Cuộc đua xếp hạng thi tốt nghiệp các tỉnh tạo ra vòng xoáy không có hồi kết!

GDVN- Để giữ được thứ hạng, cả trường, cả tỉnh ra sức làm công tác phân luồng học sinh, động viên các em có học lực trung bình không dự thi đại học...

LTS: Trong bài viết này, thầy giáo Dương Khánh Toàn, giáo viên Trường Trung học phổ thông Quang Hà, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc chia sẻ quan điểm của mình về việc xếp hạng điểm trung bình tốt nghiệp trung học phổ thông của các tỉnh thành.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo nảy ra sáng kiến xếp hạng các tỉnh, các trường trung học phổ thông qua điểm trung bình thi thì có vô số chuyện xảy ra. Thôi thì đủ cả ái, ố, hỉ, nộ, bi, hài,...

Có thể nói điểm trung bình thi trở thành tiêu chí số một để đánh giá chất lượng giáo dục của địa phương, của trường, của giáo viên và cuộc đua xếp hạng có thể so sánh với cuộc đua về GDP giữa các quốc gia.

Không chỉ có bấy nhiêu, "hiệu ứng cánh bướm" từ xếp hạng điểm thi đã kéo theo rất nhiều người khác vào cuộc chơi và tạo nên nhiều hệ lụy.

Đầu tiên là xếp hạng qua điểm trung bình thi đại học. Lúc đó trường tôi, tỉnh tôi luôn được xếp hạng cao.

Lí do thật ra cũng không đáng tự hào lắm vì khi đó số lượng học sinh thi đại học của chúng tôi rất ít, kém xa các tỉnh có truyền thống về giáo dục như: Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội...

Thế là, để giữ được thứ hạng, cả trường, cả tỉnh ra sức làm công tác phân luồng học sinh, động viên các em có học lực trung bình không dự thi đại học, chỉ những em thật sự vượt trội, có cơ hội đạt điểm cao mới được khuyến khích thi đại học.

Top 10 địa phương có điểm trung bình thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao nhất năm 2020. (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Top 10 địa phương có điểm trung bình thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao nhất năm 2020. (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Phân luồng học sinh thực ra là một chủ trương đúng đắn, tiết kiệm chi phí cho nhân dân và giảm bớt tình trạng thừa thầy thiếu thợ.

Nhưng lợi ích đáng kể là nhờ làm tốt công tác này mà thứ hạng của trường, của tỉnh luôn được đảm bảo (tỉ lệ thi ít, đã được chọn lựa nên đương nhiên điểm sẽ cao) dù các tỉnh bạn có vẻ không phục.

Giai đoạn tiếp theo là xếp hạng dựa trên điểm thi Trung học phổ thông, nghĩa là 100% học sinh. Lúc này phân luồng không có tác dụng gì nữa. Cách duy nhất để tăng hạng là đẩy mạnh công tác ôn tập cho học sinh.

Các trường đua nhau dạy ôn, làm sao ôn tập được càng nhiều vòng càng tốt, phương châm là "trăm hay không bằng tay quen", làm một lần sai thì làm 2 lần, 3 lần, 5 lần... sẽ quen, sẽ đúng.

Cách làm này nhận được sự đồng thuận của đa số phụ huynh vì ai cũng muốn con mình thi đỗ, đạt điểm cao.

Vì sao điểm thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh năm 2020 vẫn thấp?

Thầy cô tất nhiên là đồng lòng nhất trí vì ai cũng lo lắng cho chỉ tiêu đã được giao khoán.

Nhiều thầy cô sốt sắng giao bài cho học sinh hết tập này đến tập khác, xoay các em như chong chóng; học sinh thì rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan": dù không muốn cũng phải gồng mình lên học vì sợ không hoàn thành bài cô cho sẽ bị trách phạt hay làm cô buồn, mà học hết các môn thì không có sức.

Tuy nhiều em mục tiêu cũng chỉ là đỗ tốt nghiệp để học nghề, vào công ty làm công nhân hay xuất khẩu lao động (mà đỗ tốt nghiệp thì hầu như đều 100%). Cá nhân tôi nhiều khi thấy các em đạt điểm cao mà không mừng.

Cách học như sẽ tạo nên lối mòn cho tư duy của các em, triệt tiêu khả năng sáng tạo và đánh mất niềm vui đích thực của sự khám phá trong học tập.

Một bài toán hay cần cách giải độc đáo chứ không cần một bài giải hoàn hảo theo kiểu lối mòn.

Một bài văn hay là ở cảm xúc chân thực, lối diễn đạt trong sáng, giản dị chứ không phải là một bài văn dài hàng chục trang giấy mà chắp vá, vay mượn từ lời văn đến cảm xúc.

Tôi được biết có thầy giáo dạy văn giỏi, kiến thức uyên bác mà mấy năm liền không được nhà trường phân công dạy khối 12 vì thầy không ép học sinh học thuộc lòng để đạt điểm cao, tăng thứ hạng cho nhà trường.

Quan niệm "văn học là nhân học, dạy văn trước hết là dạy cho các em biết rung cảm trước cái đẹp, biết căm ghét cái xấu, biết cảm thông chia sẻ, yêu thương, biết làm người một cách cao đẹp nhất..." của thầy có phần phi thực tế và không hợp thời.

Một thầy giáo khác thì cho rằng: "Điểm 10 môn Giáo dục công dân không thể so với điểm 10 môn Toán, Văn, Anh (vì đề môn này ra rất dễ).

Hơn nữa nhiều khi nó cũng chẳng giúp được gì cho các em trong việc xét tuyển đại học".

Trước thềm năm học mới, nhiều báo đưa tin năm 2021 sẽ có nhiều thay đổi trong kì thi Trung học phổ thông, không còn kì thi “ba chung”, “2 trong 1” nữa. Chúng tôi lại thêm một lần hy vọng cuộc chạy đua xếp hạng điểm trung bình sẽ đến hồi kết.

Hơn ai hết chúng tôi mong mỏi khi chương trình giáo dục phổ thông mới đi vào thực hiện, chúng ta sẽ đánh giá học sinh theo đúng phương châm đánh giá năng lực.

Và tất nhiên là sẽ đánh giá lao động của người thầy qua sự phát triển của học sinh.

Dương Khánh Toàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cuoc-dua-xep-hang-thi-tot-nghiep-cac-tinh-tao-ra-vong-xoay-khong-co-hoi-ket-post212482.gd