Cuộc đua khó đoán định

Hôm nay (24-3), khoảng 51 triệu cử tri Thái Lan sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á này nhằm khôi phục chính quyền dân sự kể từ sau cuộc đảo chính quân sự cách đây 5 năm. Đây cũng là lần đầu tiên sau 8 năm cử tri xứ Chùa Vàng mới lại có cơ hội thực hiện quyền công dân của mình sau khi cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2014 bị Tòa án Hiến pháp tuyên vô hiệu.

Gọi là tổng tuyển cử nhưng thực chất đây là cuộc bầu cử Hạ viện bởi cử tri Thái Lan chỉ bầu 500 hạ nghị sĩ để “chọn mặt gửi vàng” trong khi 250 thượng nghị sĩ của Thượng viện là do Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO), vốn điều hành đất nước trong 5 năm qua, chỉ định. Hiến pháp mới của Thái Lan quy định lưỡng viện Quốc hội bầu thủ tướng, thay vì do đảng chiếm đa số trong Hạ viện bầu ra như trước kia. Tổng cộng có 68 ứng viên đã được kiểm tra tư cách để ứng cử cương vị này. Để được ngồi vào “ghế nóng”, ứng viên phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 376/750 nghị sĩ tại Quốc hội.

 Đường phố Thái Lan trước ngày bầu cử. Ảnh: Fox News

Đường phố Thái Lan trước ngày bầu cử. Ảnh: Fox News

Mặc dù có tới 80 đảng phái tham gia tranh cử nhưng theo đánh giá của giới phân tích và kết quả các cuộc thăm dò dư luận, trên thực tế đây chỉ là cuộc đua tam mã giữa đảng Palang Pracharath (Quyền lực nhân dân của nhà nước) của Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha, đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) có liên hệ với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và đảng Dân chủ của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva. Để giành giật từng lá phiếu, mỗi đảng đều đưa ra những cương lĩnh tranh cử riêng mà họ cho rằng là đánh trúng tâm lý, hướng đến những lợi ích sát sườn của người dân. Điểm nhấn quan trọng trong chiến dịch vận động tranh cử của đảng Palang Pracharath là duy trì hòa bình và trật tự. Theo đó, nếu đất nước hòa bình thì các chính sách khác, nhất là những biện pháp kinh tế, có thể thực hiện thành công. Ngoài ra, Palang Pracharath còn chủ trương tăng thêm 2-3 triệu người được hưởng an sinh xã hội, nhất là người cao tuổi, người tàn tật; giải quyết nợ công và xây dựng quỹ đầu tư nông thôn; hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu-sử dụng đất đai... Bên kia chiến tuyến, đảng Pheu Thai đặt mục tiêu giải quyết nợ công, tăng thu nhập cho người dân. Trong khi đó, đảng Dân chủ tuyên bố tập trung vào sửa đổi hệ thống pháp lý, chống tham nhũng và phân quyền lực về địa phương, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, cải tổ hệ thống thuế...

Không khó để nhận ra rằng đảng Palang Pracharath bước vào cuộc bầu cử hôm nay với một lợi thế nhất định. Sở dĩ nói như vậy bởi đảng này nhận được sự hậu thuẫn của NCPO-nơi chỉ định ra 250 ghế tại Thượng viện Thái Lan. Luật bầu cử mới của Thái Lan phức tạp ở chỗ trong số 500 ghế tại Hạ viện thì có 350 ghế được bầu theo 350 khu vực bầu cử và 150 ghế còn lại là theo danh sách đảng. Tổng cộng tất cả các lá phiếu hợp lệ sẽ được chia đều cho 500 ghế để lấy một con số lá phiếu bình quân đối với mỗi ghế. Dựa vào đây, các lá phiếu bầu cho mỗi đảng trên khắp cả nước (không phân biệt là đảng này thắng hay thua tại một khu vực bầu cử) sẽ được cộng dồn chia cho con số bình quân nói trên để ra số ghế tại Hạ viện của một đảng. Từ đó, số ghế theo danh sách đảng chính là kết quả có được sau khi lấy tổng số ghế của một đảng trừ đi số ghế mà đảng đó giành được ở 350 khu vực bầu cử. Có thể hiểu đơn giản rằng, hầu như đảng nào tham gia cuộc chạy đua hôm nay cũng đều “có phần”. Mọi lá phiếu của cử tri đều có giá trị kể cả một đảng thắng hay thua tại một khu vực bầu cử. Cũng vì lẽ đó, khả năng đảng Pheu Thai hay đảng Dân chủ giành tới tận 376 ghế trong tổng số 500 ghế tại Hạ viện để thành lập chính phủ mới theo quy định gần như là rất ít. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng “cánh cửa” đã khép lại với hai đảng này bởi các đảng vẫn có thể liên minh với nhau để giành đủ số ghế cần thiết. Thậm chí ngay cả đối với đảng Palang Pracharath, liên minh cũng có thể là một phương án dự phòng.

Cũng cần phải lưu ý rằng theo ước tính sẽ có khoảng 7,3 triệu cử tri Thái Lan lần đầu tiên đi bỏ phiếu trong ngày hôm nay-một con số có tác động đáng kể đến kết quả cuộc tổng tuyển cử lần này. Đó là chưa bàn tới một thực tế là ngay trước thềm bầu cử, vẫn còn rất nhiều cử tri Thái Lan chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho đảng nào. Kết quả thăm dò dư luận trên phạm vi toàn quốc của tờ Bangkok Post cho biết có đến hơn 60% cử tri Thái Lan thuộc diện này. Đây chính là những nhân tố khiến cuộc đua hôm nay trở nên khó đoán định. Cũng vì thế mà không thể loại trừ điều bất ngờ có thể xảy ra, nhất là khi đã từng có tiền lệ trong các cuộc bầu cử trên thế giới thời gian vừa qua.

Tỷ lệ cử tri đi bầu đạt gần 90% trong tổng số 2,63 triệu cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu sớm hôm 17-3 vừa qua phần nào cho thấy sự mong đợi của người dân xứ Chùa Vàng dành cho cuộc bầu cử vốn từng bị trì hoãn nhiều lần vì nhiều lý do này. Trong bối cảnh kinh tế Thái Lan đang có dấu hiệu chững lại và những vấn đề xã hội như thất nghiệp, khoảng cách thu nhập và phân tầng xã hội ngày càng trở nên sâu sắc, lá phiếu của cử tri sẽ vừa là thước đo tín nhiệm nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề đối với các đảng phái nói chung và chính phủ mới nói riêng.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/cuoc-dua-kho-doan-dinh-569430