Cuộc đua tăng lãi suất đầu tiên sau đại dịch

Thời gian gần đây, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có dấu hiệu 'hồi sinh' - đặc biệt tăng mạnh tại các kỳ hạn ngắn từ 3 đến 6 tháng. Ðây được xem là cuộc đua tăng lãi suất huy động đầu tiên sau 2 năm đại dịch COVID- 19 bùng phát.

Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã tăng nhanh. Ảnh : PV

Hiện có khoảng 12 ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm với các mức tăng khác nhau. Ở mức (tăng) gần như cao nhất, Ngân hàng TMCP An Bình với lãi suất tiết kiệm 0,4-0,5% cho các kỳ hạn 6, 9 và 12 tháng. Trên kênh điện tử, các kỳ gửi đều được nâng lãi suất, riêng kỳ 9 tháng được điều chỉnh đến 0,7 phần trăm. Lãi suất tiết kiệm 12 tháng tại quầy của SHB tăng thêm 0,4%/năm. Ngân hàng TMCP Nam Á tăng lãi suất thêm 0,1 phần trăm cho hạn gửi 6 và 9 tháng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để thu hút khách hàng gửi tiền tiết kiệm, ngoài bảng lãi suất niêm yết, khi khách hàng đến gửi tiết kiệm với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên sẽ được nhân viên ngân hàng “rỉ tai” cộng thêm khoảng 0,3% với một số kỳ hạn.

Biểu lãi suất tiết kiệm VNĐ kỳ hạn 6 tháng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội ghi rõ, với số tiền gửi dưới 2 tỷ đồng, lãi suất ở mức 5,4%, số tiền từ 2 tỷ đồng trở lên là 5,5%. Tuy nhiên, nhân viên phòng giao dịch của Ngân hàng SHB tại Đống Đa (Hà Nội) tư vấn, khi khách làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm tại quầy, số tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên sẽ hưởng mức lãi suất 6,7% cho kỳ hạn 6 tháng.

Vì sao tăng mạnh lãi suất huy động?

Đầu tiên, chính là lạm phát có xu hướng tăng, khả năng duy trì mặt bằng lãi suất thấp rất thách thức với các tổ chức tín dụng. Cụ thể, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) phân tích, lạm phát tháng 4/2022 tăng từ 0,3-0,4% so với tháng trước và tăng 2,21-2,31% so với cùng kỳ năm ngoái do giá xăng dầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Áp lực lạm phát sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thắt chặt cung tiền ra thị trường, do đó không thể giúp các NHTM duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào nữa. Từ đó, NHTM buộc phải tăng lãi suất tiền gửi để hút tiền vào.

Kế đến, sau khi dịch COVID-19 tạm được đẩy lùi, dòng tiền nhàn rỗi không còn cơ hội trú ẩn kênh đầu tư tài chính như chứng khoán, tiền ảo, vàng, mà buộc phải “nắn dòng” quay vào sản xuất. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, trong 2 năm gần đây, lãi suất tiết kiệm giảm thấp khiến nhà đầu tư không mặn mà đã làm dòng tiền gửi vào ngân hàng giảm sút. Trong bối cảnh NHTM cần hút dòng tiền quay trở lại và nhiều nước trên thế giới tăng lãi suất tiết kiệm, việc tăng lãi suất tiết kiệm là tất yếu.

Thêm một lý do khiến cuộc đua tăng lãi suất huy động đến vào thời điểm này là nhu cầu tăng tín dụng, mở rộng cho vay tại các nhà băng.

Khánh Minh - Quỳnh Nga

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cuoc-dua-tang-lai-suat-dau-tien-sau-dai-dich-post1436114.tpo