Cuộc gặp Mỹ - Trung và tia hy vọng cho chiến tranh thương mại

Cho dù cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới đây tại thành phố Buenos Aires (Argentina) diễn ra đúng như dự kiến cũng không thể giúp kết thúc ngay cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

Chưa thể giải quyết ngay

Trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều ý kiến cho rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Argentina cuối tháng này sẽ là cơ hội hóa giải căng thẳng, kết thúc cuộc chiến tranh thương mại giữa hai bên.

cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ không thể kết thúc ngay sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. (Nguồn: CNN)

Tuy nhiên, Báo Liên hợp buổi sáng của Singapore ngày 1/11 đăng bài phân tích của tác giả Khổng Bảo La, cựu nghiên cứu viên của Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải (Trung Quốc) khẳng định cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ không thể kết thúc ngay sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.

Theo tác giả, kết quả khả quan nhất hai bên có thể đạt được tại cuộc gặp chỉ là sự nhất trí chung về việc sẽ giải quyết căng thẳng thông qua đàm phán. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Washington và Bắc Kinh sẽ bắt tay khởi động một chương trình đàm phán mang tính thực chất để giải quyết vấn đề chiến tranh thương mại.

Các bên Mỹ - Trung trước và sau khi chiến tranh thương mại xảy ra đều đã tiến hành các cuộc đàm phán song không đạt được kết quả gì mang tính thực chất do cả hai đều không xác định được những yêu cầu cụ thể của mình. Một thực tiễn dễ nhận thấy, để mỗi cuộc đàm phán quốc tế có thể đạt được hiệu quả mang tính thực chất thì các bên liên quan đều phải đưa ra được yêu cầu cụ thể, đồng thời có một đại biểu đủ uy quyền tham dự.

Tuy nhiên, Chính phủ Trump cho đến nay vẫn chưa định hình được mục tiêu thống nhất và cụ thể trong đàm phán với Trung Quốc. Nói cách khác, nội bộ chính quyền ông Trump hiện vẫn chưa thống nhất được chủ trương cũng như kế hoạch chi tiết trong việc đặt ra các yêu cầu để buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ. Phái ôn hòa có chủ trương của phái ôn hòa, phe cứng rắn có mục đích của phe cứng rắn. Chưa nói đến sự khác biệt rất lớn giữa các phe phái, ngay cả bản thân ông Trump cũng khó có thể nói rõ được việc Washington rốt cuộc muốn Bắc Kinh phải nhượng bộ như thế nào.

Mặt khác, chính quyền Trump cho đến nay vẫn chưa cử ra được đại diện đủ uy quyền của mình để trực tiếp đàm phán về vấn đề chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, cho dù Bắc Kinh có mong muốn đàm phán và chấp nhận nhượng bộ thì các cuộc đàm phán không mục tiêu giữa hai bên cũng sẽ trở thành những cuộc nói chuyện suông.

Đàm phán và sự đồng thuận

Tác giả bài báo nhấn mạnh một điều có thể khẳng định là cuối cùng ông Donald Trump cũng nhận ra rằng, chỉ có thông qua đàm phán mới giải quyết được vấn đề mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bởi vì nếu xét về mặt kỹ thuật, hai vấn đề kể trên chưa được giải quyết thì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ không thể kết thúc. Do vậy, kết quả duy nhất có thể đạt được của cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Argentina tới đây là hai bên sẽ nhất trí triển khai các cuộc đàm phán mang tính thực chất. Nói cách khác, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ yêu cầu ông Trump cử một đại biểu có đủ uy quyền đứng ra đại diện cho Washington đàm phán với Bắc Kinh.

Đàm phán mới là giải pháp cho chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. (Nguồn: Tibet Express)

Về phía mình, ông Trump cũng sẽ nhất trí với chủ trương trên của nhà lãnh đạo Trung Quốc vì điều này hoàn toàn vô hại. Vậy, hai bên Mỹ - Trung khả năng sẽ đạt được kết quả gì nếu triển khai đàm phán thực chất?

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận thỏa hiệp và có sự nhượng bộ lớn đối với Mỹ. Đây là cách nhìn hoàn toàn phiến diện vì nếu có sự nhượng bộ, đồng nghĩa với việc các bên đã đặt ra được yêu cầu cụ thể trong đàm phán.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, chính quyền Trump cho đến nay vẫn chưa xác định rõ ràng yêu cầu của mình trong đàm phán với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, hai bên khó có thể chấp nhận hoặc đưa ra bất cứ sự nhượng bộ nào trong các cuộc thảo luận. Do vậy, kết quả khả quan nhất hai bên Mỹ - Trung có thể đạt được khi triển khai đàm phán thực chất sẽ chỉ là sự thỏa thuận mang tính giai đoạn về kết thúc chiến tranh thương mại.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/cuoc-gap-my-trung-va-tia-hy-vong-cho-chien-tranh-thuong-mai-80799.html