Cuộc gặp đầy hứng khởi với 'cha đẻ Internet'

Nhân dịp thay mặt Diễn đàn Toàn cầu Boston trao giải thưởng cho ông Vint Cerf, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc điều hành Diễn đàn - ghi lại những cảm xúc gặp gỡ.

Ngày 8/5/2019, tôi thay mặt lãnh đạo Diễn đàn Toàn cầu Boston trao bằng chứng nhận Giải thưởng Nhà Lãnh đạo Thế giới trong Xã hội Trí tuệ Nhân tạo (World Leader in AI World Society award) cho cha đẻ Internet Vint Cerf, hiện là Phó Chủ tịch, Nhà Lãnh Đạo Internet của Google tại văn phòng của ông.

Trước đó, tại Hội nghị Xã hội Trí tuệ Nhân tạo - Thượng đỉnh G7, ngày 25/4/2019 tổ chức ở Loeb House, Đại học Harvard, Diễn đàn Toàn cầu Boston đã vinh danh ông.

 Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston, Nguyên Tổng Biên Tập VietNamNet trao Giải thưởng Nhà Lãnh đạo Thế Giới trong Xã Hội Trí Tuệ Nhân Tạo cho Cha đẻ Internet Vint Cerf.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston, Nguyên Tổng Biên Tập VietNamNet trao Giải thưởng Nhà Lãnh đạo Thế Giới trong Xã Hội Trí Tuệ Nhân Tạo cho Cha đẻ Internet Vint Cerf.

Bài diễn văn nhận giải của Vint Cerf là bài diễn văn mở đầu cho Xã Hội Trí Tuệ Nhân Tạo Cấp Cao (AI World Society Summit), với sự điều hành của Thống đốc Michael Dukakis và tôi - với tư cách Giám đốc Điều hành Diễn đàn.

Ông Vint Cerf đồng điệu, nhiệt tình tham gia cùng Thống đốc Michael Dukakis và Giám đốc Điều hành Diễn đàn để liên kết những nhà tư tưởng, những nhà chính trị, những nhà sáng tạo công nghệ cùng tìm ra những giải pháp hạn chế việc lạm dụng trí tuệ nhân tạo của các chính phủ, hay ý đồ xấu của công ty, chuyên gia công nghệ.

Cuộc gặp dự kiến 30 phút nhưng đã kéo dài tới 2 giờ đồng hồ bởi sức cuốn hút của ông, bởi câu chuyện chúng tôi đưa ra dường như không có hồi kết.

Không khách khí, hai người bàn luận thân tình và cụ thể. Ông Vint Cerf lấy bút ghi rõ việc cụ thể để cùng triển khai.

Trao giải thưởng xong, để có thêm thời gian trao đổi, chúng tôi ăn trưa cùng nhau. Chúng tôi nói chuyện với nhau về những vấn đề lớn của thế giới hôm nay: thế kỷ 17, 18 là Kỷ nguyên Ánh Sáng, thì cuối thế kỷ 20 và thế kỷ 21 là Kỷ nguyên Ánh sáng Internet và Trí Tuệ Nhân Tạo, làm thế nào để trí tuệ nhân tạo và Internet mang đến những điều tốt đẹp nhất và hạn chế thấp nhất những mặt tiêu cực và ngăn chặn, loại bỏ những nguy cơ đe dọa loài người.

Chúng tôi đều đồng ý rằng cần phải nhận thức rõ đây là những nguy cơ và mối đe dọa lớn đối với nhân loại và cần có những chế tài, luật pháp của cộng đồng thế giới văn minh, tiến bộ để ngăn ngừa và chế tài.

Chúng tôi đồng ý với nhau rằng trong Kỷ nguyên Trí Tuệ Nhân Tạo và Internet hôm nay, khi các chính phủ chậm trễ chưa có những công ước và luật pháp quốc tế thì không thể chờ các chính phủ hành động mà chính các nguồn lực của xã hội công dân. Mọi trí tuệ, từ nhà tư tưởng, học giả, nhà sáng tạo công nghệ, lãnh đạo doanh nghiệp, cho đến tổ chức phi chính phủ… là những nguồn lực lớn để tạo ra liên minh, nhằm sắp đặt thế giới ngày một tốt đẹp hơn với trí tuệ nhân tạo và Internet.

Cần phải cộng hưởng những nhóm đơn lẻ đang quan tâm đến vấn đề này ở Liên Hợp quốc, ở Mỹ, ở Liên minh châu Âu, ở OECD, ở Liên minh Lãnh đạo Thế giới… thành sức mạnh tổng hợp có thể chuyển biến từ tư duy, hội nghị thành những chương trình hành động toàn cầu.

Một trí tuệ và uy tín lớn, đã được vinh danh giải thưởng Turing, giải thưởng Nobel trong lĩnh vực máy tính, nhưng rất điềm đạm, thân tình và nhiệt huyết. Những lời nói, thảo luận của ông toát lên từ trái tim, từ trong tâm, nhưng cũng luôn dí dỏm, khôi hài.

Tôi cảm nhận giữa tôi và ông có gì đó rất gần gũi, đồng cảm vì chúng tôi có nhiệt huyết, mục tiêu, con đường chung. Ông Vint Cerf trân trọng những ý tưởng của Diễn đàn Toàn cầu Boston. Không nói khách khí, xã giao, ông bàn vào chi tiết và lấy giấy bút ra ghi lại. Với những gì cần đưa vào lịch, ông liền gọi ngay trợ lý đến để đặt chương trình và xếp lịch làm việc tỉ mỉ, chi tiết. Khi tôi nêu ý tưởng, ông Vint Cerf chỉ ra luôn những nhân tố, những nguồn lực để đồng hành, biến ý tưởng thành hiện thực.

Chúng tôi tin rằng cuộc gặp mở ra những sáng kiến, chương trình mới, hiện thực hóa những tâm huyết của mình. Chúng tôi hẹn nhau những cuộc gặp và bàn luận tiếp theo ở Boston trong tháng 7, và ở những thành phố khác, để Xã Hội Trí Tuệ Nhân Tạo Cấp Cao có những đóng góp có ý nghĩa cho nhân loại.

Ông Nguyễn Anh Tuấn từng là Giám đốc Trung tâm Tin học Teltic, Bưu điện Khánh Hòa. Thời gian đó, ông áp dụng thủ tục truyền tin Internet TCP/IP do Vint Cerf phát minh, để xây dựng Xa lộ Thông tin VietNet, mạng máy tính công cộng đầu tiên ở Việt Nam sử dụng TCP/IP, cung cấp dịch vụ cho toàn Việt Nam từ tháng 1/1996, 2 năm trước khi Việt Nam chính thức cung cấp dịch vụ Internet.

Khởi nghiệp từ mạng VietNet, và với VietNet, ông Nguyễn Anh Tuấn đã được vinh danh một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 1996.

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn VTC: https://vtc.vn/cuoc-gap-day-hung-khoi-voi-cha-de-internet-d473998.html