra, đồng thời cho rằng đã đến lúc phải đưa ra một giải pháp cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Theo các chuyên gia, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump chắc chắn sẽ phải đối mặt với các chỉ trích nếu cuộc gặp thượng đỉnh thứ 2 chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận mập mờ "hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn" như trong cuộc gặp lần thứ nhất hồi tháng 6/2018 ở Singapore.

Chuyên gia Scott Snyder tại Viện nghiên cứu Hàn Quốc thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), bày tỏ tin tưởng rằng cuộc gặp Mỹ-Triều lần hai "sẽ diễn ra trong tương lai gần, song chưa có đủ cơ sở để nói về kết quả cuộc gặp."

Tuy nhiên, ông cho rằng nếu cuộc gặp tới không mở đường cho một tiến trình hòa bình/phi hạt nhân hóa đáng kể thì sẽ bị đánh giá là thất bại, và đây là điều mà cả ông Kim Jong-un và ông Donald Trump đều muốn tránh.

Bà Catherine Killough, chuyên gia về vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên tại Quỹ Ploughshares, một tổ chức về hòa bình và an ninh có trụ sở tại Mỹ, có quan điểm thận trọng hơn khi không kỳ vọng nhiều vào một thỏa thuận lớn trong "chính sách ngoại giao từ cấp cao xuống thấp, và khá thất thường" mà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên áp dụng trong chưa đầy một năm qua.

Theo bà, kết quả có thể trong cuộc gặp tới sẽ chỉ là một sự đảm bảo mạnh mẽ hơn từ phía Triều Tiên về phi hạt nhân hóa và từ phía Mỹ về cải thiện hơn nữa quan hệ.

Bà dự báo các cam kết như vậy có thể được ký dưới dạng một biên bản ghi nhớ chính thức liên quan đến thử nghiệm và sản xuất hoặc tuyên bố đe dọa hạt nhân.

Về phần mình, chuyên gia quốc phòng Harry Kazianis tại Trung tâm vì lợi ích quốc gia có trụ sở tại Washington, nhận định điều có thể sẽ tốt hơn cho hòa bình là hai bên chính thức thừa nhận kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, cuộc chiến vốn chỉ kết thúc với một thỏa thuận đình chiến thay vì một hiệp định hòa bình.

Tuyên bố kết thúc chiến tranh là một trong những điều đầu tiên mà Triều Tiên tìm kiếm để đổi lại cam kết phi hạt nhân hóa sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất.

Tuy nhiên, Washington lo ngại rằng việc này có thể là cớ để Triều Tiên yêu cầu rút quân Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc.

Nhà phân tích Tom Collina, Giám đốc chính sách tại Quỹ Ploughshares, dự báo tại cuộc gặp tới, phía Triều Tiên có thể sẽ đề xuất ngừng hoạt động sản xuất vũ khí hạt nhân tại cơ sở chính ở Yongbyon, điều mà ông Kim Jong-un từng nói với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp thượng đỉnh tháng 9/2018 là ông sẵn sàng thực hiện nếu Mỹ có các biện pháp nhượng bộ tương tự.

Và phía Mỹ cũng có thể tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên trong khi dỡ bỏ một số trừng phạt.

Ông Collina nhấn mạnh: "Cả hai bên đều muốn bên kia đi trước. Câu trả lời đã rõ. Cả hai cần nắm tay nhau và cùng đi. Thế giới đang ngày càng mất kiên nhẫn và đã đến lúc tỏ ra nghiêm túc và ghi điểm."/.

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cuoc-gap-thuong-dinh-mytrieu-lan-2-lieu-co-dat-giai-phap-cu-the/547628.vnp