Cuộc đua tài trên sông nước

Đua ghe Ngo là lễ hội truyền thống nhiều đời nay của đồng bào Khmer ở Nam bộ. Đến nay, lễ hội đua ghe Ngo đã trở thành một sản phẩm văn hóa, thể thao, du lịch đặc thù của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và cộng đồng cư dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Theo tương truyền, tục đua ghe Ngo của người Khmer lần đầu tiên được tổ chức tại “Pem Kon Thô” (tức là Vàm Dù Tho ngày nay, thuộc huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng). Sau nhiều lần dời đổi địa điểm, đến nay, lễ hội đua Ghe đã được tổ chức tại nhiều địa phương như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang với quy mô ngày một lớn.

Để giữ thăng bằng cho ghe Ngo, các tay bơi phải phối hợp rất nhịp nhàng

Để giữ thăng bằng cho ghe Ngo, các tay bơi phải phối hợp rất nhịp nhàng

“Tuk Ngô” (ghe Ngo) có kết cấu khởi thủy là thuyền độc mộc, làm bằng cây gỗ lớn hai người ôm. Ngày nay, những thân cây gỗ lớn hầu như không còn nữa nên ghe Ngo hiện đại được đóng bằng ván gỗ.

Những chiếc ghe Ngo tạo nên bức tranh sinh động, nhiều màu trên sông nước

Ghe Ngo có chiều dài khoảng 22 đến 24 mét, ngang 1,2 mét, được trang trí hoa văn sặc sỡ. Mỗi chiếc ghe Ngo sử dụng khoảng 50 - 60 tay bơi. Chiếc ghe Ngo được tạo dáng như con rắn dài, đầu và lái đều cong nên khi bơi đòi hỏi những người ngồi trên ghe phải phối hợp nhịp nhàng, để ghe không bị mất thăng bằng và không lật chìm. Chính vì vậy, trước khi tham dự cuộc đua, các tay bơi phải khổ luyện, rèn kỹ thuật và sự phối hợp sao cho tất cả nhập sức làm một nhịp chèo, đưa ghe bay về đích.

Các đội ghe Ngo với hàng trăm vận động viên hào hứng tranh tài

Từ ý niệm “vạn vật hữu linh”, người Khmer tin rằng, ghe Ngo cũng là vật thiêng liêng nên mọi hoạt động liên quan đến ghe Ngo đều phải làm lễ cầu xin. Hội đua ghe Ngo không chỉ được xem như một phong tục tốt đẹp của đồng bào Khmer, mà chiếc ghe Ngo còn được xem là tài sản quý giá và thiêng liêng của phum sóc.

Mỗi chiếc ghe Ngo đều được trang trí hoa văn sặc sỡ, cầu kỳ

Trước kia, chiếc ghe Ngo chỉ được hạ thủy một lần trong năm vào ngày lễ hội Oóc-om-bók, mỗi lần hạ thủy phải làm lễ long trọng. Ngày nay, chiếc ghe Ngo được sử dụng để các tay bơi trình diễn và tranh tài cả vào dịp đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer.

Nhờ sự hấp dẫn, sôi nổi và quyết liệt của các cuộc đua ghe Ngo nên Lễ hội đua ghe Ngo ngày nay trở thành ngày hội chung của các dân tộc sinh sống ở Đồng bằng sông Cửu Long như: Kinh - Khmer – Hoa.

T.H

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cuoc-dua-tai-tren-song-nuoc-118163.html