Cuộc gặp lại sau 54 năm

Họ gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1965. Khi ấy, nữ luật sư Nancy Hollander và bà Nguyễn Thị Bình (nay là nguyên Phó Chủ tịch nước) đã hẹn: Một ngày nào đó sẽ gặp nhau ở Việt Nam, trong hòa bình. Và phải mất hơn 50 năm, họ mới tái ngộ khi tóc đã bạc trắng hai mái đầu.

Cuộc tái ngộ sau 54 năm

Lễ tiếp nhận hơn 450 hiện vật của nữ luật sư Nancy Hollander tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chiều 7/3/2019 diễn ra ấm áp và xúc động. Bà Nguyễn Thị Bình và bà Nancy Hollander gặp lại nhau, những cô gái tóc còn xanh thuở nào giờ mái tóc đều đã bạc trắng.

Hai nhân chứng lịch sử cùng nhau ngắm lại những kỷ vật.

Hai nhân chứng lịch sử cùng nhau ngắm lại những kỷ vật.

Họ tâm tình như hai người bạn cũ lâu không gặp lại, nhắc nhớ nhau về những kỷ niệm đã lùi xa mấy thập kỷ. Đặc biệt là cuộc gặp gỡ lần đầu tiên, khi nhận sứ mệnh thực hiện cuộc ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và Hoa Kỳ năm 1965 tại Jakarta, Indonesia.

Khi ấy, Nancy 21 tuổi, sinh viên trường luật, đến Jakarta với vai trò là một thành viên Tổ chức Phụ nữ đấu tranh vì hòa bình (WSP), đã gặp bà Nguyễn Thị Bình, đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam. Cuộc gặp đánh dấu lần đầu tiên tiếp xúc ngoại giao nhân dân giữa phụ nữ hai nước về việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Bà Nancy nhớ lại: “Vào lúc đó, ở Mỹ, chúng tôi chỉ tâm niệm là sẽ làm tất cả mọi điều có thể để chấm dứt cuộc chiến tranh tồi tệ này. Nhưng chúng tôi không thực sự biết điều gì đang xảy ra ở Việt Nam. Vì thế, cuộc gặp năm 1965 giúp chúng tôi hiểu về sự thật ở Việt Nam và chúng tôi giúp người dân Mỹ hiểu về sự thật đó. Khi chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1965, chúng tôi đã nói, một ngày nào đó, chúng tôi sẽ gặp nhau ở Việt Nam, trong hòa bình. Phải mất một thời gian dài để điều này diễn ra. Và hôm nay, chúng tôi đã ở đây. Không còn chiến tranh".

Cuộc gặp gỡ năm ấy tại Indonesia đã ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của cô sinh viên trường luật. Trong cuốn sổ tay cá nhân đã được trao lại cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bà Nancy dành nhiều trang để ghi chép về cuộc gặp lần đầu tiên với những người phụ nữ Việt Nam. Đáng chú ý nhất, có đoạn bà viết: "Miền Bắc và miền Nam Việt Nam là một gia đình nhưng không thể gặp nhau ở trên chính mảnh đất của mình - chúng tôi chỉ có thể gặp được nhau tại đây. Điều đó đã cho thấy thực trạng đáng tiếc trên mảnh đất mà chúng tôi đang sống". Đây chính là lời bà Nguyễn Thị Bình, đại diện phái đoàn Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam nói với bà Nancy trong cuộc gặp lần đầu tiên ấy.

“Chúng tôi, phụ nữ Việt Nam cũng như nhân dân Việt Nam luôn luôn biết ơn những người bạn Mỹ đã đấu tranh để chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Bình nói.

Hay trong một đoạn khác, bà viết: “Tôi cảm nhận được sức mạnh và lòng can đảm của những người phụ nữ Việt Nam - những người đã bị chiến tranh tàn phá suốt 25 năm. Khi mà cuộc chiến này hay tất cả các cuộc chiến tranh khác vẫn còn diễn ra trên trái đất này thì những người phụ nữ của nước Mỹ cũng cần phải tham gia cuộc đấu tranh. Chúng tôi cũng phải sẵn lòng hy sinh thời gian và sức lực để biến đất nước này cũng như các nước khác thành nơi đáng sống cho trẻ em”.

Sau này, bà Nancy cũng đã tham gia tích cực vào cuộc phản đối chấm dứt chiến tranh ở miền nam Việt Nam năm 1975.

Những kỷ vật quý

Sau hơn 50 năm, những ký ức về những người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé vẫn in đậm trong tâm trí nữ luật sư người Mỹ: "Chúng tôi đã hiểu được rằng phụ nữ Việt Nam dũng cảm, mạnh mẽ đến nhường nào và họ đã nỗ lực như thế nào để chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam".

Khi được hỏi tại sao lưu giữ khá nhiều tài liệu, hiện vật liên quan đến Việt Nam suốt 54 năm, bà Nancy xúc động chia sẻ: “Tôi cũng không biết tại sao, nhưng tôi cứ đau đáu suốt nhiều năm qua là làm thế nào để đưa những tài liệu này về được Việt Nam, nó thuộc về Việt Nam và phải về Việt Nam. Dù chuyển nhà đến 4 lần, tôi bỏ lại nhiều thứ sau lưng, nhưng những chiếc hộp đựng tài liệu này tôi luôn phải mang theo. Tôi cảm thấy tôi có một sứ mệnh với nó. Tôi hy vọng những kỷ vật tôi mang theo đây có thể giúp mọi người hiểu thêm về một thời kỳ gian khổ mà Việt Nam đã trải qua".

Luật sư Nancy Hollander và nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình năm 1965.

Trong số những kỷ vật, bà Nancy rất thích một bức ảnh chụp bà và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tại Jakrta bởi “bà Bình và tôi thời điểm đó đều còn rất trẻ. Tóc chúng tôi đều còn xanh. Bức ảnh này luôn đi cùng với tôi, nhắc nhở tôi rằng một ngày nào đó, tôi sẽ mang những kỷ vật này trở lại Việt Nam và chúng tôi sẽ gặp nhau trong hòa bình".

Năm 2018, nhân dịp có sự kiện kỷ niệm 50 năm cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tổ chức tại Hà Nội, một phái đoàn Mỹ đã sang Việt Nam gặp bà Nguyễn Thị Bình. Nữ nhà văn Mỹ Lady Borton, người dịch cuốn hồi ký "Nguyễn Thị Bình - gia đình, bạn bè và đất nước" sang tiếng Anh đã tặng cho mỗi người trong phái đoàn Mỹ một cuốn sách.

Tình cờ, trong phái đoàn Mỹ có ông James W.Russell – bạn của bà Nancy Hollander. Ông đã nhìn thấy bạn mình trong bức ảnh chụp cùng với bà Nguyễn Thị Bình tại Indonesia năm 1965. James đã ngay lập tức email cho bà Nancy thông báo về sự bất ngờ này. Nhận được thông tin, bà Nancy đã liên lạc với bà Lady Borton để hỏi về người phụ nữ trong phái đoàn Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam mà bà từng găp năm 1965.

Sau nhiều cuộc trò chuyện, bà Nancy ngỏ ý muốn tặng lại một số hiện vật, tài liệu của phái đoàn Việt Nam mang đến hội nghị ở Jakarta năm 1965 và một số lá thư mà bà còn giữ. Bà Lady Borton đề nghị hãy trao những kỷ vật này cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và chính nữ nhà văn người Mỹ này đã trở thành “người vận chuyển” số tài liệu, hiện vật quý giá từ Mỹ sang Việt Nam.

Năm 1965, bà Nancy Hollander, thành viên Tổ chức Phụ nữ đấu tranh vì hòa bình (WSP), đã gặp bà Nguyễn Thị Bình, đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam, đánh dấu lần đầu tiên tiếp xúc ngoại giao nhân dân giữa phụ nữ hai nước trong việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Ngô Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/cuoc-gap-lai-sau-54-nam-post297931.info