Cuộc gặp cấp cao Trump - Tập tại G20 khó có kết quả đột phá

Mọi sự chú ý về chiều hướng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang dồn vào cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị các nền kinh tế lớn G20 tại Argentina vào cuối tháng 11 tới. Song giới phân tích cho rằng cuộc gặp này khó mang lại kết quả đột phá giúp giải quyết các bất đồng thương mại sâu sắc hiện nay giữa Washington và Bắc Kinh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang lên kế hoạch cho cuộc gặp cấp cao giữa họ bên lề hội nghị các nền kinh tế lớn G20 tại Argentina vào cuối tháng 11 tới. Ảnh: AFP

Thông điệp lạc quan của Trump

Trong tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và truyền thông Trung Quốc phát đi thông điệp lạc quan về kế hoạch của ông Trump cho cuộc gặp cấp cao và bữa ăn tối với Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Argentina sắp tới. Ông
Trump viết trên Twitter hôm 1-11: “Vừa có cuộc trò chuyện dài và rất tốt đẹp với Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc. Chúng tôi đã trao đổi về nhiều chủ đề, trong đó, nhấn mạnh đến vấn đề thương mại. Các cuộc thỏa thuận đang tiến triển tốt đẹp cùng với các cuộc gặp được lên kế hoạch tại hội nghị G20 ở Argentina”.

Tờ South China Morning Post dẫn các nguồn tin nói rằng, ông Trump đã ngỏ lời mời ông Tập dự buổi tiệc tối tại G20 để có nhiều thời gian thảo luận và trong không khí thoải mái hơn. Hãng tin Tân Hoa xã đăng bài xã luận có đoạn: “Miễn là hai bên thành thực muốn đối thoại chủ động, chúng tôi tin rằng điều này có thể mang lại một giải pháp có thể được cả hai bên chấp nhận”.

Trong nhiều tuần trước đây, ông Trump liên tục công khai tuyên bố rằng ông chưa sẵn sàng đàm phán với Bắc Kinh và bắn tín hiệu rằng Trung Quốc không còn hy vọng về một thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, trong tuần vừa rồi, ông phát đi một thông điệp hoàn toàn khác khi phát biểu tại một cuộc gặp cử tri tại bang Missouri vào hôm 1-11 rằng: “Những điều trọng đại sắp xảy ra trong thời gian ngắn sắp tới”. Ông nói thêm: “Tôi đã nói chuyện với chủ tịch Tập, nguyên thủ Trung Quốc, một quý ông tuyệt vời. Chúng tôi đã trò chuyện với nhau và tôi nói rằng: Chúng ta phải đạt được một thỏa thuận thương mại công bằng”.

Giới phân tích cho rằng trên mọi phương diện, tham vọng công nghệ của Trung Quốc là vấn đề trung tâm của các bất đồng nghiêm trọng nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay và khó có thể giải quyết thông qua một cuộc gặp. “Nếu nhìn vào chính sách điều hành của ông Trump trong vài tuần qua, bạn sẽ thấy những phàn nàn dồn dập tập trung vào các cuộc vận động nhằm thể hiện tầm ảnh hưởng và tham vọng trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc, một nguyên nhân gây tổn hại cho vai trò lãnh đạo của Mỹ”, Samm Sacks, học giả cao cấp ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) Washington, nói.

Hào hứng quá sớm

Giới đầu tư dường như đồng tình cho rằng các bản tin về kế hoạch cuộc gặp cấp cao Trump - Tập hào hứng quá sớm. Thị trường chứng khoản Mỹ hôm 2-11 đã phớt lờ tin tức về một thỏa thuận thương mại có thể đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc tại G20 khi chỉ số S&P 500 xóa tan thành quả tăng điểm vào đầu phiên giao dịch với điểm số giảm 0,63% xuống còn 2723 điểm vào lúc chốt phiên. Tương tự chỉ số Nasdaq cũng giảm 77 điểm, tức hơn 1% vào cuối phiên.

Trái ngược với các bản tin nói về việc ông Trump đã có cuộc trò chuyện tốt đẹp với ông Tập hôm 1-11 trong cuộc gặp giữa họ tại hội nghị G20, cùng ngày, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions chỉ trích gay gắt về các mưu đồ ăn cắp công nghệ Mỹ của Trung Quốc.

“Quá đủ rồi, chúng ta không chịu nổi được tình trạng này nữa”, Sessions nói sau khi Bộ Tư pháp Mỹ truy tố Công ty Mạch tích hợp Phúc Kiến Kim Hoa (Trung Quốc) cùng đối tác là Công ty United Microelectronics (Đài Loan) và ba cá nhân Trung Quốc ăn cắp các bí mật thương mại của công ty Micron Technology, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất của Mỹ.

Hai ngày trước đó, John Demers, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, cũng thông báo quyết định truy tố 10 gián điệp Trung Quốc tìm cách ăn cắp bí mật công nghệ hàng không của các công ty Mỹ. Đây là vụ truy tố thứ ba liên quan đến gián điệp Trung Quốc ăn cắp công nghệ Mỹ trong vòng chưa đầy hai tháng. Ông Demers nói đây mới chỉ là giai đoạn khởi đầu của các nỗ lực trấn áp hoạt động gián điệp mạng có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Công tư tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) nhận định trong một báo cáo nghiên cứu rằng các vụ truy tố gián điệp mạng gần đây nhằm vào Trung Quốc là nhằm xây dựng xung lực cho một nỗ lực đồng bộ hơn của Bộ Tư pháp Mỹ và các cơ quan khác của Mỹ nhằm chống lại những hành vi thâu tóm công nghệ trái phép của Trung Quốc cũng như nhằm chỉ ra rằng Trung Quốc vi phạm thỏa thuận ông Obama và ông Tập vào năm 2015 về việc cấm các hoạt động ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ qua mạng vì lợi ích thương mại dưới sự hậu thuẫn của chính phủ.

Báo cáo của Eurasia Group nhận định: “Bảo vệ nền tảng sáng tạo an ninh quốc gia và vai trò lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ giờ đây là một ưu tiên cao đối với các ban ngành quan trọng của chính phủ Mỹ”.
Derek Scissors, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc ở Viện Doanh nghiệp Mỹ, có trụ sở ở Washington, cho rằng hàng loạt vụ truy tố gián điệp mạng nhằm vào Trung Quốc thúc bách sự cần thiết phải đạt được triển vọng về một cuộc gặp mặt đối mặt giữa lãnh đạo Mỹ - Trung tại G20.

Mỹ - Trung sẽ đình chiến thương mại?

Dù Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Nhà Trắng Larry Kudlow bác bỏ bản tin của Bloomberg hôm 2-11, nói Tổng thống Trump đã chỉ thị nội các của ông soạn thảo một thỏa thuận cho cuộc gặp cấp cao với ông Tập (tại Argentina) nhưng ông Trump vẫn nói với các phóng viên tại Washington vào cùng ngày rằng: “Chúng tôi đã có cuộc thảo luận rất tốt với Trung Quốc. Chúng tôi đang tiến gần hơn đến việc phải làm điều gì đó... Tôi nghĩ chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận với Trung Quốc”.

Chuyên gia Derek Scissors lưu ý: “Chúng ta có một mẫu hình là khi Tổng thống thảo luận với Tập Cận Bình hay Vladimir Putin hay Kim Jong-un, ông ấy luôn có một chút hào hứng quá mức”. Theo ông, cuộc gặp cấp cao Trump - Tập là một cơ hội để xuống thang căng thẳng thương mại hơn là khả năng đạt được một thỏa thuận quan trọng giúp giải quyết các vấn đề cơ bản làm bùng phát cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

“Họ sẽ không ngồi ăn tối với nhau để gấp rút soạn ra một hiệp định thương mại giúp giải quyết mọi vấn đề nhưng sẽ có một lệnh đình chiến thương mại. Không thể đạt được một thỏa thuận khi Mỹ tiếp tục phản đối Trung Quốc mạnh mẽ hơn về nạn ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ”, chuyên gia Scissors nói.

Bất kỳ nhượng bộ nào của Mỹ về vấn đề ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ của Bắc Kinh cũng sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt của các nghị sĩ đảng Dân chủ vốn ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn của Trump trong suốt tiến trình phát động chiến tranh thương mại chống Trung Quốc. Trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ vào đầu tháng 11 tới được dự báo sẽ giúp các nghị sĩ đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát ở Hạ viện Mỹ, các nỗ lực để giữ họ tiếp tục tán thành về các vấn đề ngoại giao và an ninh quốc gia có thể trở nên quan trọng hơn đối với chính quyền ông Donald Trump.

Dưới sức ép chính trị như vậy, giới phân tích cho rằng ông Trump sẽ tuyến bố chiến thắng sau các cuộc thảo luận với ông Tập tại hội nghị G20 dù cho kết quả đạt được như thế nào đi nữa. Marty Latz, người sáng lập Viện Đàm phán Lazt (Mỹ), nhận xét: “Bất kỳ kiểu chiến thắng nào, nhỏ hay lớn mà ông Trump đạt được, dù cho người khác không cảm nhận đây là chiến thắng, ông ấy gần như chắc chắn sẽ loan báo đây là chiến thắng”.

Nhà Trắng không chỉ phản đối mạnh mẽ về mức thâm hụt thương mại quá lớn của Mỹ với Trung Quốc mà còn thúc ép Bắc Kinh từ bỏ chương trình “Made in China 2025” nhằm cung cấp sự hỗ trợ tài chính khổng lồ cho sự sáng tạo công nghệ trong nước. Song giới phân tích cho rằng vì xem chương trình này là một trụ cột trong các tham vọng nhằm thực hiện "Giấc mơ Trung Quốc" nên Bắc Kinh khó có khả năng đưa ra các nhượng bộ lớn.

Theo South China Morning Post

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281162/cuoc-gap-cap-cao-trump--tap-tai-g20-kho-co-ket-qua-dot-pha.html