Cuộc đua lựa chọn tân Tổng Giám đốc WTO bắt đầu 'nóng'

Ngày 8-7 tới, quá trình lựa chọn ứng viên cho chiếc ghế Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ kết thúc giai đoạn đề cử ứng viên. Những gương mặt đầu tiên đã được các nước thành viên đề cử, nhưng vẫn chưa lộ diện gương mặt nào sáng giá vì điều này phụ thuộc nhiều vào sự ủng hộ của các nước lớn…

Theo trang web chính thức của WTO, tính đến ngày 16-6 vừa qua, đã có 4 ứng viên của 4 nước được đề cử gồm: Thứ trưởng Ngoại giao Mexico Jesus Seade phụ trách quan hệ với Bắc Mỹ, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Mexico-Mỹ-Canada, cựu Phó tổng Giám đốc WIPO; bà Ngozi Okonjo-Iweala, cựu Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Tài chính Nigeria, cựu Giám đốc điều hành Ngân hàng thế giới (WB), hiện đang giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng liên minh vaccine-GAVI; ứng cử viên của Ai Cập là ông Hamid Mamdouh (luật sư cấp cao tại hãng luật King & Spalding LLP, cựu Vụ trưởng Vụ Thương mại dịch vụ và Đầu tư của Ban thư ký WTO với hơn 20 năm làm việc ở WTO); và ứng cử viên của Moldova, Đại sứ Tudor Ulianovschi, cựu Bộ trưởng Ngoại giao, từng là Đại sứ tại WTO và các tổ chức quốc tế khác ở Geneva.

Châu Á và Liên minh châu Âu (EU) chưa thấy đề cử ứng viên. Tuy nhiên, báo chí cũng đã đề cập tới một vài ứng cử viên tiềm tàng của Indonesia, Hàn Quốc và EU.

 WTO cần sớm lựa chọn tân Tổng Giám đốc để đẩy nhanh tiến trình cải tổ và xử lý các vấn đề thương mại toàn cầu ngày càng phức tạp. Ảnh: Getty Images.

WTO cần sớm lựa chọn tân Tổng Giám đốc để đẩy nhanh tiến trình cải tổ và xử lý các vấn đề thương mại toàn cầu ngày càng phức tạp. Ảnh: Getty Images.

WTO đang thúc đẩy tiến trình lựa chọn tân Tổng Giám đốc sau khi Tổng Giám đốc đương nhiệm Roberto Azevedo trước đó bất ngờ tuyên bố sẽ từ chức kể từ ngày 31-8 tới, sớm hơn một năm so với thời hạn kết thúc nhiệm kỳ hiện nay. Người được lựa chọn theo quy định của WTO sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn, như: Có kinh nghiệm trong quan hệ quốc tế về kinh tế, thương mại, chính trị; cam kết chắc chắn về công việc và mục tiêu của WTO. Ngoài ra, nhân vật được lựa chọn phải có khả năng lãnh đạo và quản lý, kỹ năng giao tiếp.

Việc lựa chọn lãnh đạo WTO không có quy định về luân phiên giữa các nước phát triển và đang phát triển hoặc khu vực địa lý. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, châu Phi chưa từng có người nắm vị trí lãnh đạo WTO, vì vậy chức vụ Tổng Giám đốc lần này cần dành cho đại diện của châu Phi. Trước đó có tin Ai Cập đã đề cử ông Abdel-Hamid Mamhouh, một nhà đàm phán thương mại kỳ cựu của nước này, tham gia cuộc đua giành chức Tổng Giám đốc WTO. Tuy nhiên, ông Mamdouh được đánh giá là chưa hội đủ tầm để tạo được sự đoàn kết giữa các nước thành viên trong xử lý các vấn đề của WTO.

Cũng như các định chế tài chính, thương mại đa phương toàn cầu khác, việc lựa chọn người đứng đầu WTO luôn thể hiện rõ sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước. Giới chuyên gia cho rằng, đối với chiếc ghế Tổng Giám đốc WTO, các ứng viên sẽ cần tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ, Trung Quốc và EU-đây sẽ là nhân tố quyết định.

Tuy nhiên, cho dù là được bên nào hậu thuẫn, thì tân Tổng Giám đốc WTO phải là người có uy tín chính trị, chính trực, có cam kết đa phương thực sự, cân bằng được quan hệ với các nhóm nước, tôn trọng nhiều quan điểm khác nhau và nhận được sự tôn trọng của tất cả các thành viên WTO.

Hiện nay, WTO đang phải đối mặt với những thách thức lớn vì hệ thống quy tắc thương mại toàn cầu đang chịu áp lực mạnh mẽ trong bối cảnh cuộc thương chiến Mỹ-Trung chưa phân thắng bại, kéo theo nhiều hệ lụy, chủ nghĩa đơn phương của Tổng thống Donald Trump đã phá vỡ các chuẩn mực thương mại toàn cầu. Trong khi đó, tổ chức thương mại đa phương lớn nhất thế giới này đang phải đứng trước những yêu cầu cải tổ sâu sắc và toàn diện, nhằm khắc phục những vấn đề bất cập nội bộ từ trước và sau đại dịch Covid-19, nhất là khi Cơ quan phúc thẩm của WTO đã bị tê liệt. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức này hiện nay là cập nhật, nâng cấp hệ thống quy tắc WTO, từ đó xử lý những khác biệt của hai mô hình kinh tế nhà nước mà tiêu biểu là Trung Quốc và kinh tế thị trường, tiêu biểu là Mỹ.

Trong bối cảnh đó, hơn lúc nào hết, WTO cần phải thúc đẩy càng nhanh càng tốt quá trình lựa chọn người đứng đầu mới, nhằm tránh tình trạng tổ chức thương mại đa phương nắm giữ vai trò quan trọng trên sân chơi thương mại toàn cầu ngày càng phức tạp này, không có sự lãnh đạo vào thời điểm quan trọng và cần thiết như hiện tại.

MAI NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cuoc-dua-lua-chon-tan-tong-giam-doc-wto-bat-dau-nong-624139