Cuộc đua 'xanh' phát triển bền vững và hành động quốc gia

Kinh tế tuần hoàn, phát triển nguồn vốn con người và hợp tác công tư để phát triển bền vững là 3 vấn đề trọng tâm được thảo luận tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2019 với chủ đề 'Vì một thập niên phát triển bền vững hơn' diễn ra trong cả ngày 12/9, tại Hà Nội.

Hội nghị đã đề xuất 5 sáng kiến, gồm: Liên minh tái chế bao bì Việt Nam; Sáng kiến không xả thải vào thiên nhiên; Dự án phát triển thị trường nhựa tái sinh sau tiêu dùng; Thử nghiệm sử dụng rác thải nhựa để tái chế làm đường giao thông

Hội nghị đã đề xuất 5 sáng kiến, gồm: Liên minh tái chế bao bì Việt Nam; Sáng kiến không xả thải vào thiên nhiên; Dự án phát triển thị trường nhựa tái sinh sau tiêu dùng; Thử nghiệm sử dụng rác thải nhựa để tái chế làm đường giao thông

Hội nghị năm nay được đặt trong bối cảnh 10 năm tới (2020 - 2030). Đây là thời điểm quan trọng được coi là “nước rút” để Việt Nam hoàn thành Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững (PTBV) - VSDG bao gồm 115 các chỉ tiêu cụ thể trong nhiều lĩnh vực. Những kiến nghị từ Hội nghị được kì vọng sẽ là đầu vào giá trị, đóng góp tích cực nội dung xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, với tầm nhìn và chính sách mới, để đưa đất nước bước vào một thập niên PTBV hơn. Hội nghị thu hút hơn 800 đại biểu tham dự.

Chuyển đổi từ mô hình phát triển truyền thống sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang là một xu hướng PTBV, đạt được cả 2 mục tiêu: ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra, nhằm tiến tới mục tiêu xả thải bằng 0, không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế.

Trong năm 2018, Việt Nam xếp hạng thứ 54/162 quốc gia lọt vào top 30% quốc gia dẫn đầu về PTBV và chỉ thua Thái Lan trong khu vực ASEAN. Điều này cho thấy, so với các nước có cùng trình độ phát triển, Việt Nam đã đang vượt lên trong cuộc “đua xanh”. Điều này cho thấy, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các mục tiêu về PTBV. Tuy nhiên, nhiều DN Việt Nam hiện vẫn đang gặp khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận thị trường PTBV, trong khi ước tính đến năm 2030, có tới 12.000 tỷ USD từ thị trường PTBV và 4.500 tỷ USD/năm từ nền KTTH.

Để tiếp tục thúc đẩy thực hiện KTTH, Hội nghị đề xuất 5 sáng kiến, gồm: Liên minh tái chế bao bì Việt Nam; Sáng kiến không xả thải vào thiên nhiên; Dự án phát triển thị trường nhựa tái sinh sau tiêu dùng; Chương trình thử nghiệm sử dụng rác thải nhựa để tái chế làm đường giao thông; Sáng kiến xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp ở Việt Nam.

Tại Hội nghị, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị, cần đưa chủ trương thúc đẩy KTTH vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Quốc hội ban hành “Luật về thúc đẩy phát triển KTTH”. Cùng với đó, Quốc hội và Chính phủ cần có chính sách để khuyến khích phát triển các mô hình KTTH trong cộng đồng dân cư và DN. Đồng thời, xác định rõ DN đóng vai trò trung tâm trong việc thực hiện phát triển KTTH.

“Muốn KTTH có thể “cất cánh” tại Việt Nam, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ, sự hỗ trợ kỹ thuật từ các cơ quan tổ chức quốc tế, đặc biệt động lực chính là từ các DN. Khi DN nhận thức rõ lợi ích từ mô hình này, DN sẽ chủ động nắm bắt cơ hội và triển khai”, ông Nguyễn Quang Vinh – Thư ký VCCI kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng DN vì sự PTBV Việt Nam (VBCSD) nhận định.

Lê Xuân

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/doanh-nghiep/cuoc-dua-xanh-phat-trien-ben-vung-va-hanh-dong-quoc-gia-108669.html