Cuộc đua nghìn tỷ của các đại gia ngoại trong ngành Nhựa

Trong khi Nhà nước đang đẩy mạnh việc thoái vốn tại hai doanh nghiệp đầu ngành Nhựa là Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong thì một số doanh nghiệp nước ngoài dường như đã đợi sẵn để 'phất cờ'.

Một Cty thành viên của Tập đoàn SCG Thái Lan vừa đăng ký mua toàn bộ số CP SCIC thoái vốn tại Cty CP Nhựa Bình Minh. Ảnh: TM

Đại gia Thái Lan muốn nhảy vào Nhựa Bình Minh

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố chào bán cạnh tranh hơn 24,1 triệu cổ phần BMP của Công ty Cổ phần (Cty CP) Nhựa Bình Minh (BMP), tương đương 29,51% vốn điều lệ. Giá chào bán khởi điểm là 96.500 đồng/cổ phần. Giá đặt mua của nhà đầu tư tham gia chào bán cạnh tranh không thấp hơn giá khởi điểm và giá sàn của cổ phiếu BMP tại ngày chào bán (9/3).

Ngay sau đó, The Nawaplastic Industries, Cty thành viên của Tập đoàn SCG Thái Lan đăng ký mua toàn bộ số cổ phần SCIC thoái vốn. Căn cứ theo giá khởi điểm, The Nawaplastic sẽ cần tối thiểu gần 2.326 tỷ đồng để sở hữu toàn bộ 29,51% vốn nói trên.

Hiện The Nawaplastic đang sở hữu 20,4% vốn điều lệ BMP. Nếu chào mua thành công, cổ đông Thái này sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên 49,91% vốn. Ở góc nhìn xa hơn, The Nawaplastic còn có thể tiếp tục tăng tỷ lệ CP kiểm soát tại BMP bằng việc mua thêm cổ phiếu thông qua mua khớp lệnh hoặc mua thỏa thuận.

Siam Cement Group (SCG) là Cty mẹ của CtyCP Nhựa Tân Đại Hưng (TPC) và TPC nắm giữ Nawaplastic. SCG có tham vọng xây dựng chuỗi giá trị trong ngành Nhựa tại Việt Nam. Hiện SCG sở hữu một Cty sản xuất hạt nhựa (TPC Việt Nam) và từ lâu đã muốn có thêm một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa với mạng lưới phân phối tốt tại Việt Nam.

Cty Nhật Bản nhòm ngó Nhựa Tiền Phong?

Không chỉ sở hữu CP tại Nhựa Bình Minh, SCIC còn nắm giữ 37,15% vốn điều lệ tại Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP). Vào tháng 11/2017, SCIC có công bố lộ trình bán vốn tại NTP và dự kiến hoàn tất giao dịch vào những ngày cuối cùng của tháng 12. Tuy nhiên sau đó, SCIC lại thay đổi kế hoạch, giãn thời gian bán vốn tại NTP và cho biết sẽ công bố lại sau khi có phê duyệt chính thức từ các cấp thẩm quyền.

Cái khó của SCIC trong việc bán vốn ở NTP một phần vì tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ còn khoảng 25%. Nhưng cổ đông NTP lại không đồng ý nới rộng tỷ lệ sở hữu này lên 100% theo nội dung họp tại Đại hội cổ đông bất thường 2017.

Trong khi đó, tại NTP, một Cty Nhật Bản là Sekisui Chemical đã sở hữu 15% vốn và đây là số CP được mua lại từ The Nawaplastic (đơn vị đang nhắm mua Nhựa Bình Minh). Đại diện Sekisui Chemical là ông Noboru Kobayashi từng cho biết chưa có ý định mua lại CP NTP từ đợt thoái vốn của SCIC. Tập đoàn Sekisui ủng hộ Nhựa Tiền Phong nên thuộc sở hữu của người Việt Nam.

Hiện tại, SCIC chưa đưa ra thời gian bán vốn chính thức tại NTP nên việc Sekisui Chemical có gia tăng sở hữu hay không là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, CtyCP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) dự đoán Sekisui Chemical sẽ trở thành bên mua tiềm năng số CP của SCIC và nâng tỷ lệ kiểm soát lên 52,1% CP NTP nếu SCIC thoái vốn. Điều này không phải không có cơ sở khi Sekisui Chemical đã hợp tác với NTP trong chuyển giao công nghệ và các hoạt động thương mại kể từ năm 2013. Ngoài ra vào tháng 7 năm 2017, chính Sekisui Chemical cũng đã mua 25% vốn tại Nhựa Tiền Phong Miền Nam, Cty con của NTP thông qua một đợt phát hành riêng lẻ.

Trà My

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/cuoc-dua-nghin-ty-cua-cac-dai-gia-ngoai-trong-nganh-nhua_t114c1068n131294