Cuộc đua tàu siêu tốc 4.0 (K1): Đẳng cấp Shinkansen

Từ lâu, việc phát triển hệ thống tàu cao tốc đã là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của các quốc gia từ Á sang Âu, Mỹ...

Trong cuộc đua này, dường như các nước châu Á đang có phần thắng thế, cho đến khi các nước phương Tây tung ra một loại hình tàu cao tốc hoàn toàn mới.

Từ xưa đến nay, hễ nói đến tàu cao tốc phải nói đến Nhật Bản. Ngay từ cuối thế kỷ 19 thời Minh trị, xã hội Nhật Bản đã hiện đại hóa nhanh chóng với biểu tượng là những đoàn tàu hỏa. Và hiện nay, hệ thống tàu Shinkansen của Nhật Bản được xem là chuẩn mực của tàu cao tốc.

Lên kế hoạch từ thế chiến 2
Từ năm 1930 Nhật Bản đã có ý tưởng về việc phát triển hệ thống tàu cao tốc. Các tài liệu cho biết Tổng công trình sư Hideo Shima và Chủ tịch Công ty Đường sắt quốc gia Nhật Bản (JNR) đầu tiên, ông Shinji Sogo, đã đề cập và thảo luận về vấn đề này. Họ đã phác thảo và lên kế hoạch xây dựng hệ thống tàu cao tốc trong suốt thế chiến 2. Cùng với những chiến thắng của Nhật Bản là việc mở rộng thuộc địa, nên chính quyền Nhật hoàng có tham vọng xây dựng một hệ thống tàu cao tốc trải dài khắp châu Á, nối liền Bắc Kinh với hệ thống đường ngầm xuyên biển và vươn tới tận Singapore.

Tuy nhiên, dự án này đã bị đình trệ khi nước Nhật bại trận. Sau đó, ý tưởng về tàu cao tốc bị hoài nghi khi chính quyền Tokyo cho rằng mạng lưới đường sắt đã lỗi thời trước ngành hàng không và những tuyến đường bộ cao tốc. Tuy vậy, Chủ tịch Shinji Sogo của JNR đã cực lực bảo vệ ý tưởng này, được chính phủ chấp thuận vào năm 1958 và bắt đầu khởi công vào năm 1959.

Để thuyết phục được chính phủ, ông Shogo cố tình trình bản dự thảo chi phí thấp hơn thực tế tới 200 tỷ yen. Sau đó, khi số vốn đội lên thêm 200 tỷ yen, ông đã dũng cảm từ chức để nhận hoàn toàn trách nhiệm. Dẫu vậy, tầm nhìn của ông Shogo đã đúng khi mạng lưới tàu cao tốc đem lại thành công ngoài mong đợi.

Bằng mạng lưới tàu cao tốc, 40 triệu người dân Tokyo đã có thể kết nối với hơn 20 triệu người ở Osaka, Kobe, Kyoto trong 1 ngày di chuyển khi các công nghệ về thông tin liên lạc còn chưa thực sự phát triển. Rất nhiều người dân Nhật giàu có hay các thương nhân thời đó sẵn sàng trả mức vé cao để đi tàu cao tốc. Chỉ trong vòng 3 năm khai trương, hệ thống tàu cao tốc đã vận chuyển 100 triệu hành khách và đạt mốc 1 tỷ người vào năm 1976. Hiện nay, con số này là 353 triệu người hàng năm.

Năm 1964, tuyến tàu cao tốc đầu tiên Đông Hải Đạo Shinkansen (Shinkansen Tokaido) dài 615,4km đã được khai trương, nối Tokyo và Osaka, giúp giảm thời gian vận chuyển từ 6 giờ xuống còn 4 giờ. Việc khai trương tuyến tàu cao tốc đầu tiên đã đạt được đúng “thiên thời” khi trùng với dịp diễn ra thế vận hội Olympic tại Tokyo. Những đoàn tàu cao tốc thực sự đã gây ấn tượng mạnh với du khách quốc tế cũng như người dân địa phương. Số lượng hành khách đi tàu cao tốc tại Nhật Bản gia tăng nhanh chóng, khuyến khích chính phủ quyết định mở rộng mạng lưới này.

Đủ cả tam tài
Ra đời đúng thời điểm nên được người dân ủng hộ. Nhưng một trong những yếu tố quan trọng góp phần khiến ngành tàu cao tốc Nhật Bản phát triển mạnh là vị trí địa lý. Hầu hết 128 triệu dân Nhật Bản tụ tập tại các khu vực đông dân cư và những trung tâm đông đúc này nằm ở khoảng cách khiến di chuyển bằng tàu cao tốc sẽ tiện lợi, nhanh chóng hơn cả máy bay lẫn ô tô. Theo nghiên cứu, đường sắt cao tốc thích hợp nhất cho những chuyến đi 2-3 giờ (250–900km), với khoảng cách này tàu cao tốc có thể thắng cả máy bay và ô tô.

Khi đi lại chưa tới 650km, quá trình checking và kiểm tra an ninh tại các sân bay, cũng như thời gian cho chính chuyến bay khiến thời gian đi bằng máy bay không nhanh hơn đường sắt cao tốc. Với những chuyến tàu cao tốc Shinkansen, người dân Nhật Bản ở các khu vực đông dân cư cách nhau chưa tới 1.000km có thể dễ dàng di chuyển, hợp tác làm ăn, du lịch.

Tàu cao tốc cũng có tính cạnh tranh với ô tô trên những khoảng cách ngắn, như 50-150km cho những người phải đi làm hàng ngày nếu có sự tắc nghẽn đường bộ hoặc những người phải trả phí đỗ xe đắt đỏ ở nơi làm việc. Đi lại bằng đường sắt cũng ít phụ thuộc hơn vào thời tiết so với đường không. Nếu hệ thống đường sắt được thiết kế và điều hành tốt, các điều kiện thời tiết cực đoan như tuyết lớn, nhiều sương mù và bão không ảnh hưởng tới các chuyến đi; trong khi đó những chuyến bay thường bị hủy bỏ hay trì hoãn trong các điều kiện đó.

Hệ thống tàu Shinkansen của Nhật Bản được xem là chuẩn mực của tàu cao tốc.

Hệ thống tàu Shinkansen của Nhật Bản được xem là chuẩn mực của tàu cao tốc.

Viên đạn bạcTrong tiếng Anh, cách gọi thông dụng những con tàu của hệ thống Shinkansen Nhật Bản là “Bullet train”- nghĩa là những con tàu hình viên đạn. Với mũi tàu thuôn dài, các toa xe sạch sẽ, ô cửa sổ rộng hơn nhiều lần so với máy bay của tàu Shinkansen, hành khách sẽ cảm nhận được phong cảnh gần gũi hơn. Shinkansen hấp dẫn không chỉ với du khách người nước ngoài mà chính những người Nhật Bản.

Tàu Shinkansen chạy trên loại đường ray kiểu thông thường nhưng được gia cố và bảo trì nghiêm ngặt. Một hệ thống kiểm soát tự động được áp dụng để tránh tai nạn bằng cách duy trì khoảng cách an toàn giữa các tàu, đồng thời ngăn không để tốc độ vượt quá giới hạn cho phép.

Tất cả các tàu đều được giám sát và kiểm soát bằng các hệ thống vi tính kiểm soát giao thông ở Tokyo. Các toa tàu đều được thiết kế theo hình dáng khí động học, cửa sổ không thể mở ra nhưng bên trong được thông gió và có gắn hệ thống điều hòa không khí. Vận tốc các tàu Shinkansen không ngừng được nâng lên qua những lần thay đổi về cấu tạo, thiết kế…

Tốc độ đầu tiên của Shinkansen là 210km/giờ vào năm 1964 về sau được nâng lên 320km/giờ và hiện tại là 320km/giờ với tàu E5 tuyến Tohoko Shinkansen. Hầu hết chuyến tàu cao tốc ban đầu của Nhật Bản chú trọng vào độ an toàn hơn là tốc độ, chúng hầu hết được giữ ở mức 210km/giờ và chỉ được nâng dần khi những công nghệ mới ra đời đảm bảo tính an toàn tuyệt đối.

Hiện nay, chiếc tàu cao tốc nhanh nhất trên thế giới là tàu SCMaglev của Nhật Bản, với tốc độ tối đa có thể đạt 603km/giờ. Tuy nhiên, vì lý do an toàn người Nhật không cho tàu chạy hết vận tốc, mà chỉ duy trì vận tốc hoạt động ở mức 320km/giờ, thấp hơn hệ thống tàu cao tốc của Trung Quốc (350km/giờ). Mức giá vé tàu cao tốc dù đắt nhưng vẫn rẻ hơn vé máy bay. Với khoảng cách dưới 750km, tàu cao tốc hoàn toàn áp đảo các hãng hàng không về chất lượng, thời gian và mức giá.

Theo các tài liệu, dù công nghệ tàu cao tốc được phát triển đầu tiên ở Đức hay Pháp, nhưng Nhật Bản đã gửi các kỹ sư công nghệ sang học tập khá nhanh và đến nay có một số công nghệ của Đức được Nhật áp dụng xây tàu cao tốc, trong khi tác giả của chúng thậm chí chưa xây được con tàu nào dùng kỹ thuật này. Một điểm đáng chú ý khác, các công ty đường sắt ở Nhật Bản tính ra rằng tỷ lệ tàu Shinkansen đến bến đúng giờ, không sai 1 giây là 96,1%.

Theo Japan Today, năm 2012 các tập đoàn đường sắt Nhật Bản đã xin lỗi hành khách vì để số thời gian trễ chuyến trong cả năm lên đến 36 giây (tuyến Tokyo - Osaka). Hay mới đây, công ty điều hành tàu Nhật Bản đã công khai xin lỗi hành khách vì tàu... khởi hành sớm 20 giây. Con tàu nổi tiếng thế giới này cũng luôn xếp hạng nhất về mức độ an toàn khi chạy trong điều kiện thiên tai, mưa bão, thậm chí vẫn đúng giờ cho dù gặp động đất.
(còn tiếp)

Vinh Trang

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/ho-so/cuoc-dua-tau-sieu-toc-40-k1-dang-cap-shinkansen-57772.html