Cuộc đua kiếm lợi nhuận từ khí thải nhà máy

Trong bối cảnh khí carbon phát thải từ các nhà máy tăng cao, các giải pháp thu giữ và biến CO2 thành các sản phẩm hữu ích phát triển, khí thải nhà máy trở thành 'vùng đất màu mỡ' để các doanh nghiệp kiếm lợi.

Trước tình trạng không khí ô nhiễm nặng tại Ấn Độ, công ty Start up Chakr ở New Deli đã phát minh ra giải pháp biến khí thải từ các nhà máy phát điện thành mực in. Những nhà sáng chế của Start up Chakr đã gắn thêm một thiết bị dạng ống ở cuối các máy phát điện, thiết bị này sẽ lọc và giữ lại CO2 chưa cháy thải ra từ động cơ đốt trong của máy phát. Lượng muội than đã thu giữ được đưa tới xử lý trong một nhà máy khác để chuyển thành mực in chất lượng cao.

Muội than được thu giữ và xử lý - Ảnh tư liệu

Muội than được thu giữ và xử lý - Ảnh tư liệu

Các chuyên gia ước tính, thiết bị xử lý có thể giữ lại tới 93% khí thải từ các động cơ đốt trong tiêu chuẩn và chỉ mất khoảng 45 phút để bộ lọc khí thải sản xuất ra 30ml mực, đủ cho một cây bút viết.

Mặc dù công nghệ này được đánh giá là phức tạp nhưng lại mang tính bền vững hơn nhiều so với cách sản xuất mực thông thường. Điều quan trọng là công nghệ này vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí lại vừa mang lại nguồn lợi từ việc bán mực in.

Cũng tại Ấn Độ, Nhà máy Hóa chất Kiềm Tuticorin đã sử dụng khí thải CO2 để làm nguyên liệu sản xuất Na2CO3 (bột nở) - một chất hóa học cơ bản có ứng dụng rộng trong sản xuất thủy tinh, chất làm ngọt, chất tẩy rửa và các sản phẩm giấy.

Công ty hóa chất này đã sử dụng công nghệ thu giữ khí thải của công ty Cacbon Clean (trụ sở tại Anh) để hấp thu gần như toàn bộ khí thải CO2 của một nhà máy nhiệt điện nằm tại phía nam nước này. Theo đó, toàn bộ khí thải từ nhà máy nhiệt điện được chuyển sang một khoang hấp thu, tại đây Tuticorin dùng công nghệ mới của Carbon Clean để tách CO2, sau đó khí CO2 sẽ được chuyển sang Nhà máy Hóa chất Kiềm Tuticorin làm nguyên liệu sản xuất Na2CO3.

Nhà máy nhiệt điện Tuticorin gần cảng Thoothukudi trên Vịnh Bengal, miền Nam Ấn Độ - Ảnh tư liệu

Với công nghệ của Carbon Clean, Nhà máy nhiệt điện Tuticorin được cho là nhà máy đầu tiên có thể thu giữ và tận dụng carbon ở quy mô công nghiệp. Trước đây, trong lĩnh vực thu giữ carbon, người ta vẫn chỉ tập trung vào thu và lưu trữ carbon, trong đó lượng khí thải CO2 sẽ được bơm vào các khối đá ngầm dưới đất với chi phí rất lớn và không đem lại lợi ích kinh tế.

Công nghệ sử dụng hóa chất thu giữ CO2 của Cacbon Clean cho phép thu giữ 60.000 tấn CO2 mỗi năm. Đặc biệt chi phí thu giữ carbon chỉ ở mức 30 USD/tấn, thay vì 60 hay 90 như các công nghệ trước đây. Chính nhờ vậy, công nghệ mới này đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trên khắp thế giới.

Hiện Nhà máy Carbon 8 (Anh) đang mua CO2 để làm nguyên liệu cho vật liệu xây dựng. Các doanh nghiệp khởi nghiệp như Black Carbon và Biochar Solutions đang sử dụng CO2 để làm than sinh học và năng lượng sinh học.

Trong khi đó, trên thế giới một số sáng kiến như Virgin Earth Challenge và Carbon XPrize đang tổ chức các cuộc thi để thúc đẩy các doanh nhân tìm ra những phương pháp hiệu quả hơn về thu giữ carbon với chi phí thấp hơn công nghệ đang được sử dụng hiện nay. Các nhóm nghiên cứu không chỉ nghiên cứu việc chuyển đổi carbon mà còn tập trung vào cả quá trình biến CO2 thành một sản phẩm hữu ích.

Marcius Extavour, Giám đốc cao cấp về Năng lượng và Tài nguyên tại XPrize, cho hay: "Chúng tôi thấy các nhóm đang làm mọi thứ từ hóa chất và nhiên liệu đến các vật liệu xây dựng vững chắc như bê tông hoặc vật liệu tiên tiến như hạt nano graphene hay ống nano cacbon".

Trong bối cảnh khí thải các nhà máy nhiệt điện, nhà máy sinh học tăng cao, các sáng kiến, giải pháp thu giữ, tận dụng carbon, biến khí thải thành sản phẩm hữu ích thực sự là "vùng đất màu mỡ" để các doanh nghiệp kiếm lợi.

Giám đốc điều hành của nhà máy hóa chất Tuticorin, ông Ramachandran Gopalan, đã nói với BBC Radio 4: “Tôi là một doanh nhân. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện cứu lấy hành tinh. Tôi cần một nguồn CO2 đáng tin cậy và đây là cách tốt nhất để có được nó”. Tuy nhiên, ông này cũng khẳng định nhà máy của ông hiện gần như không xả thải CO2 vào không khí hay nguồn nước.

Như vậy, nhìn từ hai phía, việc ứng dụng công nghệ thu giữ khí thải và biến carbon thành sản phẩm phục vụ tiêu dùng hay những nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất sẽ là cơ hội để môi trường và doanh nghiệp cùng “hưởng lợi”.

Thanh Sơn (Tổng hợp)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cuoc-dua-kiem-loi-nhuan-tu-khi-thai-nha-may-530501.html