'Cuộc đua tử thần' giữa Mỹ và Liên Xô

Cuộc chạy đua ở cự li 10.000 mét dưới trời nắng nóng của 4 vận động viên Mỹ và Liên Xô tại Philadelphia năm 1959

Ảnh: Robert W. Kelley / Bộ sưu tập hình ảnh LIFE qua Getty Images

Ảnh: Robert W. Kelley / Bộ sưu tập hình ảnh LIFE qua Getty Images

Ngày 18 tháng 7 năm 1959, tại Philadelphia, có một cuộc thi đấu thể thao được tổ chức giữa các đội điền kinh quốc gia Liên Xô và Hoa Kỳ. Cuộc thi đấu được tiến hành trong điều kiện khá nguy hiểm do nhiệt độ và độ ẩm cao bất thường.

Tuy nhiên, đại diện của các liên đoàn đã từ chối hoãn cuộc thi vì ai cũng nghĩ rằng nếu đề xuất hoãn thi đấu sẽ được coi là biểu hiện của sự yếu kém. Có bốn vận động viên bước vào vị trí xuất phát ở cự li 10.000 mét.

Trong bốn vận động viên chỉ còn một người về tới đích mà vẫn còn đứng được, đó là Alexei Desyatchikov. Vận động viên Mỹ Robert Sot đã trải qua quá trình chết lâm sàng ngay tại sân vận động, còn người đồng hương Max Trueks của anh và vận động viên Liên Xô Hubert Parnakivi đã được chăm sóc đặc biệt và sau đó không thể nào phục hồi sức khỏe.

Trước năm 1983, các giải vô địch thế giới về điền kinh chưa được tổ chức. Giải đấu duy nhất mà có các VĐV của hai quốc gia trở lên tham gia là giải điền kinh của Hội Chữ thập quốc gia, được tổ chức hàng năm từ năm 1903 đến năm 1972 có sự gián đoạn trong thời gian các cuộc chiến tranh thế giới.

Các cuộc thi đấu giữa các quốc gia cũng được thường xuyên tổ chức và được coi là các cuộc thi chính để chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic.

Quy tắc của cuộc thi rất đơn giản. Bốn vận động viên của hai nước tham gia, mỗi đội 2 người, phải vượt qua một cự li mười km. Người chiến thắng mang về cho đội mình 5 điểm, người đứng thứ hai – 3 điểm, thứ ba – 2 điểm và người về đích cuối cùng – 1 điểm. Các vận động viên không về đích đương nhiên không nhận được điểm nào.

Tháng 7 năm 1959, tại Philadelphia, 4 vận động viên của Liên Xô và Hoa Kỳ đã tham gia thi đấu, một bên là: Alexei Desyatchikov và Hubert Parnakivi, còn bên kia là Robert Sot và Max Trueks.

Một năm trước, năm 1958, tại Moscow, các vận động viên Mỹ đã thua cuộc trong một cuộc đối đầu tương tự và họ đang tính đến việc trả thù. Đội Liên Xô cũng không muốn nhường ngôi.

Vào buổi sáng của ngày thi đấu, mặc dù thấy rõ là không thể chạy trong điều kiện thời tiết như vậy, nhưng sự cám dỗ quá lớn đã lôi kéo các vận động viên đến vạch xuất phát.

Cột thủy ngân của nhiệt kế lúc gần trưa ngày 18 tháng 7 đã tăng lên 34 độ C. Ở mức độ ẩm 85-90 %, không khí ngột ngạt không thể chịu đựng được.

Các bác sĩ đã cảnh báo: cuộc đua cần phải lui lại, ít nhất là cho đến lúc chiều tối. Nhưng ban tổ chức không thể quyết định được điều gì nếu không có sự chấp thuận của hai đội Liên Xô và Mỹ, còn hai đội lại không muốn thay đổi bất cứ điều gì để không tỏ ra mềm yếu trước đối thủ.

Vậy là, vào lúc 13:00 giờ địa phương, bốn vận động viên đã vào vạch xuất phát của đấu trường Franklin Field.

"Anh ấy bắt đầu chạy chậm dần, cho đến khi ngã quỵ"

Bảy cây số đầu tiên diễn ra bình thường. Desyatchikov và Parnakivi dẫn đầu với tốc độ vừa phải. Không thấy ai vội vàng, chờ đợi thời điểm thích hợp để tăng tốc. Trong thời tiết như vậy, mọi việc sẽ được quyết định bởi chiến thuật: mọi người cho rằng chưa cần tăng tốc ở khoảng cách 1 km trước khi về đích.

Nếu hành động khác đi sẽ giống như là tự sát – bởi phản ứng của cơ thể đối với sự gia tăng đột ngột của tải trọng trong khoảng cách cuối cùng là điều không ai có thể dự đoán được. Tuy nhiên, Sot có ý định đánh bại các đối thủ, nên anh ta đã vượt lên khỏi nhóm ở km thứ tám. Dường như, anh cảm thấy mình đủ sức để giành chiến thắng.

Và quả thực là anh đã dẫn đầu trong vài trăm mét tiếp theo. Rồi bỗng nhiên, anh bị ngất ngay trên đường đua. Đoạn phim ghi lại cho thấy đôi chân của anh bắt đầu xiêu vẹo đan chéo vào nhau theo đúng nghĩa đen: người VĐV dường như quay tròn trong một điệu nhảy khủng khiếp rồi ngã khuỵu xuống.

“Sot là người gục ngã đầu tiên. Anh bắt đầu chạy chậm dần, cho đến khi ngã gục xuống đường đua”, Desyatchikov nhớ lại. Robert đã cố đứng dậy mấy lần, nhưng không sao đứng dậy nổi.

Đã thế, các trọng tài lại không cho phép các bác sĩ tới hỗ trợ, vì điều này có nghĩa sẽ dẫn đến việc VĐV bị loại. Petrov, một bác sĩ Liên Xô, định chạy đến chỗ người vận động viên bị ngã, nhưng không được. Các nhà tổ chức hy vọng rằng vận động viên Mỹ sẽ hồi tỉnh và tiếp tục cuộc đua.

Vài phút sau, Sot đứng dậy, ngó nghiêng xung quanh, rồi dang tay: anh không hiểu phải làm gì và chạy đi đâu. Những tiếng hò hét từ phía khán giả nhắc hướng chạy. Người vận động viên thực hiện thêm vài bước nữa, rồi anh ngã lăn ra, dường như đã chết.

Bác sỹ Petrov túm lấy VĐV người Mỹ và kéo anh ta vào chỗ bóng râm. “Đây là vấn đề liên quan đến chuyện sống, chết. Trong cơ thể của Soth không còn muối và oxy. Mọi thứ đều đã thoát ra ngoài hết rồi”, vị bác sĩ giải thích.

Petrov đã massage tim cho VĐV, khi đó các bác sĩ Mỹ mới chạy đến. Robert không có dấu hiệu của sự sống mất một lúc, nhưng rồi anh đã được cứu. Sau đó, các bác sĩ đã xác định: anh bị chết lâm sàng.

Hubert Parnakivi, Alexey Desyatchikov, Robert Sot (từ trái sang phải) Ảnh: Robert W. Kelley / Bộ sưu tập hình ảnh LIFE qua Getty Images

"Anh ấy chỉ chạy theo ý chí"

Khi Sot gục ngã, sức của Parnakivi cũng đã giảm đi nhiều. VĐV người Mỹ sụp đổ xuống ngay dưới chân anh, nhưng tại thời điểm đó, Hubert thú nhận là anh không hiểu được chuyện gì đang xảy ra. “Anh ấy không nhận thức được là mình đang chạy, mà chỉ chạy theo ý chí mà thôi” Gavriil Korobkov, Huấn luyện viên của đội tuyển Liên Xô, người cũng có mặt ở sân vận động hôm đó, nhận xét.

Mặc dù vậy, VĐV người Estonia (Thuộc Liên Xô cũ) vẫn tiếp tục những bước chạy liêu xiêu. Anh để cho Trueks vượt lên, mặc dù trông VĐV này cũng không còn trụ được bao lâu nữa. Hubert huơ tay, đầu ngoẹo đi ngoẹo lại, nhưng không rút lui khỏi cuộc đua - anh vẫn hy vọng mang lại thêm điểm cho đội của mình.

VĐV người Estonia thực sự có ý định tiếp tục chạy: còn đồng đội Desyatchikov của anh, trông vẫn còn tương đối tươi tỉnh, nên đội Liên Xô có cơ hội chiến thắng. Khi Sot được các bác sỹ hỗ trợ y tế, trên sân vận động bắt đầu có sự hỗn loạn.

“Nhiều khán giả đã khóc. Nhưng điều tồi tệ nhất là các trọng tài đã ngừng làm việc. Người ta nói rằng Desyatchikov đã phải chạy thêm một vòng vì các trọng tài đã quên đếm.

Và thế là anh cứ thế chạy! Mười nghìn bốn trăm mét! Đó quả là một con người thép, khi về tới đích, người anh đã tím tái. Nhưng anh là người duy nhất trong số 4 VĐV là còn đứng được”, ông Kor Korobkov tả lại. VĐV Liên Xô này đã giành chiến thắng với kết quả 31 phút 40,6 giây.

Theo sau Desyatchikov, Truex cũng đã hoàn thành cuộc đua. Cả anh cũng vậy, phải chạy thêm mất 1 vòng. Người thứ ba về đích là Parnakivi. Theo thông tin chưa được xác nhận, ở 1 trăm mét cuối cùng, VĐV này đã chạy hết 1 phút – tất nhiên là bằng những bước chạy hết sức khó khăn.

Hai người về thứ hai và thứ ba gần như ngã gục khi chạm đích: cả hai bị ngã lăn xuống đường đua và nằm chờ các bác sĩ chạy đến trong một tư thế không được tự nhiên. Họ ngay lập tức được xe cứu thương đưa đi và được chăm sóc đặc biệt trong vòng một tuần.

Đội Liên Xô đã thắng. Nhưng ngày hôm sau, một cuộc chạy đua của các VĐV nữ đã diễn ra, và theo kết quả của cả hai ngày thi đấu thì huy chương vàng vẫn thuộc về đội Mỹ.

SốphậncủacácVĐV đó girasao?

Thực chất, đây là sự kết thúc sự nghiệp của những VĐV tham gia cuộc thi đó. Ngay cả đối với Desyatchikov, người tưởng như không phải chịu hậu quả rõ rệt về sức khỏe trong cuộc đua lần ấy, thì đến năm 1960, trong Thế vận hội Olympic ở Rome, anh chỉ là người về đích thứ tư.

Trong cùng năm đó, anh đã giành được giải vàng của một giải đấu không quá danh giá - chỉ là giải vô địch của các quốc gia Scandinavi – rồi sau đó, vĩnh viễn biến mất khỏi sân đua.

Sức khỏe của Parnakivi đã được hồi phục nhưng chỉ để cho cuộc sống bình thường, chứ không phải cho thể thao. Anh không còn chạy với tốc độ như trước và không đủ điều kiện cho Thế vận hội. Sau đó, người ta không còn được nhìn thấy anh trên đường đua. Chỉ còn một tượng đài của anh ở Estonia nhắc cho mọi người nhớ tới người anh hùng.

Soth cũng có số phận tương tự - anh cũng không thể lấy lại phong độ trước đây và từ bỏ thi đấu. Còn Trueks, mặc dù có vấn đề về tim nhưng anh vẫn tham gia chạy tại Thế vận hội ở Rome, nhưng chỉ chiếm vị trí thứ sáu.

Năm 1962, một lần nữa anh lại đại diện cho Hoa Kỳ trong một cuộc thi đấu với các vận động viên Liên Xô. Ở đó anh có thêm một vết thương to, phải điều trị hơn một năm mới khỏi, và kết thúc cuộc đời thi đấu của mình. Và ở tuổi 40, anh được chẩn đoán là mắc bệnh Parkinson.

Cảnh trong phim "Thể thao, Thể thao, Thể thao"

Ở Liên Xô, 12 năm liền người ta không nhắc đến kỳ tích này của các vận động viên. Tại sao phải giữ kín vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời. Chắc là, người ta cũng không cố tình che giấu thông tin này, vì năm 1959, có một câu chuyện trong mục tin tức cũng đã dành riêng, nói về trận đấu ở Philadelphia và được phát trên đài phát thanh.

Đơn giản chỉ là vì câu chuyện khá khô khan, không có nhiều kịch tính. Công chúng đã được biết đến toàn bộ sự thật qua bộ phim của Elem Klimov “Thể thao, Thể thao, Thể thao” (năm 1970), trong đó có sử dụng các cảnh thật được lưu trữ.

Đoạn phim này đã được một người hâm mộ Mỹ trao cho đạo diễn. Anh này muốn thử nghiệm chiếc máy quay của mình trong cuộc đua và anh ta không hề nghĩ rằng đoạn phim lại có giá trị lớn như vậy.

Hai tuần sau khi bộ phim được phát hành, Parnakivi thậm chí còn được trao danh hiệu Kiện tướng thể thao Công huân. Đích thân Leonid Brezhnev đã lo việc này. Desyatchikov thì đã nhận danh hiệu Kiện tướng thể thao Công huân trước đó - trong Thế vận hội 1960.

Hiện nay, trong số những người tham gia "cuộc đua tử thần" chỉ Sot là còn sống, ông đã 86 tuổi. Truex mất năm 1991, Parnakivi mất năm 1993, còn Desyatchikov mất năm 2018.

Nguyễn Quang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-thao/su-kien/cuoc-dua-tu-than-giua-my-va-lien-xo-3397054/